Mỗi lần ve sầu râm ran, nhành phượng già trước sân khoe những chùm hoa đỏ thắm, bụng dạ Thiếu úy Hà Văn Hà – Cán bộ Đồn Biên phòng (ĐBP) Tiểu Dừa (Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng Cà Mau) lại bồn chồn.
Ngoài đồng đội là những chiến sĩ biên phòng xa quê, có lẽ ít ai biết cái cảm giác vào trông, ra ngóng ấy. Riêng Hà thì rõ nhất, chỉ có hè đến, vợ chồng anh mới được gần nhau, sum vầy trong thoáng chốc rồi tiếp tục đợi nhau trong chuỗi ngày mong nhớ.
Khoảnh khắc mong đợi rồi cũng đến. Y như lời đã hứa, cô giáo trẻ Nguyễn Thị Thu Hiền tiếp tục vượt hàng ngàn cây số từ vùng núi biên giới Mường Típ (huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An) vào tận miệt rừng phèn mặn U Minh (tỉnh Cà Mau) thăm Hà, người chồng mà cô hằng mong gặp mặt sau hơn 9 tháng trời xa cách.
Khổ mấy cũng cam
Lần thứ hai lặn lội vào tận miệt rừng tràm Khánh Tiến (U Minh) – nơi đơn vị Hà đóng quân, Hiền đã thành thục đường hơn trước. Nét mặt rạng ngời của Hà khiến Hiền quên mệt mỏi đường xa. Chào hỏi anh em chiến sĩ nơi Hà đóng quân xong, Hiền dùng cơm trưa ngay tại doanh trại, nơi chỉ có mình Hiền là giới nữ.
Như thấu hiểu được tâm tư của đồng đội cùng cảnh nên anh em trong Đồn Biên phòng Tiểu Dừa dành cho đôi vợ chồng trẻ Hà-Hiền một phòng riêng để thỏa ngày mong nhớ.
Tình yêu cũng đẹp như trong phim nhưng cảnh đời như thử thách, trớ trêu với Hà và Hiền. Bởi từ ngày lấy nhau, số lần gặp nhau giữa hai con người ấy cứ thưa dần theo năm tháng…
Hà là người dân tộc Thái, quê ở xã Châu Khê, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An, ngày trước công tác trên vùng biên giới giáp nước bạn Lào thuộc tỉnh Nghệ An. Còn Hiền quê ở TP. Vinh (Nghệ An). Hai người quen nhau qua sự mai mối của một người bạn cùng học ở trường trung cấp Biên phòng 1, sau này công tác cùng đơn vị của Hà.
Cả hai chưa hề gặp mặt, chỉ liên lạc qua thư từ, điện thoại rồi phải lòng nhau. Sau khi ra trường, Hiền không xin được việc ở quê nên vào tận miệt Đồng Nai xin dạy học hợp đồng. Không yên tâm để người yêu bôn ba xứ khác nên Hà thuyết phục Hiền về “đồng cam cộng khổ”.
Đầu năm 2009, hai trái tim đồng điệu nên duyên chồng vợ. “Tụi em quen nhau, yêu nhau rồi đến được với nhau là kỳ công vì gia đình em kịch liệt phản đối. Cha mẹ bảo tánh anh Hà từ tốn, hiền hậu, cư xử lễ nghĩa, không có ác cảm nhưng anh là người dân tộc Thái, phong tục tập quán khác xa với bên em.
Hơn nữa, ảnh làm chiến sĩ Biên phòng, vì nhiệm vụ phải thường xuyên vắng mặt để bám địa bàn, nhiều khi bị luân chuyển địa bàn công tác. Công việc ít gần nhà, gần gia đình, sợ mai này em sẽ khổ.
Khuyên đủ lời nhưng đã yêu anh Hà rồi, yêu màu lính “quân hàm xanh”, khổ mấy em cũng cam chịu. Thuyết phục mãi cha mẹ cũng thuận lòng để tụi em tiến tới hôn nhân”, Hiền thẹn thùng kể.
Sau ngày cưới, đôi vợ chồng son được bên nhau đúng 15 ngày phép, rồi Hà trở về đơn vị (vùng biên giới Kỳ Sơn) tiếp tục nhiệm vụ công tác, còn Hiền làm cô giáo làng ở một xã ngoại ô Đồng Nai.
Buồn cảnh có chồng nhưng “phòng không chiếc bóng”, không lâu sau ngày cưới, Hiền viết đơn tình nguyện xin lên vùng biên giới Mường Típ dạy học, những mong sớm hôm được gần chồng.
“Mang tiếng gần chồng chứ nơi em dạy ở tận Trường tiểu học Mường Típ, cách chỗ anh Hà đóng quân hơn 60 km đường rừng núi, đi lại rất khó khăn, hiểm trở. Vì vậy, tụi em ít khi được gần nhau, nhiều khi ảnh bận việc đơn vị đột xuất phải 3 – 4 tháng mới được gặp nhau một lần…”, Hiền bỏ dở câu nói, nhìn Hà bẽn lẽn.
