Ông Thọ phải bán nhà và dọn vào ở cuối con hẻm chật chội vì vợ dính vào đề đóm Gia đình, vỡ nợ. Tưởng đã yên ổn, mới đây ông ngã ngửa khi chủ nợ đến đòi mấy chục triệu đồng bà vay nóng để ghi đề.
Nằm ngay trung tâm Sài Gòn, góc phố nhỏ khoảng hơn chục gia đình ở cuối con hẻm đường Nguyễn Trung Ngạn (quận 1) được gọi là “xóm 3Đ” – tức “điếm, đề, đánh lộn” – trước đây từng là điểm nóng về tệ nạn xã hội. Từ khi công an tập trung truy quét, tệ mại dâm ở đây đã giảm hẳn, còn nạn ghi đề đến nay vẫn tồn tại.
Cư dân ở xóm này chủ yếu người miền Tây bỏ ruộng vườn lên thành phố lập nghiệp từ sau năm 1975. Trong khi đa phần các ông chồng chí thú làm ăn thì những bà vợ ở nhà trông con suốt ngày chăm chăm vào đề đóm.
Cứ 4h chiều, xóm có 10 nhà thì hết 9 bật chương trình phát thanh xổ số kiến thiết. Ánh mắt háo hức pha lẫn lo lắng, hồi hộp của những phụ nữ đã trót “bao lô” cứ chăm chắm vào cái máy cassette. Mỗi khi có ai đó trúng số lại hét toáng lên cho cả xóm “chia vui” rồi hớn hở phóng xe đi nhận thưởng. Còn những người lỡ cơ hội lần này lại thở dài “chờ phục thù”.
Chơi đề có tiếng nhất ở xóm này là bà Kiều, vợ của ông Ba Thọ. Bà nổi tiếng không phải vì đánh đề giỏi mà vì kỷ lục bị chồng đánh chửi như cơm bữa. Cứ vài ngày lại thấy ông Thọ lôi vợ ra giữa đường chửi mắng, đánh đập và nhắc lại cái lịch sử đề đóm của bà đã bao lần khiến gia đình tán gia bại sản.
Ông ngậm ngùi kể: “Hồi trước có được cái nhà khang trang ở ngoài mặt tiền ông bà nội cho làm của hồi môn. Cũng tại bà ấy chơi đề mà phải bán nhà, vào cái hóc bò tó này. Vậy mà đến giờ vẫn chưa chừa…”.
Ông cho biết, có lúc bà Kiều còn lấy cả triệu đồng ông dành dụm được để đầu tư vào cái nghiệp may rủi. Khi phát hiện ra, ông giận quá quyết định gửi đơn ra tòa ly dị, nhưng thấy vợ khóc lóc van xin và hứa sẽ chừa, ông lại tha thứ.
Cho đến tháng trước, chủ nợ đến nhà đòi mấy chục triệu đồng bà mượn để đánh đề, nếu không trả sẽ lấy đồ đạc, ông Thọ mới té ngửa. Uất ức quá, ông lôi vợ ra giữa nhà đánh chửi ầm ĩ rồi tống hết quần áo, đồ đạc của bà vào chiếc chậu nhựa cũ đuổi đi. Đến nông nỗi này bà Kiều chỉ biết im lặng, ban đêm trốn sang hàng xóm ngủ, đến sáng chờ lúc ông đi làm, lại quay về nhà nằm co ro.
Cũng vì thừa hưởng cái máu đỏ đen từ cha mẹ mà đến nay gần 50 tuổi, bà Hường đã ly dị hai đời chồng vì không ai chịu nổi cảnh vợ suốt ngày lê la cờ bạc, đề đóm. Chia tay chồng, bà còn một mực giành quyền nuôi con. Hàng ngày bắt ép hai đứa con phải học những ngón nghề “gia truyền” với hy vọng các con lớn lên sẽ sống được nhờ nghề này.
Ông Tư Ngà, hàng xóm sống ở đây cho biết, bà Hường hồi trước xuất thân giàu có, gia đình nên làm ra nhờ nghề ghi đề nên từ nhỏ bà đã chơi và rành rọt từng ngón đề. “Lúc trước người ta ghi đề công khai rầm rộ, đông lắm chứ không như bây giờ. Từ hồi công an truy bắt dữ quá nên chủ đề làm ăn khó hơn”, ông nói.
Bản thân bà Hường cũng khoe, đã có mấy lần trúng cả trăm triệu nhờ bao lô số đề nên sau khi gia đình bỏ nghề, bà vẫn cương quyết theo đuổi cái nghiệp may rủi này. Hôm nào trúng mánh thì bà cười tươi, ăn uống sơn hào hải vị, còn thua thì cáu gắt đánh chửi bới 2 đứa con tàn nhẫn. Rồi cứ thế sau mỗi buổi chiều quay số số xong là một thứ gì đó trong nhà phải ra tiệm cầm đồ, từ sổ đỏ đến xe máy, xe đạp, tivi… lần lượt đội nón ra đi.
Chơi cho đến khi hết tiền thì bà Hường đi mượn nợ. Vay nóng cả trăm triệu đồng mà không trả được, chủ nợ đến siết nhà, mẹ con lại dắt díu nhau đi thuê nhà trọ. Hai đứa con của bà Hường đang học lớp 3 và lớp 8 cũng phải bỏ giữa chừng để theo mẹ lang thang bán vé số kiếm sống. Nhưng hễ đi kiếm được đồng nào, bà lại đổ vào chơi đề với hy vọng gỡ lại.
Mỗi lần kể về gia cảnh mình, My (con lớn của bà Hường) lại ứa nước mắt buồn tủi: “Em chán lắm, cứ mỗi lần em mở miệng khuyên thì mẹ lại bảo hỗn. Nhiều khi cũng muốn bỏ đi cho rồi nhưng nghĩ lại thương mẹ và em”.
Từng chứng kiến nhiều gia đình tan nát vì vợ hoặc chồng dính vào nghiệp đỏ đen may rủi, ông Văn Thanh Sĩ, Chuyên viên tư vấn văn phòng TT&T, Tổng đài 1088 TP HCM nhìn nhận, người mê đánh đề cũng giống như nghiện ma túy rất khó để dứt bỏ vì tâm lý thắng muốn thêm, thua muốn gỡ. Vì thế nếu muốn “chữa” bệnh này cho người bạn đời thì cần phải thực hiện giống như “cắt cơn” đối với bệnh nhân nghiện ma túy vậy.
Ông cho rằng, trước tiên người nhà cần khuyên nhủ và tách người nghiện ra khỏi môi trường cũ, không để họ giữ tiền hoặc tụ tập với bạn bè trong giới đề đóm. Bên cạnh đó, gia đình cần tạo công việc làm cho họ vì khi bận rộn sẽ có ít thời gian nghĩ đến chuyện đỏ đen. Bước tiếp theo, cần khoanh vùng tài sản ngay (có thể là ly thân hoặc ly dị) để tránh “con nghiện” đốt hết tiền của gia đình.
“Hạnh phúc gia đình vẫn là quan trọng nhất, song trong trường hợp này động thái ly thân hoặc ly dị cần phải dứt khoát thực hiện ngay, vừa để khoanh vùng tài sản vừa để buộc người kia phải suy nghĩ lại về hành động sai trái của mình”, ông nói.
Theo ông Sĩ, quá trình “cai nghiện” không chỉ là một sớm một chiều mà đòi hỏi phải kiên trì. Ngay cả khi người nghiện suy nghĩ lại và quay về thì trong vòng một năm sau đó, gia đình cần tiếp tục theo sát để tránh “ngựa quen đường cũ”.