Tôi rất khó cảm xúc với người khác phái, chỉ vô tình bắt gặp một đặc điểm gợi nhớ đến… bố tôi là tôi rùng mình sợ hãi. Tôi sợ hôn nhân, sợ dẫm phải vết xe đổ của mẹ.
Năm nay tôi đã 28 tuổi. Bạn bè tôi đều đã lập gia đình, thậm chí có người chuẩn bị có đứa con thứ hai, nhưng tôi vẫn lẻ bóng đi về, vẫn chăn đơn gối chiếc. Lý do là vì tôi bị ám ảnh bởi người cha của mình.
Tôi không may mắn được hưởng tuổi thơ trong trẻo hồn nhiên như chúng bạn. Mẹ tôi là người phụ nữ rất hiền hậu, đảm đang, yêu chồng thương con hết mực. Nhưng tình yêu của mẹ đã dành sai chỗ cho một người đàn ông như bố tôi. Có thể nói, trong trường hợp của mẹ, câu “gái có công chồng chẳng phụ” sai hoàn toàn.
Năm lên 3 tuổi, tôi đã biết òa khóc khi thấy bố đánh mẹ và còn ngây thơ hỏi “sao bố lại gọi mẹ là mày?” và tôi được bố trả lời “vì mẹ con nó láo quá”. Lớn dần lên, người bị đánh không chỉ là mẹ mà cả tôi, thường là vì những chuyện rất nhỏ nhặt. Có lần bố dùng thắt lưng da đánh tới tấp lên đầu tôi vì tháng đó tôi bị điểm kém. Còn chuyện túm tóc, tát, đấm đá, chửi bậy… là rất bình thường.
Thế mà các bạn có tin không, bố tôi được sinh ra trong gia đình có học vấn và bản thân là kỹ sư đấy. Nhưng điều làm tôi đau khổ không phải vì tính gia trưởng hay vũ phu của bố mà là vì đạo đức của ông quá kém.
Trong khi mẹ tôi thức khuya dậy sớm tần tảo kiếm tiền nuôi chồng con (có thời gian dài bố tôi thất nghiệp) thì bố tôi đi vay nợ lung tung để ăn chơi, cặp bồ, rồi lô đề, xổ số. Tôi không hiểu ông ấy nghĩ gì khi đem xe máy tung tăng đèo bồ đi chơi trong khi vợ mình còng lưng đạp xe chở hàng!
Tôi không hiểu ông ấy nghĩ gì khi vay tiền đi mua quần áo đồ chơi cho con của bồ trong khi con ông (tức là tôi và em gái tôi) phải đi xin quần áo để mặc. Để rồi, khi hết tiền, bồ bỏ, ông ấy lại về nhà bắt mẹ tôi trả nợ.
Mẹ làm tôi khâm phục ở sức chịu đựng phi thường. Khi biết bố cặp bồ, mẹ cũng đau khổ khóc hết nước mắt, nhưng vẫn nhẹ nhàng khuyên giải bố tôi về với vợ với con. Nhưng bố tôi không nghe, lại còn xúc phạm mẹ, vậy mà mẹ cũng không phản ứng gay gắt, chỉ biết khóc.
Khi bố tôi trở về nhà, nợ nần chồng chất, mẹ tôi lại nai lưng ra làm kiếm tiền trả nợ, cuối cùng phải bán nửa nhà đi mới thanh toán hết. Tôi tưởng có một người vợ như thế, bố tôi chắc phải hồi tâm mà nâng niu trân trọng vợ mình. Nhưng không hề, ông vẫn chứng nào tật ấy, vẫn vũ phu, gia trưởng, nhỏ nhen.
