Đau mắt đỏ thường bùng phát vào cuối mùa hè và trong suốt mùa thu. Bệnh do virus Adenovirus, vi khuẩn liên cầu, tụ cầu, phế cầu gây ra. Trong điều kiện thời tiết mưa nắng thất thường, cùng với ô nhiễm môi trường với khói, bụi làm cho dịch đau mắt đỏ bùng phát khá mạnh mẽ. Để giúp các thành viên trong gia đình phòng tránh được bệnh đau mắt đỏ thì điều quan trọng chúng ta phải hiểu rõ được nguyên nhân của bệnh đau mắt đỏ và cách phòng chống bệnh đau mắt đỏ.
Nguyên nhân của bệnh đau mắt đỏ:
Nguyên nhân của bệnh đau mắt đỏ chủ yếu là do virut Adenovirus và do vi khuẩn liên cầu, tụ cầu, phế cầu gây ra và nhanh chóng trở thành dịch bùng phát. Cùng với đó là thời tiết nóng ẩm thất thường của không khí trong tiết giao mùa, độ ẩm của không khí tăng cao, hệ thống miễn dịch của con người thấp, cộng thêm sự ô nhiễm của môi trường, không khí, nguồn nước, vệ sinh cá nhân kém…. Đó là những nguyên nhân dẫn đến bị mắc bệnh đau mắt đỏ, kết hợp với sự lây bệnh và nhanh chóng trở thành dịch đau mắt đỏ.
Những dấu hiệu ban đầu của bệnh đau mắt đỏ:
Đau mắt đỏ có dấu hiệu ban đầu mắt hơi cộm và ngứa, có nhiều gỉ mắt hơn. Lúc đầu mắt chỉ đỏ một bên sau đó mới lan sang đỏ cả hai mắt. Sáng ngủ dậy khó mở mắt vì bị sự kết dính của gỉ mắt và bạn sẽ có cảm giác rất khó chịu, kèm theo sự khó chịu do bị nhức, cộm và chảy nước mắt.
Cách phòng tránh bệnh đau mắt đỏ và sự lây lan:
Để phòng tránh bệnh đau mắt đỏ việc đầu tiên chúng ta cần quan tâm đó là nguồn nước sử dụng hàng ngày phải được đảm bảo là nguồn nước sạch.
Vệ sinh nhà cửa, trang thiết bị và đồ dùng trong gia đình cũng như nơi làm việc luôn sạch sẽ.
Không dùng chung đồ dùng sinh hoạt cá nhân như khăn mặt, chậu rửa mặt…
Rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng và nước sát khuẩn.
Luôn giặt sạch khăn mặt và phơi nơi khô thoáng.
Không dụi tay lên mắt.
Đeo kính chống bụi khi đi xe đạp, xe máy ngoài đường.
Khi có dịch đau mắt đỏ cần hạn chế tiếp xúc với người bệnh bởi bệnh đau mắt đỏ lây lan qua đường hô hấp, nước bọt, nước mắt của người bệnh.
Không sờ nắm và sử dụng những đồ vật có nguồn gốc nhiễm bệnh như điện thoại công cộng, nút bấm cầu thang…
Không đến những nơi tụ tập đông người và hạn chế đi lại bằng các phương tiện xe buýt công cộng.
Không sử dụng nguồn nước công cộng như đến các hồ, bể bơi.
Tra nước muối sát khuẩn thường xuyên cho mắt nhưng không được dùng chung những lọ tra mắt với người đang bị bệnh.
Những việc cần thiết khi bị bệnh đau mắt đỏ
Ngoài những yếu tố cần thiết nêu trên, khi thấy bản thân cũng như người trong gia đình và mọi người xung quanh bị đau mắt đỏ cần vệ sinh lau gỉ mắt mỗi sáng, chiều, tối với khăn lau ẩm hay bông sau đó bỏ vào thùng rác và không dùng lại.
Nhỏ thuốc tra mắt và uống thuốc theo hướng dẫn của bác sỹ.
Không tự ý đắp lá và xông mắt.
Người bị bệnh đau mắt đỏ cần được nghỉ ngơi và thư giãn cho mắt.
Cần đến cơ sở y tế khám mắt khi đã sử dụng thuốc vài ngày mà bệnh không thuyên giảm.