Muốn được sống riêng, được tự do chăm sóc chồng con, được làm “nội tướng” mà không có ai chỉ bảo hay can thiệp là ước muốn chính đáng của người vợ. Nhưng có chị em lại chỉ thực hiện được 1/3 mong muốn đó!
Những sự “phiền muộn” của con dâu
Diệp lấy chồng và sống ngay trên mảnh đất được bố mẹ chồng chia liền kề. Tức là nhà của bố mẹ chồng “sát vách”. Hai cửa nhà cũng chỉ cách nhau vài bước chân.
Thời gian đầu, tối nào mẹ chồng cũng sang nhà Diệp để nói chuyện với con trai và con dâu. Mẹ chồng Diệp vẫn bảo vì bà hợp tính với “cậu cả” (là chồng Diệp), chứ không hợp với “con út” (là chú em chồng) nên hai mẹ con rất thích trò chuyện cùng nhau. Đang ăn cơm tối hoặc có khi Diệp đang rửa bát là đã thấy tiếng mẹ chồng.
Sau đó, bà còn nằm dài dưới sàn nhà, bật kênh tivi mình thích để xem. Nhiều khi, vừa xem, mẹ chồng Diệp vừa ngủ quên, mãi đến khi hết phim, chồng Diệp lay gọi, mẹ mới tỉnh rồi kêu: “Hết phim rồi à? Ngủ quên mất”… Diệp chán nhất là có kênh mình thích xem thì lại bị mẹ chồng “tranh” mất tivi. Chán hơn nữa là mẹ đang xem tivi thì Diệp không được lên phòng riêng vì chồng Diệp bảo: “Xem cùng mẹ cho vui”. Mẹ chồng ngủ nhưng Diệp cũng không thể chuyển kênh được vì điều khiển tivi, mẹ chồng luôn ôm trong tay. Chồng Diệp chưa bao giờ ủng hộ vợ, toàn cản: “Kệ mẹ, xem kênh nào chả được”…
Hôm nào không thấy mẹ chồng sang, Diệp chưa kịp vui vì hôm nay được ngày xem phim tự do thì chồng Diệp lại bảo sang chơi cùng bố mẹ cho vui, chứ cậu em trai chồng đi suốt, nhà chỉ còn hai ông bà, kể cũng buồn. Diệp chẳng muốn sang thì bị chồng cho ở nhà một mình. Thế là muốn có không gian riêng tư để trò chuyện, quây quần cùng chồng mà với Diệp, sao khó thế. Những ngày cuối tuần hay ngày lễ thì hai vợ chồng Diệp sang bố mẹ ăn cơm, rồi rửa bát, lau nhà, dọn dẹp… cho bố mẹ cũng hết ngày.
Từ ngày Diệp sinh cu Tôm thì mẹ chồng Diệp coi luôn nhà cháu nội là nhà mình. Ban ngày, bà sang trông cháu hoặc bế cháu về nhà mình trông cho vợ chồng Diệp đi làm. Những lúc trở về, Diệp muốn tự tay chăm con nhưng luôn có bà nội ở cạnh, bảo cái này nên, cái kia không nên… Rồi cho con ăn cũng là bà nội. Hai bà cháu ngủ chung một giường ở phòng bên. Ban đêm, cháu khóc là bà vội bế sang để Diệp cho bú… Không ít lần, Diệp có cảm giác cứ như đang bị mẹ chồng “cướp” mất con.
Cùng cảnh có mẹ chồng “sát vách” là Hòa (Cầu Giấy, Hà Nội). Nhà chồng còn một anh trai chưa lấy vợ, hay công tác xa nhà liên miên nên mang tiếng sống riêng, Hòa vẫn phải nấu cơm cho cả bố mẹ chồng. Hai vợ chồng Hòa ngày nào cũng ăn cơm cùng bố mẹ. Xong, chồng Hòa ngồi chơi cả tối với bố mẹ, chứ không chịu về. Hoặc nếu hai vợ chồng có về thì chỉ một loáng sau, không ông thì bà hoặc cả hai ông bà lại xem cùng tivi cho vui.
“Mang tiếng được sống riêng nhưng chưa thấy hai tiếng ‘tự do’ ở chỗ nào. Trừ mấy tiếng ngủ, còn hầu như lúc nào, mình cũng nhìn thấy mẹ chồng hoặc nghe được tiếng bố chồng. Có nhiều cái bất tiện và gò bó lắm” – Hòa than.
Giống Diệp, đến khi có con nhỏ, lúc nào Hòa cũng bị mẹ chồng “chen” vào. Những ngày nghỉ, vợ chồng muốn đưa con đi mua sắm, ăn hàng, chơi công viên thì kiểu gì cũng phải đèo thêm… bà nội. Chồng Hòa một xe máy, chở con nhỏ và bà nội. Còn Hòa một mình một xe. Biết bà nội rất mến cháu, chồng rồi con cũng quý bà nội nhưng không ít lần Hòa thấy thật phiền. Bởi có hôm, Hòa muốn đưa con đi nhà sách thì bà lại đòi tới công viên cho thoáng đãng… Kết quả là chồng Hòa sẽ đứng về phía mẹ và mẹ chồng luôn là người “thắng cuộc”.
Đừng chỉ thấy phiền
Muốn được sống riêng, được tự do chăm sóc chồng con, được làm “nội tướng” mà không có ai chỉ bảo hay can thiệp là ước muốn chính đáng của người vợ. Tuy nhiên, con dâu không nên chỉ coi mẹ chồng là “phiền phức” mà phủ nhận hết công ơn của mẹ chồng hoặc khiến tình cảm gia đình bớt gắn bó. Thường thì có quý con, mến cháu thì bà nội mới tích cực sang. Cũng vì có điều kiện ở gần nhau nên hai bên mới có dịp qua lại hàng ngày, chứ ở cách xa nhau hàng trăm hay hàng nghìn cây số thì mọi chuyện đã khác, những cuộc thăm hỏi sẽ thưa thớt hơn nhiều…
Do đó, người trong cuộc nên suy nghĩ tới những điểm tích cực; chẳng hạn, may có bà nội trông cháu cho mà đi làm, may có ông bà nội ngay cạnh nên dễ dàng thăm hỏi, báo hiếu, có gì còn được ông bà giúp đỡ… Như thế, dù sống chung hay sống riêng thì cũng dễ thở hơn rất nhiều.