Có vô số bà mẹ chồng than khổ vì bị con dâu biến thành osin, hết trông cháu lại nhờ việc nhà. Nhưng nhiều bà khác, ngược lại, buồn tủi vì con dâu cho “thất nghiệp” dài dài.
“Mẹ đừng có động vào”
Chị em trong cơ quan ai cũng thương cho Thư vì cô có một bà mẹ chồng tai ác. Bà được con dâu rước từ quê lên, hầu hạ ăn ngon mặc đẹp, không phải mó tay vào bất cứ việc gì. Thế mà bà vẫn đi “buôn dưa lê” với hàng xóm, than phiền, kể xấu nàng dâu. “Nhàn cư vi bất thiện”, đồng nghiệp của Thư chép miệng. “Khác máu tanh lòng, đúng là cái phận làm dâu khổ thật”, một chị khác lắc đầu.
Hôm Thư mời cả phòng về nhà mình bù khú nhân lúc chồng đi công tác vắng, chị em nhân thể cũng muốn xem mặt bà mẹ chồng không biết điều của cô ra sao. Mọi người vào nhà, thấy một bà già chạy ra đon đả: “Mời các chị vào chơi với em nó”. Rồi bà chạy vào bưng một rổ khoai lang luộc ra mời khách. “Khoai nào đấy mẹ?”, Thư hỏi. “Con mua hôm qua chứ đâu. Mẹ thấy con bảo mời chị em đến chơi nên luộc trước cho con đỡ vất vả. Đúng là bây giờ ăn gì cũng ngán, ăn khoai ăn sắn lại hay”.
Thư gắt: “Trời ơi, con đã bảo mẹ cứ nghỉ ngơi, đừng có đụng tay vào việc gì. Khoai đấy con mua làm lẩu cơ mà. Rõ khổ, lại phải lóc cóc đi chợ”. Thư đi rồi, bà mẹ vẻ biết lỗi, cố phân bua với khách: “Tôi thấy nó bận bịu quá nên muốn giúp được chút nào hay chút đấy, không ngờ toàn làm không đúng ý nó”. Rồi bà than, ở quê thì con cái kêu là không tạo điều kiện cho nó báo hiếu, chứ lên đây buồn quá, muốn giúp chuyện cơm nước thì con dâu không cho làm, chắc vì bà nấu kiểu nhà quê không ngon. Quần áo đã có máy giặt, và từ hồi làm hỏng mấy cái váy của Thư vì cho cả đồ trắng và đồ màu vào một mẻ giặt, bà không dám động đến nó nữa. Vệ sinh nhà cửa thì đã có giúp việc theo giờ.
“Tôi muốn về lắm nhưng sợ con cái nó nghĩ ngợi. Trước tôi hay sang các nhà hàng xóm nói chuyện cho đỡ buồn, nhưng có lần cái Thư trách tôi nói xấu nó, làm hàng xóm nghĩ nó ghê gớm với mẹ chồng. Tôi sợ ảnh hưởng đến con nên chả dám đi nữa. Chắc nó hiểu nhầm chứ tôi có nói xấu gì đâu, cũng chỉ than buồn như kể với mấy chị nãy giờ thôi”.
Thư về, mẹ chồng chạy lại hỏi có việc gì để bà làm giúp, nhưng cô bảo: “Thôi mẹ cứ nghỉ cho khỏe. Con làm ù tí là xong”. Bà già tiu nghỉu lên phòng. Thư lắc đầu nói với đồng nghiệp: “Khổ, làm gì hỏng đó mà cứ đòi làm. Em chả dại để bà làm, đã mang tiếng bóc lột mẹ chồng lại còn phải khắc phục hậu quả”.
“Trời ơi, mẹ giết cháu rồi!”
“Nhà có giúp việc rồi, mẹ cứ nghỉ cho khỏe” là điệp khúc mà bà Hoàn vẫn nghe mỗi khi buồn tay buồn chân định làm việc gì đó. Nguyên nhân cũng chỉ vì nàng dâu sợ mẹ chồng làm hỏng việc. Nhiều phen tự ái nhưng bà không thể dỗi bỏ về quê vì khi lên Hà Nội ở với con, bà đã bán đất bán nhà.
Biết con dâu có bầu, bà Hoàn như mở cờ trong bụng, không chỉ vì sắp có cháu mà còn vì nghĩ rằng khi có đứa trẻ, công việc nhiều lên, bà sẽ không thành người thừa nữa. Nhưng bà vỡ mộng vì mọi việc chăm sóc em bé, nàng dâu đều tự tay làm hoặc chỉ đạo osin, chứ không cho bà động vào. Thành thử muốn chăm cháu, bà toàn phải làm trộm, nhưng vẫn không qua mặt được cô dâu tinh ý.
