Lao động trí óc, sáng tạo hầu như không có sự kết thúc theo thời gian, không thể ngừng hẳn sự suy nghĩ khi tiếng chuông reo báo hết giờ. Một nhà phát minh, một nhà nghiên cứu khoa học hay một doanh nghiệp đã rời phòng làm việc, nhưng những ý tưởng, suy nghĩ thì cứ tiếp diễn khi họ đi trên đường về nhà, khi đang trò chuyện cùng gia đình nhưng những suy nghĩ cứ đeo đuổi và cũng có thể xuất hiện ngay cả trong giấc ngủ.
Vì vậy, những người lao động trí óc nên có một chế độ dinh dưỡng phù hợp, bên cạnh chế độ luyện tập và nghỉ ngơi hợp lý để giúp bộ não khỏe mạnh. Chính vì vậy, những người lao động trí óc cần có chế độ ăn đặc biệt để cung cấp dưỡng chất cần thiết cho nhu cầu cấu trúc và thực hiện tốt các chức năng của não.
Nguyên tắc chính của dinh dưỡng đối với người lao động trí óc là duy trì năng lượng của khẩu phần bằng với năng lượng tiêu hao, hạn chế glucid và lipid, không nên cung cấp dư thừa năng lượng vì dễ dẫn đến tích mỡ trong cơ thể. Đối với người trưởng thành, trung bình cần khoảng 2.200-2.400 kcal/ngày (trong đó lượng protid chiếm 12-15% , lipid: 18% , glucid: 60-65%) và nên phân bố như sau: sáng 12-25%, trưa 25-30%, chiều 25-30% và tối 10-15%.
Qua nhiều công trình nghiên cứu, các nhà khoa học đã kết luận, 5 nhóm dưỡng chất sau đây rất cần thiết cho người lao động trí óc:
Các chất béo thiết yếu như omega-3 và omega-6
Cấu trúc não được cấu tạo bởi 60% chất béo. Các chất béo thiết yếu như omega-3 (có trong bí ngô, hạt, dầu cải), EPA và DHA (có trong cá hồi, cá thu, cá trích, cá mòi, cá trổng, tảo, rong biển, trứng), omega-6 (có trong ngô, hạt hướng dương, vừng), AA (có trong thịt, sữa, trứng, mực)… là nguyên liệu cấu tạo các tế bào thần kinh, do đó, để giúp cho não hoạt động tốt, người lao động trí óc cần có ít nhất 3 bữa cá trong tuần hoặc thay thế bằng các loại đậu hoặc các hạt cá nhiều dầu.
Glucose
Glucose là nguồn nguyên liệu chủ yếu cung cấp năng lượng cho não (não tiêu thụ gần 40% lượng glucose của cơ thể). Thiếu glucose não sẽ hoạt động không tốt, nhưng nếu thừa glucose lại không có lợi cho não, vì vậy, chúng ta nên chọn thực phẩm có lượng đường ở mức thấp hoặc trung bình như khoai, ngũ cốc nguyên cám, gạo lức, các loại đậu, rau và hoa quả… thích hợp với những người lao động trí óc hơn cả. Nên hạn chế sử dụng đường mía tẩy trắng, đường sữa (lactose) vì những loại này thường hấp thụ và chuyển hóa nhanh dễ thành mỡ tích lũy trong cơ thể..
Acid amin
Là nguồn nguyên liệu tổng hợp ARN, ADN và protein. Protein chiếm khoảng 35% khối lượng của các tế bào thần kinh, là chất dinh dưỡng quan trọng cho chức năng tư duy, lưu trữ và tái hiện thông tin của não. Các acid amin cần thiết cho hoạt động của não là tryptophan, lysin, methonin, phenylalanin, taurin. Các thực phẩm như đậu nành, ngô, hạt hướng dương, hạt điều, các loại đậu, nấm, gạo lức, bí ngô, cá ngừ, cá hồi, cá mòi, gà, trứng, sữa chua, bơ động vật, thịt… rất giàu đạm và các acid amin.
Phospholipid
Phospholipid làm tăng sự nhạy bén của các hoạt động trí óc, ngăn cản sự suy giảm trí nhớ do tuổi tác. Phospholipid có nhiều trong lòng đỏ trứng, nội tạng động vật như gan, tim, cật… Bạn không cần kiêng mỡ quá mức vì không có lợi cho não.
Vitamin và khoáng chất
Vitamine nhóm B (B1, B5, B6, B12, C, acid folic) có vai trò quan trọng trong việc duy trì các hoạt động của hệ thần kinh qua cơ chế thúc đẩy quá trình chuyển hóa năng lượng và các chất dinh dưỡng. Trong ngũ cốc nguyên hạt, sữa, trứng, súp lơ xanh, nấm, thịt, thịt gà, đậu, cà rốt, sữa bò, gan có rất nhiều vitamin nhóm B… Các khoáng chất (kẽm, magiê, iod, sắt) là thành phần cấu tạo cơ thể, tham gia vào các phản ứng sinh học, giữ cân bằng nước và điện giải, đặc biệt truyền các xung động thần kinh. Nên ăn ít nhất 300g rau quả tươi/ngày.