Đi làm dâu không có nghĩa là đi “chiến đấu” nhưng làm dâu là phải chấp nhận một cuộc sống thực sự khác và làm dâu trưởng trong một gia đình ở nông thôn thì phải trở thành một con người khác, đôi khi không còn thấy tí gì của riêng mình.
Không có một vị trí nào đòi hỏi nhiều sự hy sinh, nhường nhịn, chịu thiệt thòi như vị trí người làm dâu trưởng. Chị vừa phải quán xuyến mọi công việc nhà chồng, từ sản xuất, thu hoạch đến từng bữa ăn hàng ngày; từ giao tiếp, ăn ở với hàng xóm đến các loại tang chay, cưới xin, việc họ, đi làm giúp, thăm hỏi người ốm; từ lo liệu cho bố mẹ chồng – những người thường xem chị như vật mua mất tiền có quyền đòi hỏi vô hạn độ, đến việc chiều chuộng những đứa em chồng, không ít trường hợp còn hơn cả beo, cọp.
Rồi đến chồng, đối tượng mà chị có quyền hơn cả, cũng phải vô cùng khéo léo. Gã nổi cáu là phải im ngay và phải chờ tới đêm, khi không còn sợ ai xét nét mới dám bày tỏ tình yêu cũng như sự không vừa ý – cả hai thứ tình cảm này mà biểu lộ công khai đều như cái gai chọc vào mắt, vào tai bố mẹ và các em chồng. Song gánh nặng lớn nhất, nỗi lo lắng đeo đẳng dai nhất lại không ai chia sẻ với chị, ấy là một thằng con trai nối dõi cho nhà chồng.
Chừng nào nó chưa ra đời thì chừng ấy chị còn là người ngoài, người làm công, người vác tù và hàng tổng, người vô duyên, vô phúc, vô hạnh, là nghiệp chướng của nhà chồng, v.v… Chừng nào “thằng cháu đích tôn” do chị, và chỉ chị mới có thể sinh ra còn chưa có mặt, chừng đó chị vẫn là người “ăn nhờ, ở tạm” bởi có thể phải ra đi bất cứ lúc nào.
Làm được dâu trưởng phải có năng lực bẩm sinh thuộc về đàn bà, có sự dẻo dai cả về thể chất, tinh thần; có khả năng học hỏi rất nhanh. Bởi vì sau tất cả mọi nỗi nhọc nhằn, thua thiệt, chị có được cái mà bất cứ người phụ nữ nào cũng hãnh diện nếu ở vào địa vị ấy một cách danh chính, ngôn thuận: mẹ của một ông trưởng tộc trong tương lai với hy vọng về một quyền năng tinh thần không ai có thể chia sẻ.