Đến bây giờ, trong những cơn ác mộng, tôi vẫn nhìn rõ mồn một cảnh bố đánh mẹ tím mặt, vẫn nghe rõ ràng lời bố đay nghiến mẹ “Mày ở trong xó bếp thì biết gì”, vẫn nhớ như in cảnh bố đạp bay cả mâm cơm mẹ con tôi đang ăn vì “chúng mày toàn đồ mất dạy”, vẫn nhớ rõ cái rét mướt khi bố nhốt cả ba mẹ con ngoài trời lạnh vì làm phật ý ông.
Có lẽ đến khi chết đi, tôi vẫn bị ám ảnh vì ánh mắt ghê sợ và cái giọng rin rít đay nghiến của bố khi ông chửi mắng vợ con.
Nhà tôi chỉ có hai chị em, nhưng em tôi không may mắn được sinh ra khỏe mạnh như những đứa trẻ khác. Mới 1 tuần tuổi, em bị cảm lạnh, tác động lên não rồi bị thiểu năng trí tuệ và câm điếc. Thế mà cô em thần kinh của tôi cũng biết buồn mỗi khi bố mẹ cãi nhau, nhiều khi hai chị em ngồi ôm nhau khóc.
Vậy mà mẹ tôi vẫn chịu đựng cảnh đó 20 năm vì thương chị em tôi còn nhỏ, vì sợ chúng tôi không có bố. Nhưng mẹ có biết rằng, tôi đã sợ bao nhiêu cảnh nhà mình như địa ngục, tôi sợ phải về nhà mỗi khi tan học, tôi không dám đến nhà bạn thân nhiều vì tủi thân khi thấy bố mẹ bạn hạnh phúc.
Có người đã khuyên tôi hãy biết khát khao hạnh phúc hơn, tôi e rằng lời khuyên đó là không cần thiết. Vì tôi chắc chắn rằng Lan cũng như tôi, chúng tôi là những đứa trẻ bất hạnh, hơn ai hết, chúng tôi hiểu giá trị của hạnh phúc và là những người khao khát hạnh phúc hơn tất thảy!
Tôi cũng ao ước bố mẹ mình hòa thuận lắm chứ. Tôi cũng ao ước em tôi được bình thường như mọi người lắm chứ. Nhưng không ai có thể chọn bố mẹ được, và chúng ta phải chấp nhận hoàn cảnh thôi.
Hồi bố mẹ tôi chưa ly hôn, tôi chẳng kể chuyện nhà cho người bạn nào vì tôi biết không ai tin tôi, vì bố tôi thể hiện ra ngoài là người quá khéo léo. Bố tôi có thể vừa mắng vợ là “con nọ, con kia, mày tao chí tớ” xong, nếu có khách đến nhà, đã có thể rót nước mời mẹ tôi giọng ngọt xớt “em uống nước đi”. Giả dối, tôi ghê sợ ông ấy nhất ở điểm này. Cũng ở điều này mà khi trưởng thành tôi e sợ đàn ông, vì không biết lời họ nói ra bao nhiêu phần trăm là sự thật.
Đến khi tôi vào cấp 3, nhờ sự chịu thương chịu khó của mẹ, kinh tế gia đình tạm ổn, bố tôi lại cặp bồ lần nữa. Lần này là một người đàn bà có sở thích thay tình nhân như thay áo, nực cười thay cô ta là giáo viên cấp 2, và còn trơ trẽn đến nhà tôi chơi nữa.
Lần này lại kịch bản cũ, bố tôi lại vay nợ lấy tiền tiêu xài, lại về nhà ruồng rẫy vợ con, lại ngọt xớt với bồ “em ngủ ngon nhé”. Lần này thì giọt nước đã tràn ly rồi, mẹ con tôi không thể sống tiếp với người chồng, người cha như thế được nữa. Chính tôi là người khuyên mẹ ly dị. Tôi biết bố mẹ ly hôn sẽ cản trở việc lấy chồng của tôi sau này, nhưng mẹ tôi phải được giải thoát khỏi cuộc sống đọa đày này. Bố tôi, ông ấy không xứng đáng với mẹ tôi.
