Ngày nhiều quần áo, ông cho cả vào máy giặt. Nhưng ngày nào có ít quần áo, ông ngâm rồi giặt bằng tay. Ông chẳng bao giờ ngần ngại giặt đồ của con dâu.
Mấy năm trước, chị Nguyên mất rất nhiều thời gian “cân, đo, đong, đếm” để lựa chọn một trong hai người đàn ông đến với chị. Anh Phong chiếm thế thượng phong nhưng người mà chị có cảm tình hơn lại là anh Hùng.
Tuy nhiên, anh Hùng có một yếu điểm rất lớn đó chính là ông bố. Trong con mắt của chị, bố anh Hùng rất khó tính, cẩn thận và chỉn chu quá mức. Ngoài ra, chị thấy ông còn mắc bệnh hay dò xét. Mẹ anh mất từ sớm, một mình ông nuôi con nên có lẽ ông cũng mắc nhiều chứng bệnh của đàn bà.
Nhưng vì anh Hùng mới là người chị yêu nên chị quyết định đến với anh dù vẫn e ngại ông bố.
Khi mới về làm dâu, lúc nào chị cũng có cảm giác khó chịu, lúc nào cũng cảm nhận có ánh mắt luôn dõi theo. Đúng là như vậy, hễ chị làm sai điều gì dù nhỏ nhặt, y như rằng ông bố chồng bất thình lình xuất hiện và nhắc nhở.
Có hôm, vừa vứt cuộng rau vào thùng rác, chị sực nhớ, lẽ ra chị phải để vào thùng nước gạo. Chưa kịp sửa sai thì bố chồng chị đã xuất hiện rồi nói: “Từ lần sau con nhớ vứt cuộng rau vào thùng nước gạo. Bà Bắc xin về để nuôi lợn. Nhà mình bỏ đi cũng phí con ạ”.
Bố chồng chị quy định chậu rửa rau sống riêng, chậu rửa đồ ăn riêng. Một lần, chị rửa rau sống nhầm vào chậu rửa bình thường, bố chồng chị lại đến chỉnh đốn ngay. Chị cảm thấy vô cùng khó chịu.
Chị phàn nàn với chồng, anh chỉ buồn buồn nói: “Bố không có ý gì đâu. Tính bố cẩn thận, tỉ mỉ nên mới thế, chứ thực lòng, bố yêu thương con cái lắm. Bố chẳng bao giờ nề hà việc gì nên em cũng cố gắng. Chỉ cần để ý một chút thôi mà. Nhà chỉ có ba người nên cố mà thương yêu nhau em ạ”.
Sống lâu dần, chị cũng thấy chồng nói đúng. Bố chồng chị tỉ mỉ hơi thái quá nhưng ông rất yêu thương các con. Chị là con dâu mà ông cư xử chẳng khác gì con đẻ.
Một lần, anh có việc đi công tác xa, chị tự dưng lăn ra ốm. Bố mẹ chị lại đi du lịch. Ở nhà chỉ có bố chồng, nàng dâu vậy mà chị được chăm sóc rất chu đáo. Hàng ngày, bố chồng chị đi bộ khá xa để mua cháo ngon cho chị ăn. Việc nhà ông lo rất chu toàn. Thậm chí, quần áo chị thay ra, ông cũng tự tay giặt. Nhìn ông hì hụi giặt cả quần lót của chị, chị lao vào trong phòng khóc rưng rức. Chị tự hỏi không biết chị tu bao nhiêu kiếp mà có được người bố chồng tuyệt vời đến như vậy.
Chị Lan cũng may mắn khi có được bố chồng “trong mơ”. Hàng ngày, vì mẹ chồng chị bận chăm hai đứa con sinh đôi của chị nên việc nhà đè nặng lên vai ông. Ngày nhiều quần áo, ông cho cả vào máy giặt. Nhưng ngày nào có ít quần áo, ông ngâm rồi giặt bằng tay. Ông chẳng bao giờ ngần ngại giặt đồ của con dâu.
Chị Lan chia sẻ: “Tôi không làm tròn nghĩa vụ của con dâu trong gia đình khi đùn việc chăm con cái cho mẹ chồng, đùn việc nhà cho bố chồng. Nhưng cơ hội không đến nhiều, hiện tại, công việc của tôi tiến triển rất tốt. Tôi phải tranh thủ kiếm một chút để lo cho gia đình”.
“Các bạn không hiểu được cảm giác tận mắt nhìn bố chồng một tay đổ xà phòng, một tay vặn nước để giặt cả đồ lót cho con dâu đâu. Cảm giác ấm áp lắm. Nhiều lúc tôi thấy ông hình như không phải bố chồng mà chính là người mẹ dứt ruột đẻ ra tôi”.
Chị Lan cho biết, có lẽ dành cả phần đời này chị cũng không thể đền đáp được tình yêu thương bình dị nhưng rất đỗi lớn lao mà bố mẹ chồng chị đã dành cho chị. Chị chẳng biết làm gì hơn ngoài việc chăm chỉ làm việc, ngoan ngoãn. Và gia đình chị luôn luôn tràn ngập tiếng cười.
Gia đình anh Hùng, chị Nguyên cũng vậy. Từ sau sự cố ở nhà một mình với bố chồng, chị thấy hiểu và yêu thương ông hơn. Chị cũng thấy mình phải có trách nhiệm với gia đình nhỏ nhiều hơn. Nếu trước đây, chị hay bóng gió về việc đòi ra ở riêng thì bây giờ, có lúc anh nhắc tới, chị lại gạt phăng đi. Chị đang giục anh chuẩn bị “cơ sở vật chất” để sinh được một con thật kháu khỉnh cho ông bồng bế, vui tuổi già.
Chị tâm sự: “Đến lúc này, tôi mới thật sự hiểu thế nào là hạnh phúc gia đình. Đó là sự yêu thương lẫn nhau. Và tình yêu đó chỉ thể hiện qua những điều nhỏ nhặt nhất”.
luyến đã bình luận
hay thật đúng là rát hạnh phúc