Ly kể trong nước mắt tủi thân: “Những ngày lễ lớn như 8-3, 2-9, 20-10,.. dù bố mẹ đẻ có gọi điện bảo 2 con sang nhà ăn cơm thì cũng rất ít khi mình được sang. Dù đã cố tình thông báo và xin mẹ chồng cho sang nhà ngoại nhưng y như rằng, mẹ chồng lại bắt đầu sai mình đi chợ mua đủ các thứ lích kích để bảo chút có 2 vợ chồng nhà chị chồng về ăn. Và bà còn bảo vô lý như này: ‘Các anh chị về, vợ chồng con sang ngoại làm gì. Ở nhà làm cơm cho các chị đến ăn. Ăn xong chúng nó còn về sớm?!”.
Lấy chồng chỉ mới được hơn 7 tháng nay nhưng Thanh Tú (Ba Đình, HN) chưa khi nào thấy cuộc sống của mình lại mệt mỏi đến thế. Dù cho vợ chồng mới cưới này đã ở thuê trọ hẳn trên Hà Nội, gia đình bên nội – ngoại của vợ chồng đều ở quê. Vì thế, nhìn bên ngoài, Tú sung sướng vì gần như không phải làm dâu. Nhưng có là người trong cuộc mới biết, Tú ngột ngạt và mệt mỏi thế nào với chồng và nhà chồng.
Cưới nhau 2 tháng, Tú vui mừng khi biết tin mình bầu bí. Dù đã cố gắng kiêng cữ và cẩn thận, nhưng mang thai đến tháng thứ 2, chẳng hiệu sao Tú lại bị lưu. Đi khám để có thai lại thì bác sĩ khuyên nên bồi bổ 1 thời gian rồi có em bé lại. Vợ chồng Tú cũng nghe lời làm theo.
Thế nhưng từ ngày tạm thời kế hoạch, mỗi cuối tuần về nhà chồng là mỗi lần Tú nghe đến đau đầu câu hỏi lần nào cũng giống hệt nhau của bố mẹ chồng: “Lúc nào mẹ chồng mình cũng hỏi con dâu những câu như: Sao lâu thế? Sau lưu 1 tháng là có lại được rồi? Vợ chồng con tính như nào mà kiêng cữ lâu thế? Rồi có lúc bà còn nói mình thế này thế nọ, ngày trước làm vợ, có ai kiêng gì đâu”.
“Nghe những lời mẹ chồng và người thân nhà chồng chì chiết mà mình ức đến phát khóc. Mình đâu phải không muốn có con chứ. Mình chỉ đang làm theo lời bác sĩ để đảm bảo cho lần sau suôn sẻ thôi. Nhưng mẹ chồng và anh chị chồng nào có hiểu cho hoặc cố tình không hiểu. Mình cứ bị áp lực và mệt mỏi về chuyện này đến mức, đêm nào đi ngủ cũng bị mê man chuyện con cái. Mà nào có phải mẹ chồng mình chưa có cháu nào nên mong mỏi bế ẵm. Chị gái chồng và anh trai chồng cũng đều lấy vợ 2 -3 năm nay và đều đã có con” – Tú ức chế nói.
Với người con dâu mới này, mỗi ngày ở nhà chồng Tú thấy ngột ngạt hơn vì “chuyện ấy” của vợ chồng, mẹ chồng cũng muốn kiểm soát và chỉ huy. “Mỗi tối cuối tuần về quê mà vợ chồng cứ ở trong phòng riêng mãi, dù chỉ nằm chơi chẳng động thủ gì nhưng mẹ chồng cũng cố tình gõ cửa vào rồi nói khéo hay nhờ vả đuổi chồng mình ra ngoài. Sau đó, bà lại nói với mình ‘Vợ chồng gì mà cứ dính lấy nhau, cứ làm chuyện ấy thường xuyên sao mà sớm có tin vui được, chưa kể lại hại sức khỏe thằng T. Nghe bà nói vậy mình muốn phát khóc. Thì ra bà chỉ lo cho sức khỏe của con trai bà. Mà mình thì có ham hố gì nhiều chuyện này đâu”.
Buồn vì mẹ chồng 1, nhiều lúc Tú còn buồn vì chính người đang gọi làm chồng 10: “Trước đây khi yêu, mình biết chồng là người con ngoan, nghe lời bố mẹ. Nhưng cưới nhau rồi, mình mới nhận ra anh quá nhu nhược và sợ bố mẹ hơn cọp. Mẹ chồng như vậy cộng với sự nhu nhược của chồng nên từ ngày cưới, lúc nào mình cũng thấy cuộc sống nặng nề và muốn khóc” – Tú kể.
Rồi Tú kể rằng, mẹ chồng Tú còn là người đàn bà ghê gớm và độc đoán. Dù cho vợ chồng Tú ở riêng nhưng nhất nhất mọi việc lớn nhỏ của vợ chồng trẻ này, bà đều muốn xen vào và quản lý.
“Như Tết vừa rồi, mình chỉ là dâu mới nhà chồng. Ngày Tết vui là thế mà mình cũng phải khóc vì bị bố mẹ chồng nói xấu đủ kiểu. Chẳng là bố mẹ mình lên nhà chồng chúc Tết, trước mặt thông gia mà bố mẹ chồng mình chê con dâu đủ kiểu. Ông bà nói vậy như kiểu bảo bố mẹ mình không biết dạy con. Không chỉ vậy, khi tới chúc Tết họ hàng bên nội, mẹ chồng vẫn cứ lặp lại điệp khúc đó. Rồi bà thường xuyên kể xấu mình với hàng xóm nữa. Mọi điều đến tai khiến mình ấm ức và buồn lắm”.
