Lấy chồng, không những không được “nương bóng tùng quân” như mong mỏi một đời làm vợ, họ còn phải nai lưng ra nuôi chồng, rồi “cõng” cả nhà chồng.
Chị Trần Thị Thanh Nhàn (quê Thanh Hoá, sống tại TPHCM) lấy chồng được một thời gian, thì nhiều người chép miệng bảo: Con Nhàn biết thế ở vậy sướng hơn, bây giờ một nách 5 miệng ăn, khổ thân. Chị Thanh Nhàn tới hơn 40 tuổi mới lấy chồng. Xinh xắn, hiền hậu nhưng công tác tại một đơn vị nhà nước có ít sự tiếp xúc rộng rãi, nhất là với người khác giới, nên tuổi dần trôi qua mà chưa có tấm chồng. Chị ở chung với đứa cháu trai con chị ruột, mồ côi mẹ từ nhỏ mà chị rất đỗi thương yêu.
Hai dì cháu chăm nom, quấn quýt nhau đến lúc thằng bé bắt đầu học đại học thì chị quyết định đến với một người đàn ông goá vợ, đã có hai đứa con riêng. Nhiều người ngăn cản bảo đã lỡ chừng này tuổi rồi, sống vậy luôn cho lành, chứ lấy đàn ông goá vợ, kèm theo mấy con làm gì cho khổ thân. nhưng cũng có người bảo, thôi, cũng phải có chồng với người ta, rồi về già vợ chồng chăm nhau, đỡ cô đơn. Có lẽ vì vậy mà chị quyết định lấy chồng vào cái tuổi về chiều như thế.
Lấy chồng, cả nhà chồng kéo nhau về nhà chị ở, căn nhà chị là căn nhà mua hoá giá nhà nước, còn ông chồng trước kia ở nhà tập thể chật hẹp, nên chuyển đến về nhà chị sống cho dễ chịu là dễ hiểu. Thế là bỗng chốc căn nhà nhỏ bé của chị có thêm ba nhân khẩu, tổng cộng năm người. Chồng chị thu nhập thấp hơn chị, trước giờ nuôi hai con trầy trật, nay có chị làm ra tiền, phấn chấn hẳn lên.Công việc thợ điện tự do, muốn làm thì làm, không làm thì bù khú với bạn bè, rút cục thu nhập chỉ đủ xài, cho con ít tiền tiêu vặt.
Rồi đến lúc bà mẹ chồng ốm, anh này là con cả, phải đem mẹ về nuôi. Người cháu ruột, vốn bị ông dượng trên trời rơi xuống ghét bỏ ra mặt, sau lần nghe được dượng mình nói chuyện riêng với con mình, “con yên tâm, cứ ở đây, nhà này trước sau gì cũng thuộc về tay các con”, chán nản quá, bỏ ra kí túc xá ở, tự đi làm kiếm tiền học, một năm hai lần chị trợ giúp cho tiền học phí.
Vì thế mà người ta mới nói chị gánh năm miệng ăn trên lưng. Vừa quần quật xoay sở sinh hoạt gia đình, nuôi hai con chồng ăn học, nuôi mẹ chồng ốm, chị ngày càng gầy đét lại. Nhiều người thấy thương cho chị, họ bảo không biết cái hạnh phúc chị đang hưởng là gì, sao mà cơ khổ quá.
Còn chị Lê Thị Lê Loan, ngụ Bình Chánh, TPHCM, thì khổ theo một kiểu khác. Nhà chồng chị Loan ngày trước nổi tiếng làm ăn lớn, giàu có, sang trọng. Khi chị Loan được gả về nhà đó, cha mẹ chị nở mặt nở mày với xóm giềng vì tiền cưới được trao cho nhà gái, xe rước dâu toàn xe đời mới nối đuôi nhau hàng dài hết cả dãy phố.
Chồng chị Loan không đi làm, ở nhà buôn bán với cha mẹ, kiểu vừa làm vừa chơi. Mẹ chị Loan nói: Không làm cũng chả sao. Của nhà ấy ăn ba đời chưa hết. Lấy chồng được bốn năm, nhà chồng sụp cái rầm trong cơn bão vỡ nợ dây chuyền.
Hoá ra, họ giàu là giàu ở bề nổi, chứ bên trong cũng mục ruỗng đã lâu, cộng thêm thói đầu tư vô tội vạ, ăn xài vô độ, nên cuối cùng tay trắng. Chị Loan làm dâu nhà giàu có kẻ hầu người hạ chưa được bao lâu thì đành “xuống ngựa” cùng nhà chồng. Cả nhà từ căn nhà mặt phố đồ sộ chuyển về ở trong ngôi nhà nhỏ xíu ở con hẻm cụt. Chị Loan trước giờ đảm trách sổ sách gia đình, có bằng cao đẳng nên xin làm kế toán tại một công ty vật liệu xây dựng. Vậy là cả một gia đình gồm cha mẹ chồng, hai vợ chồng chị Loan và đứa con trai, chỉ mình chị là có công ăn việc làm tử tế.
Cha mẹ chồng vốn chỉ quen buôn bán, nay mất vốn chả biết làm gì, chỉ đi ra đi vào thở dài than ngắn. Chồng chị cũng chỉ quen “làm cho vui”, thú vui chơi chọi chim, đá gà vẫn chưa bỏ nên suốt ngày tụ tập bù khú bạn bè. Chị Loan vậy là phải gồng gánh lên, vừa làm công ty vừa nhận mấy việc về làm thêm để đủ chi phí sinh hoạt cho cả một gia đình quen ăn ngon mặc đẹp, xài sang, cùng với cậu con trai học trường quốc tế, không nỡ chuyển trường cho con.
Cha mẹ chị, thương con gái, lâu lâu vẫn qua “tiếp tế” lúc thì tiền, lúc thì đồ ăn cho con gái. Mẹ chị than thở với bạn bè: “Nhà có ba đứa con gái, ai cũng nghĩ con Loan lấy chồng giàu, sướng nhất. Bây giờ thì một nách bốn miệng ăn, khổ con gái tôi, không biết nó trụ đến bao giờ…”.
Có không ít người phụ nữ như chị Thanh Nhàn, chị Lê Loan, mà mỗi người một hoàn cảnh xô đẩy buộc họ đến bước đường phải nuôi cả một gia đình chồng . Có chị nhà chồng vỡ nợ như chị Loan, có chị lấy chồng vô tích sự, đùn luôn gánh nặng nuôi con, nuôi cha mẹ cho vợ, có chị sự bất hạnh của số phận rơi trúng đầu khi chồng đổ bệnh, con nhỏ, cha mẹ chồng già yếu, mà buông tay thì không nỡ, nên phải giật gấu vá vai, kéo lê từ ngày này sang năm khác…
Số phận của những người đàn bà ấy đã không may, nhưng điều đáng nói, đáng thương và đáng trách là các chị không dám, không đủ dũng cảm để thoát ra cảnh tình ấy, không dũng cảm đòi hỏi người bạn đời phải thay đổi, phải là trụ cột của gia đình, hoặc chí ít, phải đỡ đần cho mình bớt nặng gánh. Không làm được, nên họ phải làm người đàn bà nuôi cả nhà chồng, thứ “hạnh phúc” không ai dám nhận.
Nhí nhố cô nương đã bình luận
thân đàn bà đúng là 12 bến nước.
luyến đã bình luận
đúng là không biết đâu ngày mai thế nào cả