Hợp mốt hay lạc điệu với áo bông chần? Một cuộc hoán đổi chưa hề có trên sàn diễn thời trang, mà chỉ âm thầm có được như suy nghĩ của cô gái tìm mua bông chần tặng mẹ, như cố nhân mặc bông chần giữa Paris. Đơn giản, họ đã tìm thấy một ân tình nào đó để chiếc áo bông chần biết buông giá rét, giữ lấy ấm áp. Nhẹ nhàng và bình dị.
Xưa, chiếc áo bông chần khoác lên cơ thể là chắn gió lạnh mùa đông xứ nhiệt đới. Nay, nó chia ngọt sẻ bùi với bao nhiêu con mắt du khách nước ngoài đến thăm thú cái làng có truyền thống quay tơ dệt lụa.
Có bao nhiêu mùa đông làm cửa ngõ cho áo bông chần ra đi khỏi bàn tay may thêu thiện nghệ? Có bao nhiêu người khoác áo bông chần như một niềm kiêu hãnh của tình thương yêu, lòng tự tôn lao động? Vô số mùa đông. Vô hạn suy tư của người trao người khi cùng ý thức về phẩm giá của một trang phục không chìm vào lãng quên giữa những cải biến thời trang bình dân hoặc thời thượng. Những người khoác áo bông chần ở thời tem phiếu, di chuyển giữa hun hút gió đông bắc, ấm lòng bởi đắp đổi tình thân. Trong một gia đình, ông mặc áo bông chần vải chéo go đen, bà khoác màu vải lanh hoa chần quả trám, cha mẹ cũng bông chần ô vuông…Không chỉ là đồng phục mùa đông do may tay mà có, mà đó còn nhắc nhở về ý nghĩa bền vững gia phong qua một thiết kế tỉ mẩn về đường khâu nhưng quê mùa về chất liệu.
Hồi ức giá rét đính kèm với hồi ức về chiếc áo bông chần thành file kỉ niệm về Hà Nội xưa. Đã có một cuộc triển lãm của nhóm họa sĩ về áo bông chần. Ý tưởng không chỉ là nẻo về với quá khứ giữa mùa đông mà còn là đường hướng mai kia cho những ai mê mẩn bông chần. Mỗi chiếc áo có thể đã gắn với một đời người với đầy đủ khổ, sướng, vui, buồn. Mỗi chiếc áo là kỉ vật thân thương chìm khuất xa lơ xa lắc với một tên gọi định danh nào đó. Mỗi chiếc áo bao bọc thân thể ai đó qua nhiều mùa đông, lưu giữ hơi người như mảnh hồn còn lại.
Nhưng, mai này, ai sẽ là các bà, các mẹ của ngày xưa? Tự tay may áo bông chần cho chồng cho con. Tự thêu họa tiết để chiếc áo thêm nổi bật riêng biệt. Chung thủy với áo bông chần qua nhiều lắm khắc nghiệt đông về rét đến. May thời đo thế, sợ là sẽ đúng giữa rất nhiều lựa chọn công nghiệp thời trang. Hầu như người xem cuộc triển lãm lạ về hình ảnh ấy đã không thôi day dứt về mối quan hệ giữa thời gian và níu kéo đẹp xưa.
Chiếc áo bông gắn liền với người Hà Nội xưa.
Ngang qua làng lụa Vạn Phúc Hà Đông, tìm áo bông chần năm nay trong những cửa tiệm, thấy hiếm. Hiếm vì không may hàng loạt để bán nữa. Những bàn tay của làng nghề đã bắt đầu nơm nớp lo về sự vắng bóng của nó trong nhu cầu mặc của chúng ta.
Có người con gái, đông đến, mua áo bông chần tặng mẹ. Vào giữa làng hỏi mua bông chần, người ta chỉ tay ra cửa hiệu ngoài phố, đến nơi mới thấy đó là những chiếc áo bông chần tồn kho được cất kĩ trên gác. Vô tình một người mua áo bông chần chớm đông này thành một người ưa đồ cổ rõ ràng. Và giá buốt nơi dãy Trường Sơn đã không thể len lỏi vào cơ thể già nua của mẹ khi áo bông chần được độn thêm áo len cao cổ dày ấm. Chiếc áo màu bã trầu, có thêu cách điệu hoa sen ở hai cổ tay, môi mẹ nhuốm đỏ trầu cau bỏm bẻm. Đẹp với dung dáng già nua giữa mênh mang tình làng nghĩa xóm trong một sáng mùa đông trà nước thong dong.
Ngoài áo dài, áo bông chần cũng có thể coi là một đại sứ văn hóa của Việt Nam.
Cách đây đã mấy đông rồi, có người khách tìm đến làng lụa Hà Đông, chọn kĩ cỡ áo bông chần, mua tặng một tri kỉ đang định cư ở Pháp. Ông chọn màu đỏ thẫm, quàng thêm lên cổ áo một chiếc khăn lụa trắng, thành một món quà tơ tằm đến từ Hà Nội. Nghe đâu, giữa kinh đô thời trang châu Âu, cố nhân của ông mặc nguyên cây (mà ông) phối màu ấy để bước vào hội nghị khoa học nghiêm cẩn và chất lượng. Quan khách quốc tế nhận ra bà trong thời khắc là một phụ nữ Việt không chỉ sáng láng về công trình nghiên cứu mà còn đẹp bởi sự chọn lựa bông chần. Ông ngồi ở hàng ghế phía dưới mà thầm nhớ về nụ hôn đầu đời với người ta, rồi thầm hỏi mình: Paris hôm nay có gì lạ?
Làm ra một chiếc áo bông chần bằng đôi tay đòi hỏi tính công phu, khéo léo. Nhiều phụ nữ sống cùng khung cửi đã biết chối từ lối mòn kiểu cách áo cũ để thêm vào đó chút ít sáng tạo, hợp với yêu cầu mặc của thời nay. Họ tích cực kiếm người mua bông chần để đồng cảm sâu sắc với nhóm họa sĩ đã dày công sưu tập một hình ảnh phần nhiều thuộc về kí ức. Khung cửi nào có hay sự trầm tư của chủ nhân còn vì lẽ hiển nhiên: không ai đi khoác áo bông ngày hè! Chỉ có ba tháng cuối năm, để người ta lúng túng chọn lựa thời trang: áo bông chần hay măng-tô, khoác dạ, len cao cấp…
Hợp mốt hay lạc điệu với áo bông chần? Một cuộc hoán đổi chưa hề có trên sàn diễn thời trang, mà chỉ âm thầm có được như suy nghĩ của cô gái tìm mua bông chần tặng mẹ, như cố nhân mặc bông chần giữa Paris. Đơn giản, họ đã tìm thấy một ân tình nào đó để chiếc áo bông chần biết buông giá rét, giữ lấy ấm áp. Nhẹ nhàng và bình dị.