Dinh dưỡng trong giai đoạn bầu bí có vai trò hết sức quan trọng bởi nó không chỉ quyết định tới sức khỏe của thai nhi mà còn đóng góp không nhỏ tới thể trạng của mẹ bầu. Bạn có thể tham khảo những thực phẩm tốt và phù hợp với bà bầu, nhưng cũng đừng quên rằng cũng có những thực phẩm nên hạn chế hoặc tuyệt đối tránh vì sự an toàn của mẹ và bé nhé.
Những thực phẩm sống
Thực phẩm sống luôn chứa một lượng lớn vi khuẩn và ký sinh trùng gây hại chưa bị tiêu diệt, đó là những nguy cơ cực kỳ nguy hiểm đối với mẹ bầu và thai nhi. Có thể điểm mặt một số loại như: E-coli, Toxoplasmosis hay Salmonella… đều tăng nguy cơ nhiễm độc thai nghén, sảy thai, tiêu chảy v.v…
Vậy thì bạn sẽ phải lưu ý những gì? Hãy để mắt tới các loại thịt cá chưa nấu chín, trứng gà, thịt nướng hoặc hun khói chưa kỹ và tất nhiên là cả dao thớt không sạch (sau khi thái thịt lại dùng để thái rau sống ăn chẳng hạn). Hãy nhớ “ăn chín uống sôi” đặc biệt quan trọng trong giai đoạn này nhé. Các loại thực phẩm đã nấu chín nhưng nếu để tủ lạnh qua đêm cũng không nên tiếc vì lượng vi khuẩn cũng đã đủ để tích tụ trong cơ thể bạn.
Chất kích thích
Chất kích thích là thứ mà nhiều khi chính các bạn không ngờ tới, do thói quen hoặc do không hiểu biết về nó. Chất kích thích đầu bảng tất nhiên là ma túy, chất gây nghiện bởi nó đặc biệt nguy hiểm chứ không riêng gì với bà bầu. Tuy vậy bên cạnh đó thì còn rất nhiều các loại chất kích thích dạng nhẹ hơn, khiến tăng nguy cơ sảy thai, đẻ non, tác động nghiêm trọng tới sức khỏe của bé sơ sinh.
– Rượu và thuốc lá là 2 loại chất kích thích cần phải tránh để giảm các nguy cơ dị tật cho thai nhi. Thuốc lá thụ động là điều mà các bà bầu phải lưu ý vì bị tác động ngoài mong muốn và vì vậy cần có biện pháp khuyến cáo đối với người thân & bạn bè đối với việc hút thuốc lá trong nhà hoặc nơi công cộng.
– Cà phê và các loại đồ uống chứa caffein (nước tăng lực, soda, coca…) là loại chất kích thích cần phải hạn chế tiếp theo trong danh mục bởi chúng làm giảm hấp thụ sắt của cơ thể, gây tăng nhịp tim và áp lực máu dẫn đến mất ngủ, đau đầu, thậm chí là các nguy cơ sảy thai, đẻ non…
– Trà và đặc biệt là trà đặc cũng cần phải lưu ý khi chúng có tác dụng tương tự như cà phê, ngoài ra trà làm giảm khả năng hấp thụ sắt rất mạnh và có thể khiến đứa trẻ sinh ra thiếu máu, cơ thể yếu ớt.
Các loại gia vị
Gia vị nêm nếm trong thức ăn hàng ngày tuy chỉ có tác động nhỏ nhưng tích lũy ngày qua ngày lại trở thành những thực phẩm không tốt đối với bà bầu.
– Ăn mặn là điều hết sức lưu ý, nhất là khi bạn có thói quen “thèm” vị mặn bởi nó gây nên những nguy cơ huyết áp cao, phù nề, đau đầu, hoa mắt chóng mặt… vào cuối thai kỳ, rất nguy hiểm khi sinh đẻ.
– Ăn ngọt nhiều cũng không nên bởi nó làm tăng áp lực đào thải lên thận của bạn, tăng lượng đường trong máu, gây tăng cân mất kiểm soát và kéo theo một loạt vấn đề kèm theo.
– Các loại gia vị khác như bột nêm, ngũ vị hương, hạt tiêu… tuy không tác động nhiều, nhưng tùy thể trạng từng người có thể làm tiêu hao lượng nước trong đường ruột, làm cho đường ruột giảm bài tiết và khô, kèm theo đó là táo bón.
– Các loại gia vị cay như ớt, hạt tiêu, gừng… sẽ khiến bạn nóng bên trong và rất khó chịu trong giai đoạn bầu bí, cùng với đó là hiện tượng táo bón nếu ăn thường xuyên.
Và những thực phẩm khác
– Hãy lưu ý một số loại thủy hải sản bởi một số loại cá có chứa hàm lượng thủy ngân cao hơn mức bình thường như: cá mập, cá kiếm, cá thu lớn… Trẻ nhiễm thủy ngân cao có thể có vấn đề về thần kinh sau khi sinh.
– Gan động vật cũng không nên ăn quá nhiều mà nên có lượng phù hợp bởi chúng chứa nhiều Cholesterone và vitamin A, chưa kể tới một số độc tố có thể tích tụ. Nguy hiểm nhất là chúng gây thừa vitamin làm ảnh hưởng xấu tới cả mẹ lẫn con.
– Đu đủ xanh: được khuyến cáo là rất nguy hiểm nhất là giai đoạn mang thai 3 tháng đầu, dễ gây xuất huyết, sảy thai.
– Nước dừa: Uống vừa đủ thì rất tốt, nhưng uống nhiều trong 3 tháng đầu dễ gây lạnh bụng.
– Rau sam, nước ép nha đam: được cho là những thứ gây co thắt tử cung rất mạnh có thể khiến sảy thai.
Bảo Hoa đã bình luận
Bài viết rất hữu ích, cám ơn Hạnh phúc gia đình