Những bất đồng trong việc chăm con, chăm cháu không chỉ xuất hiện giữa mẹ chồng và con dâu, mẹ đẻ và con gái mà còn có thể có ở cả mẹ vợ và con rể. Nó có thể bắt nguồn từ những việc tưởng như rất nhỏ nhặt.
Vì mẹ vợ ngày nào cũng nấu cháo chân giò cho vợ, cháo thừa thì đun lại cho cu lớn ăn, anh Quang không hài lòng. Anh có nói mấy câu thì mẹ vợ tự ái.
Anh Quang tâm sự, sau khi vợ sinh bé thứ hai, bà nội mắc bệnh thấp khớp quanh năm nên vợ chồng anh có ý đón bà ngoại lên trông cháu giúp. Bà ngoại anh tốt tính, chăm chỉ nhưng cứ thấy con gái ít sữa nên ngày nào cũng ninh một nồi cháo chân giò. Từ đó, những khó chịu của anh về mẹ vợ cũng bắt đầu từ nồi cháo cho bà đẻ ấy.
“Hôm tôi đi làm về thấy thằng cu lớn 2 tuổi khóc thét vì không chịu ăn cháo, lại còn bị bà ngoại đánh vào đít, mắng “hư”. Tôi chỉ bảo: “Ngày nào bà cũng cho ăn chân giò, đến người lớn còn không nuốt nổi nói gì đến trẻ con”. Thế mà cụ dỗi, cho rằng con rể chê mẹ vợ không khéo chăm con, chăm cháu.
“Hôm sau, cụ nằng nặc đòi về dù tôi có nói thế nào đi nữa” – Anh Quang hậm hực. Khổ nhất là vợ anh không tin anh chỉ nói có thế. Vợ anh nghĩ, anh phải nói gì xúc phạm lắm thì bà ngoại mới giận đến thế. Vì chuyện này mà vợ chồng anh Quang giận nhau.
Bây giờ, bà nội đang điều trị trong viện, còn bà ngoại vì dỗi đã về quê, không có ai trông vợ, con. Anh Quang phải xin nghỉ làm một buổi để thuyết phục bà ngoại mà vẫn chưa ăn thua.
Cùng hoàn cảnh với anh Quang là anh Tân (Tây Hồ, Hà Nội). Sau gần 5 năm cưới vợ, anh Tân mới có con. Do đó, gia đình hai bên vui mừng khôn xiết. Do bà nội mất sớm nên từ khi có cháu, bà ngoại dưới quê Ninh Bình đồng ý lên bế cháu một thời gian. Khi cháu cứng cáp sẽ gửi trẻ, bà lại về chăm ông.
Khi thấy mẹ vợ làm món đu đủ cho vợ ăn để nhiều sữa, anh Tân liền gạt đi: “Đu đủ nhiều mủ độc lắm. Bà đừng nấu món này nữa”. Xong, anh vô tư mang cả bát đu đủ đổ vào thùng rác trước mặt mẹ vợ. Chưa kể, hễ mẹ vợ nấu món gì, anh Tân cũng dành phần kiểm tra, cứ như là anh sợ bà sẽ “hạ độc” cho vợ, con anh.
“Nhiều bà già thích kiêng cữ vớ vẩn lắm. Mình không khó tính nhưng thấy vậy thì sao có thể làm ngơ” – Anh Tân phân trần. Tuy nhiên đến lúc thấy mẹ vợ đòi về vì ở trên này bí bách quá thì vợ chồng anh mới tá hỏa, bởi năn nỉ đủ đường bà cũng không đổi ý.
Vợ anh khóc lóc cho rằng, tại anh kỹ tính quá nên mới làm bà ngoại phật lòng. Anh Tân khăng khăng phản đối vì anh không thấy mẹ vợ phàn nàn hay khó chịu gì. Nếu mẹ vợ góp ý, anh sẽ chân thành lắng nghe.
Những bất đồng về chuỵện chăm con – chăm cháu không chỉ xuất hiện ở mẹ chồng – con dâu, mẹ đẻ – con gái, mẹ đẻ – con trai mà còn ở cả mẹ vợ – con rể. Nhìn chung, khi là con đẻ thì ông bà dễ góp ý và cũng sẵn sàng phản đối khi có điều phật ý. Hoặc nếu đấy là con dâu thì mẹ chồng cũng dễ ăn dễ nói. Còn với tư cách là mẹ vợ, rất nhiều cụ có tâm lý e ngại và dễ tự ái. Khi con rể góp ý đôi câu hoặc có phản ứng với việc chăm cháu thì nhiều mẹ vợ dỗi, đòi về.
Mâu thuẫn có khi rất nhỏ. Chính con rể có khi cũng không biết đang bị mẹ vợ giận vì bà không chịu nói ra. Từ đó sẽ tạo nên hiểu nhầm hoặc rạn nứt tình cảm không đáng có. Vì thế, khi có con nhỏ, vợ chồng nên thống nhất việc chăm con với ông bà, dù là nội hay ngoại. Tất nhiên, vợ chồng khi góp ý cách chăm con với ông bà cũng cần tế nhị vì người già vốn hay tự ái, lại luôn cho rằng mình đúng, không cần dạy khôn.