Cột sống có vai trò hết sức quan trọng trong mọi hoạt động sống của con người. Nó tạo thành bộ khung nâng đỡ cơ thể, tạo cho con người có dáng đứng thẳng, bảo vệ tủy sống và các cơ quan nội tạng trong cơ thể. Bệnh cong vẹo cột sống xuất hiện ngay khi trẻ mới sinh hoặc lúc còn trẻ thơ do còi xương, tập ngồi hay tập đi quá sớm hoặc học tập và làm việc không đúng tư thế… Nhiều trường hợp cong vẹo cột sống không xác định được nguyên nhân. Trên thực tế chỉ đến khi trẻ bước sang giai đoạn tăng trưởng nhanh và trưởng thành thì bệnh mới biểu hiện rõ rệt.
Cong vẹo cột sống và cách phân loại
Tình trạng cong vẹo cột sống có thể nặng hay nhẹ, vì vậy các biến chứng cũng ở các mức độ khác nhau, thông thường cong vẹo cột sống được chia thành 3 độ:
– Vẹo độ 1: Khi đứng thẳng thì có xoáy vặn cột sống nhưng hình thể vẹo không thấy rõ ràng. Khó phát hiện bằng mắt thường. Nói chung chưa ảnh hưởng đến chức năng hô hấp.
– Vẹo độ 2: Khi đứng thẳng, nhìn sau lưng cũng đã thấy được hình dáng cong vẹo cột sống, thấy được ụ lồi sườn do đốt sống bị xoáy vặn. Bắt đầu có ảnh hưởng đến chức năng hô hấp.
– Vẹo độ 3: Nhìn thấy rõ tư thế lệch, cột sống bị cong ảnh hưởng rõ tới quá trình hô hấp, có thể gây biến dạng khung chậu, nếu là nữ thì trở ngại tới việc sinh con.
Ở các trường hợp nặng, bắp thịt bị kéo căng và có hiện tượng đau, xương ngực có thể bị biến dạng, tim phổi xê dịch vị trí, chiều dài của lưng bị ngắn lại. Xương chậu cũng có thể bị quay lệch, các cơ quan trong ổ bụng cũng có thể dịch vị trí.
Cong vẹo cột sống và các nguyên nhân
Vẹo cột sống có rất nhiều nguyên nhân khác nhau: Bẩm sinh, vẹo cột sống kèm theo các bệnh lý liên quan đến tuỷ sống hay thần kinh cơ (bướu đa sợi thần kinh, hội chứng Marfan, rỗng tuỷ sống, thoát vị hạnh nhân tiểu não, biến chứng của bệnh bại liệt…) hay không rõ nguyên nhân (vô căn). Trong đó, vẹo cột sống chưa tìm ra nguyên nhân chiếm từ 60 -70 %. Tuy nhiên ở đây chúng ta chỉ xét đến bệnh cong vẹo cột sống học đường. Trẻ bị cong vẹo cột sống thường do:
– Thiếu bàn ghế ngồi học , kích thước bàn ghế không phù hợp với lứa tuổi, sự sắp xếp không đúng cách, trẻ ngồi học ở nơi thiếu ánh sáng…
– Lao động quá sớm, tư thế lao động bị gò bó như gánh, vác, đội, cõng hoặc bế nách em nhỏ, đeo cặp sách quá nặng so với tuổi và không đều hai bên vai.
– Trẻ nghiêng vẹo trong quá trình học tập, rèn luyện, sinh hoạt, lao động (ví dụ như trẻ phải nghiêng người về chỗ có ánh sáng do thiếu ánh sáng).
– Do bệnh tật, còi xương, suy dinh dưỡng, tai nạn.
Đa số trẻ dưới ba tuổi bị vẹo cột sống bẩm sinh hay liên quan đến các bệnh lý khác đều khó điều trị và tiên lượng nặng hơn. Khoảng 20% trẻ vẹo cột sống ở độ tuổi thiếu nhi (từ 3 – 10 tuổi) có nguyên nhân từ các bệnh lý khác kèm theo, phần lớn chưa tìm ra nguyên nhân. Sau mười tuổi, đa số trẻ vẹo cột sống vô căn diễn biến nặng cho đến tuổi trưởng thành.
Tuổi càng nhỏ nguyên nhân bệnh lý kèm càng nhiều, càng khó điều trị. Bệnh nhân đến khám càng muộn, vẹo cột sống càng nặng thì phẫu thuật điều trị càng nguy hiểm.
Cong vẹo cột sống và điều trị
Việc điều trị cong vẹo cột sống sớm có tầm quan trọng đặc biệt nhằm ngăn chặn sự biến dạng cột sống dẫn tới biến dạng tư thế, khung chậu, hay nặng hơn là ảnh hưởng tới chức năng hô hấp và tuần hoàn. Với các kỹ thuật điều trị thông thường như vật lý trị liệu, thể dục liệu pháp, chỉnh lại tư thế đứng ngồi trong sinh hoạt hàng ngày nhất là tư thế ngồi học của các em học sinh…, tình trạng bệnh sẽ được ổn định.
Với những người trưởng thành, cột sống không được mềm dẻo và đã có những biến dạng nặng thì việc điều trị càng khó khăn. Trong những trường hợp này, có thể phải phẫu thuật chỉnh hình dựa vào một loại nẹp kim loại đặc biệt được đặt cố định vào cột sống trong thời gian dài để nắn chỉnh hình. Các bước phẫu thuật chỉnh hình phụ thuộc vào mức độ biến dạng nặng hay nhẹ của cột sống, nó còn tốn kém về cả tiền bạc và thời gian.
Cong vẹo cột sống và cách phòng chống
Tạo cho trẻ có tư thế ngồi học ngay ngắn, ngồi học ở nơi có đủ ánh sáng.
– Bàn ghế học sinh cần phù hợp với lứa tuổi, chiều cao của trẻ: chiều rộng của mặt ghế nên rộng hơn xương chậu 10cm. Chiều sâu của mặt ghế phải bằng 2/3 chiều dài của đùi. Chiều cao của mặt ghế nên bằng chiều cao của cẳng chân cộng với chiều cao của bàn chân và của dép.
– Chiều cao của mặt bàn so với mặt ghế cần đủ để trẻ ngồi đặt tay lên bàn thoải mái, không bị nhô vai lên hay hạ vai xuống. Khoảng cách từ lưng ghế đến mép bàn phải lớn hơn đường kính trước sau của lồng ngực 3-5cm để trẻ có thế tựa lưng vào ghế.
– Bạn không nên cho trẻ xách cặp hoặc đeo cặp một bên vai mà nên cho trẻ đeo cặp bằng hay quai sau lưng với quai đeo bằng nhau. Nếu sách vở, đồ dùng học tập của trẻ quá nhiều và nặng, bạn cần mua cặp sách kéo cho trẻ.
– Cho trẻ lao động và tập luyện vừa sức và cân đối với tuổi của trẻ.
– Để phòng ngừa cong vẹo cột sống, cần phòng chống suy dinh dưỡng, còi xương ở trẻ nhỏ. Chế độ ăn cần có đủ protein, chất khoáng và vitamin đặc biệt là vitamin D và can – xi.
– Cần thực hiện giờ nghỉ giải lao giữa các tiết học. Phải nâng cao sức khỏe chung của cơ thể bằng cách rèn luyện thể dục thể thao cho các bắp thịt, các tổ chức liên kết, dây chằng các khớp khỏe, làm tăng sự dẻo dai bền bỉ và phát triển cân đối.