Có những điều phụ nữ không biết rằng những tính cách hay những tình cảm của họ lại làm cho đàn ông ghét và khó chịu vô cùng.
Sử dụng tình dục làm vũ khí khi cãi nhau
“Có vẻ như phụ nữ không biết đàn ông cực kỳ ghét khi họ liên tục dùng chiêu cấm vận ‘chuyện ấy’ để đe dọa chúng tôi mỗi khi cãi nhau.
Quá nhiều lần tôi phải chịu trận như vậy. Tôi chán ngán, thậm chí nói thẳng với vợ mà cô ấy không thay đổi. Cứ cãi nhau xong, nhìn bộ dạng cô ấy nằm quay mặt vào tường, nói kiểu gì cũng không quay ra khiến tôi càng thêm bực tức. Như thể tôi không được động chạm vào cô ấy là cô ấy thấy hả hê, đắc thắng còn tôi sợ hãi lắm vậy.
Nhưng không phải thế. Nói thật, phụ nữ làm vậy chỉ khiến cánh đàn ông chúng tôi mất dần hứng thú với vợ mà thôi” – Quang Tuyến, 35 tuổi, Hải Phòng, chia sẻ.
Chỉ trích người phụ nữ khác
“Phải nói rằng tôi may mắn khi lấy được người vợ xinh xắn lại đảm đang, khéo léo, đi đâu cũng được người khác quý mến. Nhưng tôi vẫn không hiểu tại sao cô ấy tốt tính là thế mà không ngừng lên án, chỉ trích nhiều phụ nữ khác (em chồng, bạn thân, đồng nghiệp…). Mà không riêng gì cô ấy, với rất nhiều phụ nữ, hình như một lời khen ngợi dành cho người cùng phái là rất khó khăn.
Không những thế, họ còn liên tục chê bai, soi mói mái tóc, đôi giày, bộ váy… cho tới nhan sắc, tính cách của những phụ nữ xung quanh mình. Vợ tôi cũng vậy, người nào càng ở gần thì cô ấy càng soi xét đủ điều và chỉ trích. Nào là ăn nói vô duyên, mặc kệch cỡm, ăn bám chồng, chậm hiểu… Nhất là khi thấy người phụ nữ bên cạnh hơn mình điều gì đó, cô ấy tỏ ra khó chịu lắm
Tôi luôn coi đây là tính xấu không thể sửa chữa ở phái đẹp. Mỗi lần nghe vợ chê bai người phụ nữ khác, thực lòng tôi cực ghét” – Quang Lập, 31 tuổi, Đông Anh (Hà Nội), chia sẻ.
Phụ nữ quá “nhiều lời”
Anh Nguyễn Bảo Nguyên – 34 tuổi, Giáp Bát (Hà Nội), nhận xét: “Tất nhiên, có người ít nói, người hay nói. Nhưng kể cả những người phụ nữ ít nói thì khi về nhà họ vẫn phát huy hết công suất lời nói của mình. Họ có thể trút vào đầu chúng tôi hàng mớ chuyện từ chuyện đồng nghiệp, chợ búa, cơm nước cho đến cả chuyện thời sự, phim kịch…”.
Anh Nguyên còn cho biết thêm: “Đặc biệt là trong bữa ăn, họ là chúa ồn ào. Có nhiều bữa, thậm chí tôi không thể ăn ngon chỉ vì vợ và em gái tôi thi nhau nói không ngừng nghỉ, trong khi bát cơm thì họ ăn mãi không hết.
Hay khi lên giường, vợ tôi còn chẳng bận tâm xem chồng buồn ngủ hay chưa, cứ thao thao bất tuyệt đủ thứ chuyện giời ơi đất hỡi. Không nghe thì cô ấy bảo không quan tâm, mà nghe thì mệt óc, bực mình.
Dường như họ luôn coi chồng là nơi ‘dốc bầu tâm sự’ nên sau một ngày làm việc mệt mỏi, về đến nhà là họ nói. Đó là chưa kể những lúc vợ chồng xô xát, mà nếu người mắc lỗi là tôi thì chắc chắn cô ấy sẽ phải đay nghiến đến cả chục lần không biết mệt. Tôi tin không riêng gì mình mà hầu hết đàn ông đều ức chế khi nghe vợ cằn nhằn quá nhiều về một việc bé bằng cái móng tay”.
Quá nhiều cảm xúc
“Tôi phong cho phụ nữ biệt hiệu ‘thần nước mắt’. Họ có thể khóc vì bất cứ điều gì: một cảnh phim buồn (hoặc thậm chí là cảnh hạnh phúc), một cái móng tay bị xước hoặc một mái tóc mới cắt không như mong muốn.