Vợ chồng Tú ở ngoài Hà Nội đi làm cả tuần, chỉ cuối tuần mời về quê. Nhưng mỗi lần về quê, mẹ chồng vẫn soi mói và đặt điều: “Trong khi mình thật sự chẳng đến nỗi nào. Có công việc ổn định, khéo nấu nướng và rất ý tứ trước mọi việc của nhà chồng. Nghĩ nhiều lúc mình chán lắm, từ ngày lấy chồng, mình toàn phải ấm ức khóc vì tủi thân”.
Cũng thấy cuộc sống thay đổi chóng vánh là Ly, 26 tuổi (Điện Biên Phủ, HN). Vì yêu chồng mà khi còn con gái, Ly đã bỏ qua bao nhiêu vệ tinh để đến với anh xã. Nhưng khi cưới về, Ly mới phát hiện ra, chồng Ly rất gia trưởng, lại chỉ nhất nhất nghe lời ba mẹ còn hơn cả nghe lời vợ. Bố mẹ chồng thì không biết thương con dâu. Lại thêm các chị chồng đi lấy chồng rồi vẫn chẳng có ý tứ… Những điều này nhiều lần khiến Ly tức nghẹn cổ.
Mang tiếng nhà chồng ở Hà Nội, nhưng cuộc sống của Ly ở nhà chồng cứ ngột ngạt vì những điều nhỏ nhặt: “Khi nhà có giỗ rối hoặc cỗ bàn nội bộ, mình mệt mỏi khủng khiếp. Vì các con đi làm nên nhà chồng toàn buổi chiều tối mới ăn. Nhưng ngay từ sáng sớm, các chị chồng đã đến ăn và ở đấy luôn. Vậy là lần nào mình cũng phải dậy đi chợ chuẩn bị cơm nước để mọi người ăn. Ăn xong dọn dẹp thì mới được đi làm. Chiều thì nhất nhất phải về sớm làm cỗ. Trong khi chị gái, bố mẹ chồng và các bác nhà chồng cứ ngủ rồi buôn chuyện. Một mình làm ở dưới bếp như vậy, mình tức nghẹn cổ, bao lần nước mắt rơi” – Ly tâm sự.
Ức chế hơn nữa là nhà mẹ đẻ Ly và nhà chồng ở cùng một làng, chỉ khác xóm. Đến nhà mẹ đẻ chỉ mất 7 phút đi xe máy vậy mà phải 1 tháng Ly mới về nhà mẹ đẻ được 1 lần. Chưa kể mỗi lần toàn “chớp nhoáng”, chưa bao giờ Ly được ở chơi nhà mẹ đẻ thoải mái quá 1 ngày.
Ly kể trong nước mắt tủi thân: “Những ngày lễ lớn như 8-3, 2-9, 20-10,.. dù bố mẹ đẻ có gọi điện bảo 2 con sang nhà ăn cơm thì cũng rất ít khi mình được sang. Dù đã cố tình thông báo và xin mẹ chồng cho sang nhà ngoại nhưng y như rằng, mẹ chồng lại bắt đầu sai mình đi chợ mua đủ các thứ lích kích để bảo chút có 2 vợ chồng nhà chị chồng về ăn. Và bà còn bảo vô lý như này: ‘Các anh chị về, vợ chồng con sang ngoại làm gì. Ở nhà làm cơm cho các chị đến ăn. Ăn xong chúng nó còn về sớm?!”.
Có hôm nếu cố tình đi thì Ly cũng phải làm hết tất thảy việc nhà, cơm canh tươm tất mới đi được: “Lần nào mà đi được, sang đến nhà ngoại cũng trưa cật trưa kẹo hoặc không thì cũng 5-6 giờ tối, chẳng được buôn chuyện với bố mẹ. Vợ chồng chỉ cắm mặt vào ăn rồi lại kéo nhau về nhà chồng vì mẹ chồng chưa đi đã dặn về sớm để mẹ đóng cửa ngõ. Trong khi mình bảo bố mẹ cứ đi ngủ trước, mình cầm chìa khóa sẽ đóng cửa. Nhưng ông bà không nghe thế. Cứ về muộn là ông bà làm mặt giận, im lặng không thèm nói câu nào”.
Nói về người chồng của mình, Ly cũng bảo: “Bố mẹ chồng đã vậy, được chồng cũng sợ bố mẹ một phen. Ngày cuối tuần nào chồng bận việc không về nhà được còn bắt mình phải về quê một mình vì không muốn bố mẹ chồng ở nhà một mình?!”.
“Mình đã im lặng và chịu đựng chồng, nhà chồng gần 1 năm nay. Và giờ mình đã thực sự hối hận khi kết hôn. Mới có gần 1 năm lấy chồng đã vậy, không biết vài năm nữa, cuộc sống còn ngột ngạt thế nào” – Ly lại rơm rớm nước mắt khóc, trên khuôn mặt hiện rõ sự mệt mỏi vì phải chịu đựng.