Đến thời điểm hiện nay dịch sởi vẫn chưa có dấu hiệu tạm lắng, số lượng bệnh nhân nhập viện vẫn tăng cao và gây ra tình trạng quá tải ở các bệnh viện.
Dịch sởi ngày càng phát triển theo hướng phức tạp
Dịch sởi phát triển theo hướng phức tạp và lan rộng không những gây khó khăn cho các bệnh viện trong công tác điều trị mà còn góp phần làm cho bệnh phát triển theo hướng phức tạp hơn.
Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, sau 3 năm không có bệnh nhân mắc sởi, từ tháng 12/2013 đến nay, Hà Nội đã ghi nhận 1.062 người mắc sởi,
riêng số ca mắc của năm 2014 là 1.052 trường hợp. Trong đó, có tới 88,5% số trường hợp mắc bệnh sởi do chưa tiêm chủng hoặc tiêm không đầy đủ. Các trường hợp mắc sởi phân bố rải rác tại 329/584 xã, phường, thị trấn của 30/30 quận, huyện, thị xã, trong đó tập trung chủ yếu tại các quận: Hai Bà Trưng, Đống Đa, Hoàng Mai, Hà Đông, Ba Đình.
Sau buổi họp kín với Tổ chức Y tế thế giới, đại diện Bệnh viện Nhi T.Ư, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Đống Đa, Sở Y tế Hà Nội, ông Nguyễn Văn Kính – giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư – công bố số bệnh nhân mắc sởi đã lên đến trên 7.000 bệnh nhân, tức tăng hơn gấp đôi so với công bố sáu ngày trước đó.
Điều đáng chú ý trong đợt bùng phát bệnh sởi năm nay ở Việt Nam là không những số lượng bệnh nhân nhiễm sởi cao mà còn tình trạng biến chứng nặng, đặc biệt là khả năng virus sởi tấn công thẳng vào phổi, bệnh tiến triển nhanh khiến việc cấp cứu khó thành công chứ không xâm nhập như truyền thống.
Con đường lây lan bệnh sởi
Sởi là bệnh lây truyền nhanh qua đường hô hấp, vì vậy, việc tiếp xúc với người bệnh hoặc tiếp xúc với môi trường mang mầm bệnh là con đường làm lây lan bệnh sởi nhanh nhất. Khi người mang mầm bệnh hắt hơi, ho làm bắn nước bọt có chứa virus gây bệnh vào không khí, người bình thường hít phải không khí đó qua miệng hoặc mũi sẽ bị nhiễm bệnh.
Bên cạnh đó, những người chăm sóc bệnh nhân sởi hoặc tiếp xúc với mầm bệnh mà không rửa tay diệt khuẩn cũng có thể làm lây lan virus sang người khác.
Những biến chứng do bệnh sởi gây ra
Sởi thường kéo dài 7–10 ngày. Người mắc bệnh thường sốt cao 39-40 độ C, kèm theo các triệu chứng khác như ho nhiều, chảy mũi, đỏ mắt, bỏ ăn. Người lớn và trẻ lớn còn có thể thấy xuất hiện các triệu chứng khác như đau đầu, đau cơ. Các nốt phát ban xuất hiện sau 4–5 ngày sốt, ho. Phụ nữ mang thai mắc sởi có thể gây sẩy thai hay gây dị tật cho thai nhi.
Điều đáng sợ nhất của sởi không phải là ban mà là các biến chứng. Những biến chứng có thể gặp là: viêm tai giữa, viêm phổi, tiêu chảy, khô loét giác mạc mắt và đôi khi viêm não sau sởi, đặc biệt ở trẻ em suy dinh dưỡng… Cả người lớn hay trẻ nhỏ bị sởi đều có thể gặp các biến chứng này.
Biến chứng ở đường hô hấp thường bao gồm: viêm thanh quản, viêm phế quản, viêm phế quản-phổi. Các biến chứng thần kinh bao gồm: viêm não – màng não – tủy cấp, viêm màng não. Ngoài ra, một số biến chứng khác cũng có thể xảy ra là viêm loét giác mạc hoặc biến chứng đường tiêu hóa… Trong đó, các biến chứng do viêm não, hay viêm phổi do bội nhiễm, tiêu chảy gây suy dinh dưỡng ở trẻ có thể tử vong.