Dù trước mặt mình là ai, xung quanh có những người nào họ cũng khóc ngon lành. Nhiều khi chúng tôi đứng đó mà như kẻ có tội nợ vì bị người khác nghi là thủ phạm của những giọt nước mắt trên mặt phái đẹp.
Nhưng tồi tệ nhất là họ luôn mong đợi chúng tôi ‘làm sạch’ những xúc cảm hỗn độn trong họ, lau khô giọt nước mắt của họ. Trong khi đó, chúng tôi không thể hiểu được ngọn ngành, tường tận nguyên nhân khiến họ thút thít không ngừng như thế. Bởi vậy, làm sao chúng tôi an ủi được.
Có khi vừa an ủi lại còn bị các nàng trách móc ‘Anh thì biết gì mà nói’, “Để em yên’, khiến chúng tôi lúng túng không biết mình đã làm sai điều gì.
Không phải đàn ông chúng tôi vô cảm với mọi sự nhưng thực tế, phụ nữ thường quá nhạy cảm và dễ bị tổn thương hơn. Chúng tôi chỉ mong, những lúc ấy hãy cho đàn ông biết vì sao bạn khóc và làm thế nào để hết khóc…”. Đây là thú nhận của anh Lê Trình – 28 tuổi, Việt Trì (Phú Thọ).
Giỏi “đánh cắp” không gian, thời gian cá nhân của đàn ông
“Nỗi sợ hãi và cũng là điều tôi cực ghét ở phái đẹp đó là luôn lăm le cướp mất không gian, thời gian riêng tư của chúng tôi. Các nàng dường như mặc định yêu nhau là phải kè kè bên nhau nên không cho chúng tôi thở.
Cứ đi đâu cũng đòi đi theo, làm gì cũng đòi làm cùng, thậm chí còn đột ngột đến phòng tôi ở với mục đích dọn dẹp hộ nhưng thực ra là theo dõi và lục soát xem có gì bất thường trong phòng hay không.
Tôi nhớ chuyện xảy ra với người yêu cũ. Chúng tôi có 3 ngày nghỉ và đã đi chơi với nhau suốt 2 ngày rồi, ngày cuối cùng ai ở nhà nấy. Thế mà đùng cái cô ấy nằng nặc gọi tôi đến nhà, để làm gì bạn biết không? Để cô ấy lôi hết quần áo, giầy dép, sơn móng tay, đồ trang điểm ra thử nghiệm và bắt tôi phải làm giám khảo chấm điểm…
Tôi phát rồ lên, có vẻ như cô ấy coi tôi là vật sở hữu vậy, muốn ‘dùng’ lúc nào cũng được vậy…” – Vũ Anh Tuấn, 30 tuổi, kĩ sư viễn thông, tâm sự.
Dễ ghen tuông
“Hình như phụ nữ sinh ra đã sẵn có tính nghi ngờ và máu ghen tuông trong người nên khi yêu, khi lập gia đình, họ có cơ hội để thể hiện điều đó. Họ luôn đoán già đoán non tất cả mọi thứ liên quan đến người đàn ông của mình, đặc biệt là sự chung thủy của cánh mày râu.
Hành động ghen tuông của phái nữ khiến chúng tôi ngộp thở, thậm chí là chán nản, từ yêu chuyển sang ghét. Mỗi lúc ghen tuông, họ hay móc nối các sự kiện, lời nói của chúng tôi lại với nhau và quy kết tội lỗi cho người đàn ông của mình.
Tất nhiên, có yêu thương thì mới ghen nhưng vì yêu mà ghen tuông thái quá thì chúng tôi cực ghét” – Tuấn Quốc, lập trình viên, Q.1 (TP.Hồ Chí Minh), cho biết.
Không bao giờ chán mua sắm
Một trong những sở thích lớn của phụ nữ là mua sắm lại trở thành điều cực ghét trong mắt phái mạnh. Anh Vũ Hải – 32 tuổi, cán bộ nhà nước, chia sẻ về điều này:
“Với phụ nữ, có lẽ họ không bao giờ có ý định ngừng mua sắm trong một ngày chứ đừng nói đến việc chán shopping. Cho dù đó là thực phẩm, đồ dùng gia đình, quần áo, giày dép họ vẫn có thể mải mê hàng giờ trong chợ, siêu thị, shop, trung tâm mua sắm… mà không bận tâm gì về thời gian, tiền bạc.
Nhưng điều tồi tệ nhất là họ luôn mong muốn chúng tôi ‘đồng hành’ với sở thích mua sắm của họ. Không riêng tôi mà nhiều bạn bè tôi cũng hay than thở về việc ghét nhất là đưa vợ đi mua sắm.
Những lúc ấy, chúng tôi như một kẻ lang thang, đi mà không biết mình đi đâu bởi sẽ bị các nàng kéo hết từ cửa hàng này sang cửa hàng khác và đứng chờ vật vờ như một kẻ vô công rỗi nghề”.