Thu về nhà mẹ đẻ sau 6 tháng chịu đựng sự đối xử ghẻ lạnh của chồng và nhà chồng. Giờ đây, niềm động lực sống duy nhất của cô là được nhìn con ở lớp mẫu giáo từ xa, được ôm con mỗi ngày cuối tuần trong ánh mắt dò xét của chồng và nhân tình.
Với Nam, hiện giờ Thu là “cục nợ” anh muốn vứt bỏ. Nhưng Nam lại không muốn mang tiếng là kẻ bỏ vợ, thấy vợ khốn khó thì buông tay. Vì thế, Nam toan tính đối xử tàn tệ với vợ, để cô chủ động ly hôn. Như vậy, bên nhà ngoại cũng sẽ không có cớ gì để chỉ trích anh.
Với người bên ngoài, Nam vẫn tỏ vẻ ân cần, nhẹ nhàng chia sẻ: “Vợ em dại dột, làm gia đình giờ lâm vào cảnh nợ nần, nghèo khó, nhưng sống với nhau ngoài cái tình còn có cái nghĩa anh chị ạ”. Nhưng chỉ cần không có ai bên cạnh, Nam lại gây sức ép với Thu.
Nam biết nếu anh ta đánh đập hay làm gì tổn hại đến thân thể cô, suốt đời sẽ gánh cái tội kẻ vũ phu, ruồng rẫy vợ. Vì vậy, Nam chỉ tấn công vào tinh thần cô. Anh quản chặt tiền bạc, luôn xoáy sâu vào lỗi lầm của cô. Nam một mực cho các con tránh xa gương xấu là mẹ chúng.
Trong gia đình, mọi quyền quyết định đều nằm trong tay Nam. Mỗi lần đi chợ, Nam đưa cho Thu từng đồng, cô phải ghi lại những thứ mua về, giá bao nhiêu…
Nếu phát hiện thiếu sót gì thì anh lại được dịp chửi mắng, tỏ vẻ khinh bỉ, lên mặt với vợ. Có hôm đi chợ khát nước quá, Thu ghé vào mua ly nước mía, nhưng cô không ghi vào sổ chợ.
Thấy thiếu tiền, Nam căn vặn cô đủ thứ, Thu chỉ biết lí nhí trả lời: “Em xin lỗi, lúc nãy đi chợ, em có uống ly nước mía…”. Thu không ngờ Nam trợn mắt nhìn cô rồi quát: “Cô tính nuốt trôi tiền của thằng này hả? Tiền không phải cô kiếm, nên không biết tiếc mà, sao không uống nước lã đi cho đỡ tốn?”.
Mặc dù đã quen với những lời mắng nhiếc của chồng, nhưng Thu không ngờ anh lại có thể đối xử với mình một cách tàn nhẫn thế. Thấy hàng xóm vây quanh bàn tán vì vụ to tiếng của hai vợ chồng, vì không muốn mất mặt nên Thu chỉ biết im lặng, chờ anh càu nhàu một lúc rồi thôi.
Thu cũng từng là một người kiếm ra tiền, cô bán vải ở chợ. Dù không kiếm được nhiều tiền nhưng tiền cô kiếm được cũng đủ để phụ giúp gia đình. Lúc đó, Nam chưa bao giờ nặng lời với Thu. Thỉnh thoảng anh còn lấy tiền đi đánh bạc.
Nhưng từ khi cô bị vỡ nợ do chơi họ và không có vốn để mở lại hàng, nợ nần cứ thế chồng chất, cô ở nhà lo việc cơm nước một phần cũng để tránh những người đến đòi nợ ở chợ. Cũng từ đó, Nam bỗng nhiên đổi tính, anh suốt ngày mắng nhiếc cô là đồ hư hỏng, là cái thứ đàn bà chỉ biết phá hoại gia đình. Thu biết mình sai nên nín nhịn, không dám nói lại nửa lời.
Biết mình giờ là trụ cột chính trong nhà, Nam nắm giữ hết tiền bạc, không cho Thu một đồng. Lễ lạt hay đám cưới, chính tay Nam bỏ phong bì, dán lại rồi mới cho Thu đi. Trước lúc đi, Nam vẫn không quên buông câu: “Cái thứ ăn bám, còn biết ăn sung mặc sướng đi đám cưới nữa ư”.
