Ngại sinh con, trì hoãn có con vì nhiều lí do… là xu hướng phổ biến của nhiều cặp vợ chồng. Tình trạng lười sinh con ngày càng xuất hiện nhiều trong xã hội hiện đại.
Hàng ngàn lí do… ngại đẻ
Mỗi lần sang nhà chồng, bố mẹ lại giục Loan: “Các con lấy nhau đã lâu, cũng phải có em bé, bố mẹ còn trẻ, còn có thể chăm nom đỡ đần được. Tuổi các con cũng nhiều rồi, còn định tới bao giờ mới có con nữa?”. Mỗi lần nghe câu nói… quen thuộc ấy, Loan đành vâng dạ cho qua.
Lấy chồng đã 3 năm nay, cũng xấp xỉ 30 tuổi nhưng vợ chồng Loan chưa hề nghĩ tới chuyện có em bé. Lí do duy nhất bởi: “Vợ chồng tôi quyết định chưa vội sinh em bé vì đây là giai đoạn “đẹp” để hai đứa kiếm tiền. Chồng tôi đang mở một công ty riêng, công việc còn bề bộn. Nếu có con, tôi sẽ phải mất ít nhất là một năm rưỡi để chăm sóc em bé rồi mới toàn tâm toàn ý để đi làm trở lại. Lúc ấy, chắc gì công việc của tôi sẽ được suôn sẻ như lúc này vì tôi buộc phải làm lại khá nhiều, ấy là chưa kể đến việc tôi không thể dành trọn thời gian cho sự nghiệp như bây giờ vì con còn quá nhỏ”.
Lí do chính để trì hoãn việc có con với đa phần các cặp vợ chồng đều xuất phát từ kinh tế: Kinh tế chưa cho phép, chưa có nhà, chưa chuẩn bị đủ điều kiện để chăm sóc tốt nhất cho đứa trẻ.
Cũng có nhiều cặp vợ chồng vì vẫn muốn tận hưởng thời gian son dỗi để được đi chơi, du lịch không muốn vướng bận chuyện con cái. Cũng không ít những bà vợ không muốn sinh con chỉ vì… sợ hỏng sắc đẹp. Chung quy cũng chỉ tại cái tính… lười.
Nỗi buồn của nhà nội, nhà ngoại
Mỗi tối, sau khi ăn cơm xong bà Hoa lại sang nhà hàng xóm chơi với hai đứa trẻ. Nhìn cách bà chiều chuộng, chăm chút cho hai đứa, ai cũng nghĩ đó là cháu nội của bà. “Nói mãi vợ chồng thằng cả không chịu có em bé, hai vợ chồng tôi già rồi, ngồi nhà buồn nên hay sang đây chơi với đứa nhỏ”.
Lúc chúng đau ốm, hay bố mẹ có việc đột xuất ở cơ quan nhờ bà đón cháu về học, bà đều vui vẻ giúp. Mỗi lần nhìn lũ trẻ vui đùa, bà lại thở dài: “Chẳng biết các cô, các cậu thời nay nghĩ sao nữa, cứ động đến chuyện con cái là y như rằng giãy lên như đỉa phải vôi. Nào là phải kiếm tiền, nào là không có người chăm con, nào là hai vợ chồng mới cưới nhau, phải dành thời gian cho nhau nhiều nữa chứ. Chúng nó cưới nhau được hai năm rồi còn gì. Nào là thì Hạ Long, nào thì Sa Pa…, đi xem phim ở rạp rồi về nhà rúc rích bình phẩm. Chúng nó chỉ nghĩ cho bản thân nhiều qúa. Sao không lo có thêm đứa con để ổn định và để trọn vẹn cuộc sống gia đình?”.
Vẻ đượm buồn hiện lên trong ánh mắt, bà Hoa tiếp chuyện: Chúng nó kinh tế vững vàng, mua sắm về cho vợ chồng tôi bao nhiêu của ngon, nhưng tôi chỉ thèm có cháu. Chúng nó thừa biết ông bà hai bên sốt ruột lắm rồi mà cứ vô tư như chẳng có chuyện gì xảy ra. Tôi là mẹ chồng, vậy mà nhiều khi còn phải nịnh con dâu, bảo nó cứ để đi rồi mẹ sẽ lo hết, lo cả việc trông nom, chăm sóc cháu hàng ngày để bố mẹ nó vẫn có thể đi làm kiếm tiền mà không phải lo lắng đến việc tìm người trông đứa trẻ. Nhưng con dâu vẫn bình chân như vại, cả thằng con đẻ cũng kiên quyết bênh vợ. Giờ này, nhìn mấy bà bạn già của tôi có cháu bồng mà sao cứ thấy chạnh lòng.
Chung hoàn cảnh với bà Hoa, gia đình ông Phương mong mãi mà vẫn chưa có cháu bế. Quát mắng, giận các con… việc gì hai ông bà cũng làm đủ cả vậy mà chúng vẫn… không chịu đẻ. Hai đứa con ông đều lập gia đình, một trai một gái nhưng đã 4 năm nay, ông bà vẫn chưa có cháu nội, cháu ngoại. Những mong ước về một đại gia đình ríu rít tiếng con trẻ của ông bà giờ chỉ nằm trong… hy vọng. “Kỳ thực, mỗi chiều hai vợ chồng già đi tập thể dục siêng năng thế cũng một phần vì gần nhà có trường tiểu học. Ngắm bọn trẻ chơi đùa, học hành vui lắm”. Ông Phương rưng rưng nói.
“Nói mãi rồi bọn trẻ đâu có chịu nghe, điều tôi lo ngại nhất là tới khi chúng quyết định sinh con thì tuổi đã nhiều. Mang thai khá nguy hiểm, đấy là chưa tính đến chuyện nhiều người muốn có con lúc đó cũng không được nữa. Lúc ấy, tiền bạc hay sự nghiệp liệu có còn mang đến cho chúng nó sự ổn định và hạnh phúc nữa hay không?”