Bạn chăm chỉ tập thể dục, luôn chú ý đến khẩu phần ăn hàng ngày của mình. Vậy mà cân nặng của bạn vẫn không hề giảm. Có khi nào bạn nghĩ mình đang bị một bệnh nào đó và đây chính là nguyên nhân khiến bạn khó giảm cân? Bạn đừng nghĩ rằng, khi bị bệnh thì sẽ sụt cân, có những bệnh khi xuất hiện rồi sẽ khiến người bệnh gặp rất nhiều trở ngại trong việc giảm cân.
Dưới đây là danh sách những bệnh như vậy.
1. Thiểu năng tuyến giáp hay suy giáp
Suy giáp là một bệnh liên quan đến tuyến giáp. Ngày nay, do điều kiện cuộc sống mà bệnh này trở nên phổ biến với chị em phụ nữ. Khi bị bệnh ở tuyến giáp, người phụ nữ có thể gặp các triệu chứng như cảm thấy mệt mỏi, căng thẳng, đổ mồ hôi đêm, không chịu được lạnh và… không kiểm soát được cân nặng của mình.
Tuyến giáp chịu trách nhiệm cho sự trao đổi chất, nhiệt độ, quá trình tiết mồ hôi và chuyển hóa năng lượng trong cơ thể. Do đó, khi chức năng của tuyến giáp bị suy giảm, nó sẽ làm chậm quá trình trao đổi chất và khiến bạn gặp khó khăn trong giảm cân.
Thật không may, tuyến giáp chịu ảnh hưởng nhiều bởi sự căng thẳng, do đó, cơ thể càng phải chịu nhiều sự căng thẳng về thể chất và tinh thần thì nguy cơ gây ra bệnh tuyến giáp càng tăng.
Vậy nên, nếu bạn đã rất cố gắng mà không thể giảm cân, hãy đi kiểm tra tuyến giáp để biết mình có mắc bệnh liên quan hay không.
2. Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS)
Hội chứng buồng trứng đa nang là tình trạng rối loạn nội tiết trong cơ thể người phụ nữ. Hội chứng buồng trứng đa nang có thể có các biểu hiện như: kinh nguyệt không đều, rậm lông, mụn trứng cá và béo phì…
Theo các chuyên gia sức khỏe thì bệnh này có ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt, do đó nó tác động đến khả năng sinh sản của người phụ nữ. Ngoài ra, chị em nào bị hội chứng buồng trứng đa nang sẽ có thể gặp phải tình trạng lượng đường trong máu và mức độ testosterone trong máu không ổn định. Đây có thể là một nguyên nhân gây ra vô sinh và ảnh hưởng xấu đến tuyến giáp. Mà một khi lượng đường trong máu không ổn định và bị bệnh liên quan đến tuyến giáp thì chị em càng gặp khó khăn trong việc kiểm soát cân nặng của mình.
3. Bệnh tim mạch
Các bệnh tim mạch có hệ quả là kéo theo mức độ cholesterol trong cơ thể cao, làm cho thành động mạch dày lên, tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim và đột quỵ… Tất cả những yếu tố này đều ảnh hưởng đến quá trình chuyển hóa năng lượng, tiêu thụ chất béo… do đó, những bệnh nhân bị bệnh tim mạch hoàn toàn có thể bị thừa cân.
Các loại thực phẩm chúng ta ăn, tâm trạng căng thẳng… đều có thể là nguyên nhân làm tăng mức cholesterol, đặc biệt là cholesterol xấu. Điều này khiến cho chị em gặp khó khăn hơn để giảm cân và dễ bị mắc bệnh tim mạch và đột quỵ.
4. Bệnh tiểu đường
Khi bị bệnh tiểu đường type 2, cơ thể của người bệnh không có được những phản ứng bình thường để giữ cho lượng đường trong máu ổn định. Một khi lượng đường trong máu không ổn định, các cơ chế sản sinh, tiêu thụ năng lượng, đốt cháy chất béo cũng gặp trục trặc. Do vậy, những người bị bệnh tiểu đường có thể bị tăng hoặc giảm cân đột ngột một cách khó kiểm soát. Có thể nói có một mối tương quan giữa tình trạng thừa cân và điều tiết lượng đường trong máu.
Thật không may, ngày nay, có nhiều thanh thiếu niên và trẻ em được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường do thừa cân. Hầu hết các đối tượng này đều ít vận động, ăn nhiều thực phẩm tinh chế hoặc chế biến sẵn…
Nếu thấy có bất kì điều gì nghi ngờ về sức khỏe của mình, bạn nên đi khám càng sớm càng tốt để được chẩn đoán bệnh sớm nhất.