Thiếu úy Hà tiếp lời vợ, giọng ngượng ngùng: “Nói thiệt anh đừng cười, thời điểm ấy tụi em định có con để khi em vắng nhà, vợ em còn có nguồn vui, nguồn động viên, an ủi. Ai dè kế hoạch chưa kịp thực hiện thì em nhận lệnh của cấp trên tăng cường vào miệt rừng Cà Mau công tác. Lúc đó, tụi em cưới nhau vừa tròn 7 tháng”.
Ngày Hà nhận lệnh vào Cà Mau công tác, Hiền như sét đánh ngang tai. Hà cũng bùi ngùi, chân đi mà lòng không muốn bước. Thấu hiểu được tâm tư ấy, gia đình hai bên động viên Hà cố gắng hoàn thành nhiệm vụ để sớm được về gần vợ.
Thương chồng, mong được gần chồng nhưng vì sứ mệnh thiêng liêng của người lính, Hiền nén nỗi buồn để Hà lên đường làm tròn nhiệm vụ. Lúc chia tay, dòng tộc 2 bên ôm trầm lấy Hà, chỉ riêng có Hiền là không đưa tiễn, một mình trốn trong buồng, khóc thút thít.
Chia nhau lo việc chung
Thi nhân có câu: “Cái nhớ hình dung nó thế nào/ Để lòng thương nhớ ngẩn ngơ sao/ Em về bốn bữa dài năm tháng/Để anh tương tư não ruột sầu”. Không sầu não như nhân vật trong đoạn thơ trên mà trái lại, tình yêu của Hà và Hiền như sợi dây càng xa nhau càng siết chặt hơn.
Dù không ai bảo ai nhưng nơi hậu phương, ngày ngày Hiền vẫn miệt mài đứng lớp, gieo cái chữ cho con em đồng bào dân tộc miền núi. Còn với Hà, nỗi nhớ quê, nhớ vợ… như tiếp thêm động lực để anh “chắc tay súng” nơi tiền tuyến, ngày đêm không mệt mỏi bám nắm địa bàn, gần dân hơn, sâu sát dân hơn, được nhân dân vùng đất cực Nam Tổ quốc quý mến, tin yêu.
Không thổ lộ cùng ai chuyện thầm kín trong lòng, Hà dành phần lớn thời gian cho công việc ở địa bàn mới như muốn khỏa lấp bớt nổi niềm xa gia đình, xa người vợ trẻ…
Công việc bận bịu là thế nhưng Hà và Hiền vẫn có phút riêng tư trong điều kiện cách mặt nhưng không thay lòng. Đường dây liên lạc của Hà và Hiền nhờ những cánh thư tay gửi muộn, những cuộc điện thoại về khuya… Song, chừng ấy câu chữ không làm dịu đi hai đầu nỗi nhớ.
Hè năm 2010 rồi 2011, Hiền tiếp tục vượt đường xa vạn dặm vào tận nơi gặp Hà. Tuy có điện thoại cầm tay để liên lạc, có địa chỉ cụ thể hẳn hoi… nhưng phải lên xuống tàu xe gần cả chục bận, Hiền mới đến được nơi đơn vị Hà đóng quân.
Hiền tâm sự: “Thấy điều kiện xa xôi, đi lại khó khăn vất vả của vùng rừng tràm heo hút, em càng thương anh ấy nhiều hơn. Nơi đây điều kiện đi lại không khác mấy so với vùng biên giới nơi em dạy học. Tuy dân cư sinh sống có nhỉnh hơn đôi chút nhưng đi lại vẫn khó khăn, xa chợ, xa trung tâm tỉnh lỵ, thông tin, báo chí cũng chậm tới”.
Gần vợ, có quyến luyến nhưng Hà không bỏ địa bàn, sao nhãng nhiệm vụ được giao phó. Biết công việc bộn bề nên lúc Hà công tác địa bàn, như lần vào thăm đầu tiên, Hiền phụ anh em, chiến sĩ ở Đồn Biên phòng Tiểu Dừa dọn cỏ, quét sân, bếp núc.
Hiền nói như tự hào: “Ở doanh trại toàn là nam giới nhưng mấy ảnh khéo tay hơn cả cánh phụ nữ của tụi em. Cái gì cũng gọn gàng, sạch sẽ, ngăn nắp… không chê vào đâu được. Ngay cả chuyện nấu ăn, món nào mấy anh cũng biết, nhiều món nấu rất ngon là khác.
Đúng là được đào tạo trong quân ngũ có khác. Nơi đây, phần lớn anh em chiến sĩ trong đơn vị của ảnh đều xa nhà, xa quê nhưng coi nhau không khác gì người thân trong gia đình, luôn thấu hiểu, cảm thông, chia sẻ. Em vừa mừng, vừa yên tâm vì đã đặt niềm tin đúng chỗ”.
