Mùa thi là mùa bận rộn nhất của các em học sinh, sinh viên. Mùa thi đến việc học và ôn thi căng thẳng, sức khỏe bị ảnh hưởng, kiến thức cũng vì thế mà rơi rớt. Vì vậy, để các em có trí nhớ tốt, đạt kết quả cao trong các kì thi sắp tới, thì lựa chọn thực phẩm đầy đủ chất dinh dưỡng đóng một vai trò vô cùng quan trọng.
Các triệu chứng suy nhược thần kinh như mệt mỏi lâu ngày, không giảm, đau đầu âm ỉ, cảm giác căng nặng đầu với các biểu hiện thay đổi tính tình, trí nhớ giảm, rối loạn giấc ngủ, giảm khả năng lao động chân tay và đặc biệt là lao động trí óc sẽ xảy ra khi hoạt động của thần kinh trung ương bị rối loạn giữa hưng phấn và ức chế . Mùa thi đến là thời điểm mà các em học sinh hoạt động trí não và áp lực tâm lý đều tăng cao hơn bình thường khiến cho nhiều học sinh căng thẳng và quá tải, dẫn đến kiệt sức. Các em thường khó tập trung vào việc học tập, nhức đầu, chóng mặt, tụt huyết áp, , thậm chí “học trước quên sau”, không thể phát huy được hết các kiến thức vốn có.
Các em học sinh cần lưu ý cần ngủ đủ giấc, nghỉ ngơi hợp lý, xen kẽ với vận động thể lực tốt và có phương pháp học tập hợp lý (biết chọn lọc điều cần nhớ, biết liên tưởng, xen kẽ học với thư giãn…, ), tránh tâm lý đến kì thi mới học kiểu “nước đến chân mới nhảy”.
Ngoài yếu tố di truyền, não được kích thích hàng ngày qua dinh dưỡng, cách giáo dục, rèn luyện cũng là một yếu tố quyết định trí nhớ. Khi thiếu chất dinh dưỡng, môi trường sống hạn hẹp, thiếu sự giáo dục… trí nhớ sẽ bị ảnh hưởng. Vì vậy, các bậc phụ huynh cần lưu ý để đảm bảo dinh dưỡng cho các em trong bữa ăn hàng ngày trong quá trình ôn tập cho đến lúc đi thi. Những thực phẩm giàu chất đạm, béo, bột, vitamin muối khoáng như trứng, tôm, cua, đậu đỗ, dầu, mỡ, bơ, vừng, lạc, rau xanh, hoa quả chín là những thực phẩm cần bổ sung cho các sỹ tử.
Đường glucose
Để các em ôn thi có hiệu quả, không mệt mỏi thì đường glucose là một chất không thể thiếu. Rau củ, hoa quả, ngũ cốc, khoai lang, ngô, cơm, bánh mì … vào cơ thể sẽ chuyển hóa thành đường cung cấp năng lượng cho não . Trước khi đi thi các em nhớ ăn sáng đủ no, nếu thi buổi chiều hãy uống một ly nước trái cây ngọt hay ăn cái bánh ngọt, tinh thần các em sẽ sảng khoái, tự tin hơn.
Chất béo
Chất béo là thành phần chính tạo nên não. Chất béo tham gia vào hoạt động của các phản xạ thần kinh, ghi nhớ. Các bậc phụ huynh cần bổ sung chất béo không no từ cá, nhất là cá biển hoặc dầu thực vật, hạn chế chất béo no có trong mỡ động vật như lợn, bò vì có hại cho sức khỏe. Chất béo và đạm trong óc lợn cũng rất bổ dưỡng cho não, nhưng cần hạn chế cho trẻ thừa cân.
Chất đạm
Các loại thịt đỏ, trứng rất giàu đạm, làm tăng quá trình dẫn truyền tín hiệu thần kinh trong não, tăng cường trí nhớ. Sắt có nhiều trong thịt đỏ, gan, rau dền… giúp tăng trí nhớ và khả năng tập trung, tránh bị mệt mỏi, ăn không ngon và cảm lạnh, cúm ngủ gật, cáu bẳn…
Vitamin và khoáng chất
Iốt có nhiều trong hải sản cũng giúp cho trí nhớ không bị trì trệ, tiếp thu nhanh . Các loại vitamin B1, B2, B3, B9, B12 có trong ngũ cốc và các loại đậu, vitamin C có trong trái cây, rau quả, vitamin E có trong đậu phọng, giá sống, trứng, vitamin A có trong cà chua, bí đỏ, đu đủ, các khoáng chất như can xi, kẽm, Iod chứa trong các loại hải sản, tôm, cua… giúp giải độc, tốt cho não và tăng cường trí nhớ.
Tóm lại, các bậc phụ huynh cần chú ý đến chế độ dinh dưỡng cho con trong quá trình con cái học tập, ôn thi căng thẳng. Không bao giờ để con nhịn bữa sáng, bữa sáng cân đối, đủ chất sẽ làm các em hưng phấn khi học bài, ít nhầm lẫn, nhớ kiến thức tốt hơn. Các bà nội trợ cần biết lựa chọn những loại thức ăn tươi, bổ sung dưỡng chất cần thiết cho việc tăng cường trí nhớ, giúp con có nhiều năng lượng hoạt động, để các em luôn hoạt bát, nhanh nhẹn, tỉnh táo.