Dinh dưỡng là một trong những yếu tố lớn và quyết định tới sự phát triển của thai nhi và sức khỏe của bà bầu và bà mẹ đang cho con bú. Chế độ dinh dưỡng đầy đủ giúp cho phụ nữ mang thai và cho con bú đáp ứng được những thay đổi về chuyển hóa, tích lũy mỡ, tăng cân để nuôi dưỡng thai nhi và cho nhu cầu của các hoạt động sinh hoạt hằng ngày của bà bầu, phụ nữ cho con bú.
1. Dinh dưỡng cho phụ nữ có thai
Bà bầu có chế độ dinh dưỡng kém dễ sinh con nhẹ cân, suy dinh dưỡng.
Mức tăng cân hợp lý trong thai kỳ sẽ phụ thuộc vào tình hình sức khỏe và dinh dưỡng (chỉ số khối cơ thể: BMI) trước khi mang thai của người mẹ để có mức tăng phù hợp.
Mức tăng cân trong thai kỳ: Tăng cân là biểu hiện tích cực cho thấy sự phát triển của thai nhi, tăng cân của người mẹ lúc mang thai phụ thuộc vào giai đoạn thai kỳ và tình trạng dinh dưỡng trước khi mang thai.
Nếu bà bầu có chỉ số BMI bình thường (18,5-24,9): Bà bầu chỉ cần tăng từ 10 đến 12 kg trong cả thai kỳ, cụ thể là trong tam cá nguyệt đầu tiên nên tăng 1kg, trong tam cá nguyệt thứ hai nên tăng từ 4 đến 5 kg và trong tam cá nguyệt thứ ba nên tăng từ 5 đến 6 kg
Nếu bà bầu có chỉ số BMI thấp, tức là người gầy (<18,5): bà bầu nên tăng thêm 25% trên tổng số mức cân nặng trước khi có thai.
Ngược lại, nếu bà bầu có chỉ số BMI cao, tức là người thừa cân, béo phì ( ≥25): bà bầu chỉ nên tăng 15% trên tổng số mức cân nặng trước khi có thai.
Xem thêm:
- Phụ nữ mang thai nên ăn gì
- Thực phẩm tốt cho bà bầu
- Chế độ dinh dưỡng cho bà bầu
- Bà bầu nên ăn gì
- Bà bầu không nên ăn gì
Một số lưu ý khi có thai
– Không uống các đồ uống như rượu, bia, cà phê, thuốc lá, nước chè đặc…
– Hạn chế ăn các loại gia vị như ớt, hạt tiêu, tỏi
– Hạn chế ăn mặn nhất là đối với bà bầu bị phù, tăng huyết áp hoặc bị nhiễm độc thai nghén
– Không nên quá kiêng cữ, chỉ ăn một vài loại thức ăn vì dễ gây thiếu dinh dưỡng cho cả mẹ và thai nhi. Bữa ăn cần đa dạng với nhiều loại thực phẩm khác nhau (nên có ít nhất 10 loại thực phẩm/1 bữa chính).
– Trường hợp bà bầu bị nghén như buồn nôn, nôn hay sợ một số thực phẩm, nên thay thế sang các loại thực phẩm khác để tránh không bị thiếu hụt dinh dưỡng. Đặc biệt là rau củ quá trái cây, nên ăn nhiều để cung cấp nguồn vitamin và khoáng chất tự nhiên cho cơ thể.
2. Dinh dưỡng cho phụ nữ cho con bú
Mẹ cần cho co bú sớm ngay sau sinh (tốt nhất là trong vòng 1 giờ đầu) và tiếp tục nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu. Nếu có thể nên duy trì việc cho trẻ bú đến 24 tháng hoặc lâu hơn.
Chế độ dinh dưỡng trong 6 tháng đầu sau sinh rất quan trọng vì quyết định trực tiếp đến số lượng và chất lượng sữa để phục vụ cho việc nuôi con bằng sữa mẹ. Đó cũng là nguồn dinh dưỡng để duy trì nguồn sức khỏe cho người mẹ.
Chế độ dinh dưỡng nên đa dạng, đảm bảo có ít nhất 5 nhóm thực phẩm chính trong mỗi bữa ăn chính. Thức ăn nên chế biến dưới dạng dễ tiêu hóa, nhưng vẫn giàu chất dinh dưỡng.
Người mẹ cho con bú nên chia nhỏ thành nhiều bữa trong ngày, từ 3 đến 6 bữa ăn.
Uống đủ từ 2,5 đến 3 lít nước để đáp ứng nhu cầu nước cho cơ thể và cung cấp sữa cho con.
Nhu cầu dinh dưỡng của người mẹ cho con bú cũng tùy thuộc vào tình trạng dinh dưỡng trước và trong thai kỳ.
Nếu các bà mẹ trước và trong thai kỳ có chế độ dinh dưỡng tốt, tăng từ 9 đến 12 kg trong thai kỳ thì nên ăn nhiều hơn để đảm bảo năng lượng tăng thêm mà cơ thể cần, cụ thể là 2260 kcal một ngày đối với lao động nhẹ và 2550 kcal một ngày đối với lao động trung bình.
Ngược lại, nếu trước và trong thời kỳ mang thai có chế độ dinh dưỡng kém, tăng cân ít hơn 9kg thì cần phải cố gắng bổ sung nhiều thông qua thực phẩm, ăn đa dạng để đảm bảo tăng thêm 675 kcal ngày so với trong khi mang thai.
Những điều cần lưu ý cho bà mẹ đang cho con bú
– Không nên ăn uống kiêng khem quá mức
– Nên ăn nhiều rau, uống nhiều nước, không ăn quá nhiều gia vị cay, mặn…
– Không ăn các thức ăn đã bị ôi, thiu, hỏng, mốc.
– Hạn chế ăn các thức ăn có nhiều gia vị (hành, tỏi, ớt..), không uống rượu, cà phê và hút thuốc lá.
– Hạn chế lao động quá sức
– Giữ tinh thần luôn vui vẻ, lạc quan. Không lo lắng, giận dữ.
– Không tự ý sử dụng thuốc mà phải hỏi ý kiến bác sĩ vì có thể nguy hiểm, ảnh hưởng trực tiếp đến con.
– Các bà mẹ cho con bú sẽ giảm cân tốt hơn so với các bà mẹ không nuôi con bằng sữa mẹ do mỡ tích lũy trong thời gian mang thai sẽ được chuyển hóa thành sữa cho con bú. Do đó các bà mẹ không ăn kiêng trong giai đoạn này vì người mẹ sẽ cần có bữa ăn đa dạng, nhiều năng lượng hơn bình thường để đáp ứng nhu cầu năng lượng của mình và tạo đủ sữa cho con. Vào giai đoạn này, muốn giảm cân, bà mẹ chỉ cần có chế độ dinh dưỡng cân bằng và tập thể dục đều đặn mỗi ngày, đồng thời, giảm bớt lượng đường và không nên sử dụng đồ uống có cồn.