Nhành phượng đầy lá tươi non thay cho những sắc hoa đỏ thắm báo hiệu thêm một mùa hè nữa trôi qua, Hiền tiếp tục chuỗi ngày xa chồng, trở về với trường, với những em học sinh khó khăn vùng biên giới, còn Hà tiếp tục cùng đơn vị bám dân, giữ yên vùng biển Tây Nam.
Hiền tâm sự: “Biết cái nhớ cả năm không thể bù trong vài tháng hè ngắn ngủi, nhưng chừng ấy thời gian cũng là quý lắm với tụi em. Có lẽ lính Biên phòng là vậy, các anh luôn đặt nhiệm vụ thiêng liêng của đất nước lên hàng đầu. Cũng như em, không thể bỏ trường, bỏ lớp được. Hè sau, em tiếp tục vào thăm anh”.
Hôm đưa Hiền ra tận bến xe Cà Mau, Hà không nói được lời nào, tay siết chặt vợ. Bóng dáng của hai con người ấy khuất dần theo từng vòng lăn của bánh xe, nỗi nhớ về nhau như trực trào trên khóe mắt. Đôi vợ chồng trẻ ấy một lần nữa xa nhau, người bám biển, người ở non, chia nhau gánh vác công việc chung được giao phó…
Thời gian thoi đưa, thêm một mùa hè đến muộn. Hà tiếp tục ngóng vợ nhưng hơn một tuần đầu hè trôi qua, Hiền vẫn không xuất hiện. Ngày cuối tuần ấy, Hà buồn bã, ở miết ngoài thao trường. Rồi bất ngờ chuông điện thoại reo vang, Hà nghe máy mà sung sướng quay cuồng, muốn thét thật to cho mọi người cùng biết.
Bên đầu dây cách xa hàng ngàn dặm đường bên kia, Hiền cho hay vừa hạ sanh em bé, giống Hà như 2 giọt nước. Đã 3 tháng trôi qua mà đến giờ, chuyện Hiền có con vẫn còn làm Hà vui hoài trong bụng.
Đó cũng là kết tinh tốt đẹp chuyến Hiền vào thăm Hà mùa hè năm trước, cũng là thành quả của một tình yêu cách trở nhưng lòng luôn hướng về nhau. Qua điện thoại, Hà cho hay anh rất vui mừng, niềm vui trào dâng tột độ và mong mỏi đến ngày cận Tết được về phép thăm Hiền, thăm con thơ.
Chiến sĩ, cán bộ mang quân hàm xanh phải như vậy, tư tưởng lúc nào cũng phải vững vàng, chấp nhận sóng gió, hiểm nguy, sẵn sàng đương đầu trong mọi tình huống. Anh em, chiến sĩ ở đây cũng như một số đơn vị khác, cũng có người xa gia đình, xa quê, lâu lâu mới gặp một lần.
Song, được cái quý là những người vợ, các chị, các mẹ… ở hậu phương luôn thấu hiểu và cảm thông cho nhiệm vụ đặc thù của người lính Biên phòng.
Tình thương yêu của họ góp phần tiếp thêm sức mạnh giúp người lính Biên phòng vững vàng hơn nơi đầu sóng, ngọn gió ở chiến tuyến xa xôi – Trung tá Nguyễn Minh Hoa, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Tiểu Dừa, tự hào cho biết.
tinh yeu vo linh đã bình luận
Chuyện thât lam ngưoi cam động. Vợ lính là thế. Yêu lính là thế. Ngày xưa tôi còn khổ hơn bạn nhiều. 7 năm yeu nhau cộng tổng thời gian khoảng 3 ngày gần nhau. Toi còn nhớ có chị ban bảo nếu NẾU HAI ĐỨA LẤY NHAU THÌ CHỊ SẼ VIẾT TIỂU THUYẾT. Có lúc chúng tôi 2 năm mới gặp nhau chỉ có thư… 12 năm vợ chồng. 8 năm xa cách Cưới xong, 5 ngày Anh đi. Anh về, con 3 tháng. Tiễn chồng lên xe đứng giữa đường 1A khóc. Còi xe inh ỏi. Lần sinh thứ 2 con gái lớn ốm, mẹ con cùng xuống trạm yte. Nhìn mẹ quằn quại con hết hồn. Bà Nội gọi điện cho chồng. Chỉ huy đơn vị bảo ĐỒNG CHÍ ẤY KHÔNG VỀ ĐƯỢC ĐƠN VỊ TRỰC CHIẾN. TÂY NGUYÊN BẠO LOẠN. Không thèm khóc nhìn sang phòng bên xem con lớn ở đâu.nnước mắt chảy thầm động viên khiếp sau không lấy chồng bộ đội. Hai bà già đầu bạc hai lần nửa đêm chở cọn dâu, con gái vượt can bằng xe đạp mà chân thì cái cao cái thấp………Thời bình đấy !!!!!!!!……Ai muốn nghe nữa không chưa tùng thấy cái khổ nào hơn sụ xa cách…………