Cũng chính vì điều này mà tôi trở thành đứa bất hiếu trong mắt bố tôi, trở thành một “con khốn nạn” mà đáng ra bố tôi phải bóp chết từ lúc mới lọt lòng. Đến khi ly hôn, bản chất tồi tệ của bố tôi mới được dịp phát huy. Ông không từ một thủ đoạn nào để lấy được càng nhiều tài sản càng tốt (hôm dọn nhà ông ấy phải thuê ôtô tải đến chở đồ). Từ bỏ tôi đã đành, nhưng đứa em tội nghiệp của tôi ông ấy cũng không đoái hoài đến.
Sau khi hoàn tất mọi thủ tục, trong một năm trời, hầu như ngày nào ông cũng ghé qua để chửi tôi. Có lần khi tôi đang nói chuyện với các bạn, ông ấy đứng cửa nguyền rủa tôi thậm tệ 15 phút liền. Tất nhiên là tôi xấu hổ, ngượng với bạn, nhưng điều làm tôi đau đớn là bạn thân nhất của tôi, người mà tôi tưởng là hiểu tôi nhất đã hỏi tôi “chắc ấy phải làm gì thì bố ấy mới đối xử với ấy như thế”.
Câu nói này vô tình mà như dao cứa vào tim tôi có lẽ đến chết tôi vẫn chưa quên được. Bạn ơi, bạn sống trong gia đình hạnh phúc như thế làm sao bạn hiểu được hoàn cảnh của tôi, làm sao bạn tưởng tượng được trên đời có người bố như bố tôi?
Tôi không có tuổi thơ và cũng không có tuổi trẻ. Thời sinh viên, khi bạn bè còn đang tự do bay nhảy, vui chơi, thì tôi và mẹ làm việc cật lực để kiếm tiền làm lại cuộc sống. Tôi không nỡ đi chơi một mình vì cứ tưởng tượng cảnh mẹ và em lẻ loi ở nhà tôi thấy mình quá ích kỷ.
Tôi có bất hạnh không? Có. Nhưng tôi vẫn cảm ơn cuộc đời đã sinh tôi ra trong hoàn cảnh này. Vì nhờ thế, tôi sống có bản lĩnh hơn, tôi không ngơ ngác nhìn đời bằng lăng kính màu hồng mà nhìn đời bằng kính không số. Tôi biết hôn nhân không phải thảm đỏ như bạn trẻ vẫn mơ mộng và biết khắc phục những sai lầm từ cuộc hôn nhân bất hạnh của mẹ tôi.
Tôi có quyền tự hào vì những gì mình đã làm được. Trong cuộc sống thiếu thốn cả vật chất và tinh thần, tôi vẫn thi đỗ vào lớp chọn, trường chuyên, vẫn được học ở trường THPT nổi tiếng. Tôi là 1 trong 3 học sinh được tuyên dương trước toàn trường vì thành tích thi học sinh giỏi quốc gia. Tôi vẫn thi đỗ một ĐH lớn vào năm bố mẹ tôi ra tòa ly dị và đạt học bổng suốt 4 năm liền, được học tiếp lên cao học và có bằng thạc sĩ khi còn khá trẻ.
Hiện nay tôi có một công việc không tồi và cơ hội thăng tiến… Giờ đây, mẹ con tôi đã sống đàng hoàng bằng hoặc hơn những gia đình có đủ cả vợ cả chồng. Quan trọng là đời sống tinh thần thanh thản, mẹ tôi đã tươi trẻ lại rất nhiều, đó là niềm an ủi của tôi.
Nhưng chuyện tình duyên là nỗi buồn mà đêm đêm, mỗi khi nghĩ đến tôi không cầm được nước mắt. Tuổi thơ u ám của tôi đã khiến tôi dè chừng với đàn ông. Tôi quá nhạy cảm và tinh đời trước người khác phái. Chỉ một hoặc vài lần tiếp xúc, tôi đã có thể “đọc gia vị” người đó tốt hay xấu, hiền lành hay gia trưởng, đến với tôi vì mục đích gì.