Yếu tố làm cho bệnh trở nên trầm trọng
Khi thấy trẻ bị sởi hoặc khi bị sởi, người lớn thường áp dụng các biện pháp “cổ truyền” như kiêng gió, kiêng nước để bệnh nhanh khỏi. Thực tế, điều này thậm chí còn có thể làm cho bệnh trầm trọng hơn vì mất vệ sinh. Nhiều người còn giữ kín cho trẻ khiến cho trẻ không thể hạ sốt, có thể dẫn tới sốt cao, co giật và dễ gây biến chứng. Việc kiêng tắm rửa có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng da và dẫn đến biến chứng viêm phổi.
Một số người còn cho rằng, khi bị sởi thì cần kiêng cữ ăn uống, ví dụ kiêng ăn tanh. Tuy nhiên, trong thời điểm mắc bệnh, người bệnh càng cần được bổ sung dinh dưỡng vì nếu kiêng ăn uống có thể dẫn tới suy dinh dưỡng và gặp các biến chứng do bệnh gây ra. Nên cho bệnh nhân ăn các thực phẩm dễ tiêu hóa.
Một nguyên nhân khác làm cho bệnh trở nên trầm trọng là tâm lý phải đưa con đến bệnh viện mới yên tâm. Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, nếu phụ huynh nóng lòng yêu cầu được nhập viện sẽ vô tình đẩy những trẻ mắc sởi nhẹ này vào vòng nguy hiểm. Bởi trong môi trường lưu hành của nhiều mầm bệnh khác nhau như bệnh viện, trẻ có thể trạng yếu sẽ đứng trước nguy cơ bị các bệnh cơ hội khác như nhiễm trùng, hô hấp, tiêu hóa… tấn công. Sự nhiễm chéo của các bệnh cơ hội sẽ là mối nguy lớn, gây nên những biến chứng cho trẻ trên nền bệnh sởi.
Cách phòng ngừa nhiễm bệnh hoặc tránh bệnh tăng nặng
Theo khuyến cáo của PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng thì “Nếu không có biến chứng xảy ra, trẻ mắc bệnh sởi không nhất thiết phải nhập viện.
Ngoài ra, để phòng ngừa bệnh hiệu quả, người dân cần lưu ý thực hiện những điều sau:
– Giữ vệ sinh cá nhân: Đeo khẩu trang khi tiếp xúc với người bệnh hoặc ở nơi có mầm bệnh. Rửa tay, tắm bằng xà phòng sau khi tiếp xúc với người bệnh và người nghi bị bệnh hoặc từ bệnh viện về.
– Có chế độ dinh dưỡng hợp lý: Uống nhiều nước, ăn nhiều hoa quả và các thực phẩm dễ tiêu hóa. Đối với người bệnh cũng không nên kiêng khem quá mà cần bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng để nhanh chóng hồi phục sức khỏe.
– Cách ly người bệnh để tránh lây lan cho cộng đồng: Trẻ em phải nghỉ học, người lớn phải nghỉ làm 5 ngày kể từ khi bắt đầu phát ban. Đối với trẻ khỏe mạnh thì nên tránh đến những nơi đông người, nhất là những khu vực có thể chứa virus gây bệnh.
– Vệ sinh môi trường có người bệnh như tẩy trùng sàn nhà, đồ chơi trẻ em, dụng cụ, vật dụng của người bệnh bằng dung dịch cloramin B.
– Tiêm ngừa vaccine đối với cả người lớn và trẻ nhỏ chưa được tiêm ngừa.
– Trong trường hợp trẻ không may bị mắc bệnh sởi, phụ huynh cần theo dõi tình trạng sức khỏe của trẻ chờ bệnh qua khỏi và chỉ đưa trẻ vào bệnh viện khi có nghi ngờ có dấu hiệu biến chứng để kịp điều trị