Nam đối xử với Thu ngày càng tệ. Anh nói xấu Thu với các con. Chỉ những khi ăn cơm, tắm rửa, còn lại ngủ anh cũng bắt con ngủ riêng. Thỉnh thoảng, Nam lại buông những câu khinh miệt vợ trước mặt con: “Ai đời có loại vợ chỉ biết ở nhà ăn bám, tiêu pha, phá đám… Mày chỉ làm hư hỏng con cái…”.
Bất kể Thu làm gì, Nam đều bắt bẻ, chì chiết. Thu cũng tính đến ly hôn, nhưng con còn quá nhỏ, cô không muốn gia đình tan đàn xẻ nghé. Hơn nữa, cô biết mọi việc cũng do mình, do cái thói mê chơi họ nên giờ cô mới phải bám víu lấy chồng. Cô chấp nhận phục vụ chồng con để chuộc lại lỗi lầm.
Nhờ sự giúp đỡ của mẹ đẻ, Nam lại được dịp tăng thêm nỗi đau cho Thu khi cô cứ nhất mực bám víu vào chồng. Mẹ anh ta nhanh chóng “kiếm” cho con trai một cô gái làng bên. Dù chưa ly hôn nhưng ngày ngày cô ta cũng đến nhà mẹ Nam dọn dẹp, nấu cơm như người trong nhà.
Thu biết cả chồng lẫn gia đình anh đang cố gắng đuổi cô, nhưng Thu không thể chấp nhận một người khác làm mẹ con mình. Cô vẫn tiếp tục nhịn dù chồng cô thẳng thừng nói: “Đơn ly hôn tôi ghi sẵn rồi, chỉ cần cô kí tên vào đó, lúc nào cũng được tùy cô, tôi không ép…”.
Nhìn nụ cười nhạt trên gương mặt chồng, cô biết Nam đang đe dọa mình rằng cô sẽ phải chống chọi rất khắc nghiệt trong những ngày tháng tiếp theo.
Mẹ Thu xót con gái, khuyên cô nên ly hôn để sống cho khỏe thân nhưng Thu nằng nặc không chịu, cô vẫn cố bám trụ vì con. Cô nói với mẹ: “Con biết tội của con, nhưng nếu con đi, con sẽ không được chăm sóc con của mình nữa. Con cũng không đủ sức nuôi nó nếu chỉ có một mình. Giờ con hoàn toàn trắng tay…”.
Thấy Thu lâu lâu vẫn chưa hề suy chuyển, Nam đem con đến bên người tình mới, bắt con gọi cô ta là mẹ. Nhìn đứa con mới lên 3 bập bẹ gọi người khác là mẹ, Thu òa khóc.
Đến lúc này, cô chấp nhận ly hôn, với điều kiện cô vẫn được thăm con bất cứ khi nào nhớ con. Nhưng cuối cùng, Nam vẫn ép cô chỉ được thăm con vào ngày cuối tuần, nếu không anh ta sẽ khiến đứa bé hận cô là kẻ đã phá hoại gia đình.
Thu về nhà mẹ đẻ sau 6 tháng chịu đựng sự đối xử ghẻ lạnh của chồng và nhà chồng. Giờ đây, niềm động lực sống duy nhất của cô là được nhìn con ở lớp mẫu giáo từ xa, được ôm con mỗi ngày cuối tuần trong ánh mắt dò xét của chồng và nhân tình.
Nhiều đêm nhớ con Thu ôm gối khóc thầm. Cô nghĩ chừng ấy thời gian chịu nhục chịu khổ đã là cái giá quá đắt cho lỗi lầm cô mắc phải rồi. Giờ đến lúc cô phải tự mình đứng dậy, bắt đầu một cuộc sống mới. Không thể “ăn bám” ai mãi được, cô sẽ tìm việc làm, hy vọng một ngày không xa sẽ có tiền để đón đứa con yêu quý về lại bên mình.