Được đánh giá là người xinh tươi, duyên dáng, dịu dàng, tôi không thiếu người để ý. Nhưng tôi có hoàn cảnh đặc biệt, bố mẹ ly hôn và một cô em gái tật nguyền. Có người mất bao công dò la địa chỉ, số điện thoại của tôi rồi khi đến nhà tôi thì “một đi không trở lại”. Có người tỏ vẻ chấp nhận tất cả, nhưng lại nhìn em gái tôi bằng ánh mắt miệt thị. Làm sao tôi có thể lấy người ấy làm chồng. Có người thì bị gia đình phản đối vì sợ tôi cũng có “gen” thần kinh với em tôi…
Tôi rất khó cảm xúc với người khác phái, chỉ vô tình bắt gặp một đặc điểm gợi nhớ đến… bố tôi là tôi rùng mình sợ hãi. Tôi sợ hôn nhân, sợ dẫm phải vết xe đổ của mẹ. Đến tận bây giờ, khi sắp 30 tuổi, tôi mới thực sự rung động một lần. Anh là một người đàn ông thực sự của phụ nữ, nhưng có lẽ điều làm tôi cảm xúc trước anh vì anh cũng sinh ra trong một gia đình không hạnh phúc như tôi, chỉ khác bố mẹ anh ly thân mà không ly dị, tiếc là chúng tôi chỉ có duyên gặp mặt…
Tôi đã tự nhủ sẽ phấn đấu cho sự nghiệp và sống vì mẹ, vì em tôi. Phụ nữ đâu nhất thiết phải lập gia đình. Nhưng từ sâu thẳm trái tim, tôi vẫn ao ước một bờ vai vững chải để tôi gục đầu khóc mỗi khi buồn khổ, một bàn tay ấm áp dắt tôi đi trong trời đông giá lạnh, một người bạn đời cùng tôi chia sẻ tâm hồn, một người cha đáng quý của các con tôi.
Tôi thực sự mong ước một tổ ấm gia đình hạnh phúc, tôi khao khát được làm vợ làm mẹ. Nhưng tuổi xuân đang cạn dần, tôi biết yêu ai, ai có thể đồng cảm với tôi, ai có thể chấp nhận tất cả để đến với tôi? Vẫn biết không phải tất cả đàn ông trên đời đều xấu, nhưng không phải tất cả đàn ông trên đời đều tốt, liệu tôi có gặp được người tốt không?
Nói vậy thôi chứ thực tình, tôi vẫn luôn nuôi niềm tin sẽ gặp được một nửa của mình. Tôi không chờ đợi một hình mẫu lý tưởng mà chỉ cần người ấy yêu tôi và tốt với tôi, thế là đủ.
Bạn ạ, những người không bất hạnh như chúng tôi, khi bạn được sinh ra, trưởng thành trong những gia đình đầy đủ tình cảm, bạn hãy thấy mình may mắn. Khi bạn có người chồng, người vợ yêu thương, chăm sóc mình hãy biết ơn người đó, hãy nâng niu, quý trọng những gì mình đang có.
Bạn ơi! Hạnh phúc đơn sơ mà mong manh lắm, đừng để khi mất đi rồi mới nuối tiếc vì hạnh phúc gia đình không phải dễ gì mà có được.
bich ngoc đã bình luận
Khi e doc tam su cua c thi e lai nghi ve minh.nhung e van con may man hon c vi ba cua e khong co bac, trai gai. Nhung ba cua e cung co tinh cach giong ba cua c la song khong that, den ca bay gio e cung con phai song trong tinh trang nhu vay, nhung ly hon thi cung khong duoc. E cung roi vao tam trang nhu c la khong muon ket hon,nhung e cung mong muon minh cung co duoc mot gia dinh hanh phuc, that su e rat buon va khong biet phai nen lam nhu the nao.