Mùa hè chịu sự nắng nóng gay gắt của mặt trời dễ làm da của chúng ta mắc một số bệnh như viêm da, nấm, thủy đậu…
1. Bệnh viêm kẽ
Đây là bệnh thường gặp vào mùa hè, thời tiết nóng, ẩm ướt, độ ẩm cao. Bệnh hay xuất xuất hiện ở da vùng khe hở, nếp gấp như ngón tay, ngón chân, nách, bẹn… Nguyên nhân có thể do vi khuẩn, nấm.
Bệnh hay gặp ở trẻ sơ sinh và người lao động chân tay, ra mồ hôi nhiều, làm việc ngoài trời. Phòng bệnh bằng cách giữ cho các kẽ hoặc ngấn da luôn sạch và khô. Ở trẻ sơ sinh có thể thoa bột phấn lên các vùng ngấn hoặc kẽ. Trong mùa hè nóng bức cần lựa chọn quần áo làm từ chất liệu nhẹ, mềm, thoáng, thấm mồ hôi…
2. Viêm da tiếp xúc do ánh nắng
Bệnh có liên quan đến dị ứng với ánh nắng mặt trời, thường gặp trên những người có cơ địa dị ứng. Nhiều người cứ đi ra nắng về là da lại nổi mẩn đỏ, sần sùi, càng gãi, chỗ mẩn lại càng lan rộng. Vị trí hay gặp nhất là vùng da hở ở cổ, tay…
Để phòng bệnh, khi đi ra ngoài nắng, người bệnh nên che chắn cẩn thận. Chú ý không tự ý sử dụng thuốc bừa bãi, nhất là là các thuốc corticoid.
3. Một số bệnh da thành dịch
Trong đó phải kể đến viêm da tiếp xúc do côn trùng. Lý do là vì côn trùng phát triển nhiều, sinh nở vào mùa hè, đặc biệt sau vụ gặt.
Viêm da tiếp xúc do côn trùng là hiện tượng viêm da cấp tính do chất tiết của côn trùng chạm vào da. Việc điều trị sớm bệnh rất đơn giản, có thể dùng các thuốc bôi làm dịu da, chống viêm. Nếu để bội nhiễm, người bệnh phải uống kháng sinh và có thể để lại sẹo. Nhiều trường hợp nhầm với zona, một bệnh da do virus.
Để phòng bệnh, vào buổi tối người dân nên đóng cửa, hạn chế bật đèn. Đồng thời thường xuyên quét dọn sạch sẽ nhà cửa, trước khi đi ngủ nên giũ chăn màn, giường chiếu. Nếu thấy côn trùng đậu trên người thì thổi nhẹ cho bay đi chứ không chà xát mạnh. Tuyệt đối không lấy tay không đập côn trùng, nhất là với kiến ba khoang. Chú ý phát hiện những côn trùng ở trong nước tắm, khăn mặt, quần áo trước khi dùng.
4. Viêm nang lông
Nguyên nhân do bài tiết mồ hôi quá mức, tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn gây viêm lỗ nang lông. Trường hợp tổn thương nông thì gọi là rôm sảy, sâu thì gọi là nhọt. Bệnh hay gặp ở trẻ, càng ở những vùng mồ hôi tiết ra nhiều như trán, cổ, lưng, ngực, các nếp gấp càng có nhiều rôm.
Để phòng bệnh, cha mẹ có thể sử dụng phấn rôm rắc vào khe, kẽ. Ngoài ra, cho trẻ mặc đồ cotton, thấm mồ hôi, giữ vệ sinh sạch sẽ. Một khi đã bị thì không được dùng phấn rôm mà nên đi khám.
5. Thủy đậu
Thủy đậu là một bệnh nhiễm trùng cấp tính toàn thân do virus varicella zoster. Bệnh thủy đậu hay gặp lúc chuyển mùa, giao thời tiết nóng – lạnh. Khi đã mắc bệnh, con người sẽ có miễn dịch lâu dài suốt đời và ít khi bị lại lần hai.
Đây là bệnh lành tính, đa số trẻ đến khám được cho về điều trị tại nhà. Bệnh hay gặp ở trẻ 1-9 tuổi. Trẻ dưới 1 tuổi khả năng bị ít hơn nhưng không phải là không có. Có một tỷ lệ nhỏ phải nhập viện vì biến chứng hoặc ban mọc quá nhiều.
Bệnh lây qua đường hô hấp nên khi trẻ ho, virus bắn ra môi trường xunh quanh là các bé khác dễ bị lây. Cha mẹ cần tăng cường vấn đề vệ sinh, ăn uống, đường hô hấp, da để phòng bệnh. Quan trọng là cần đưa trẻ đi tiêm phòng khi được 12 tháng tuổi. Trẻ đã bị thủy đậu thì không cần tiêm phòng nữa.
6. Bệnh nấm kẽ chân
Vào những ngày mưa ngập úng, nhất là ở thành phố nhiều người hay bị nấm kẽ ở bàn chân. Biểu hiện là các đám da đỏ, mụn nước, trợt da, bong da…, đặc biệt rất ngứa. Người dân nên đi khám để được hướng dẫn sử dụng thuốc hợp lý, không vì bệnh chỉ ở ngoài da mà coi thường.
Để phòng bệnh, khi đi ngoài đường bị ngập nước về thì nên rửa lại chân bằng nước sạch, cẩn thận hơn thì rửa bằng dung dịch nước sát khuẩn nhẹ như thuốc tím, cho một lượng vừa đủ đến khi nước có màu cánh sen là được. Sau đó thì dùng khăn lau khô.