“Mẹ chèn gối vào người cu Bin đấy à? Mẹ phải để nó tự do vận động tay chân thì mới khỏe chứ”. “Khổ quá, nó đang sốt đùng đùng sao mẹ còn đắp chăn cho nó làm gì?”… Hễ làm gì cho cháu là y như rằng bà bị con dâu “mắng” vì làm sai. Biết rằng bây giờ bọn trẻ nuôi con theo khoa học, không giống kinh nghiệm các cụ ngày xưa, bà Hoàn cũng muốn các con hướng dẫn mình, muốn rút kinh nghiệm, nhưng ngay cả anh con trai cũng muốn dẹp mẹ qua một bên: “Mẹ cứ kệ bọn con, thỉnh thoảng bế cháu là được rồi”.
“Nhưng nào tôi có được bế cháu”, bà Hoàn than, “Hễ tôi lại gần thằng bé là con dâu nhìn tôi đầy cảnh giác. Nó đang bận gì cũng phải bỏ dở để chạy lại con nó, làm như tôi âm mưu hại thằng bé không bằng”.
Ngoài một tháng, thằng cháu nội bỗng sinh tật khóc đêm, khóc ngằn ngặt đến hết cả hơi. Bố mẹ đưa đi khám, bác sĩ bảo không sao, khóc quá thì cho uống thuốc an thần. Riêng bà Hoàn thì nghĩ cháu mình bị phải vía ai đó nên đang ăn ngon ngủ yên bỗng sinh ra vậy. Biết chắc các con sẽ phản đối nên đợi dịp cả hai đèo nhau ra ngoài có việc, bà mới “chữa” cho cháu được. Đưa chút tiền nhờ cô giúp việc ra ngoài mua hộ vài thứ, bà ở nhà lấy mấy tờ báo cũ đưa vào phòng cháu, đốt lên, rồi vừa lẩm bẩm đuổi vía vừa bế cháu đu đưa phía trên. Đang làm thì con dâu hớt hải chạy vào, thét lên kinh hãi: “Trời ơi, mẹ giết cháu rồi. Nó bỏng mất còn gì. Con đã linh tính có sự chẳng lành nên mới quay về, biết ngay là có chuyện mà”. Rồi nàng dâu xông vào giằng lấy đứa bé. Bà Hoàn tức giận nhưng chưa kịp phản ứng thì con trai gắt: “Mẹ làm cái gì vậy? Mà mẹ có biết khói với mực in độc lắm không? Nó bị ung thư thì sao?”.
Sau vụ đó, bà Hoàn bỏ về quê ở nhờ nhà chú thím. Các con mời bà lên không được, càng trách bà đã cổ hủ lại còn hay để bụng.
Bắt vợ “nhường việc” cho mẹ
Trong những chuyện như của Thư và bà Hoàn, cả mẹ chồng và nàng dâu đều cho rằng mình mới là nạn nhân. Mẹ chồng buồn vì mình bị con dâu gạt ra rìa, bắt trở thành người thừa. Còn các cô dâu thì bực tức vì mình đã tạo điều kiện cho mẹ chồng nghỉ ngơi mà các bà không chịu ngồi yên, cứ động tay vào rồi làm sai hết cả. Nhưng bây giờ đã là thời đại mới, dâu con không còn là “công dân hạng bét” trong nhà nữa nên họ thẳng thắn bày tỏ quan điểm với mẹ chồng. Thế là các bà, hoặc là dỗi về quê, hoặc là chấp nhận buồn chán để khỏi quấy rối cho con cháu.
May là cũng có khi, con cái nhận ra mẹ mình đang mòn mỏi trong sự “vui hưởng an nhàn” đó, như trường hợp anh Huy. Người đàn ông 37 tuổi này luôn an tâm là mình đã báo hiếu được cho mẹ khi đón bà lên ở cùng, hầu hạ chu đáo. Chỉ đến khi mẹ gầy mòn, ốm đau mà khám không ra bệnh, anh đưa bà đến chuyên gia tâm lý, mới biết mẹ ốm vì buồn. Huy bắt vợ phải “nhường việc” cho mẹ.
“Việc gì cô ấy cũng thích tự làm hoặc sai osin cho nhanh. Nhưng tôi bảo em phải nhờ mẹ những việc nhẹ nhàng, hướng dẫn mẹ cách chăm cháu, những lúc như thế mẹ con tỉ tê tâm sự với nhau”, Huy kể. Sau một thời gian, mẹ Huy khỏe lên trông thấy, thậm chí như trẻ lại cả chục tuổi. Mẹ chồng nàng dâu đâm ra lại hiểu nhau và quý nhau hơn.
“Cứ tưởng nuôi được mẹ là báo hiếu, hóa ra lại có tội biến mẹ thành người thừa. May mà kịp nhận ra”, Huy nói.