Sau một thời gian khá dài sau khi mẹ mất ba tôi cưới dì về, dân gian có câu nói rằng: “mấy đời bánh đúc có xương, mấy đời dì ghẻ mà thương con chồng”, câu nói đó làm tôi hiểu lầm dì trong suốt thời gian đầu chung sống.
Thực ra, việc ba lấy vợ thì phận làm con đành phải chịu chứ thâm tâm con lúc bấy giờ không bao giờ muốn có sự hiện diện của người ngoài xen vô tình cảm cha con. Mấy tháng đầu, con bỗng cảm thấy bị hụt hẫng, đôi khi buồn tủi bởi cuộc sống gia đình ít nhiều bị xáo trộn. Không ít lần vắng ba, con đã chống đối dì ra mặt.
Rồi một lần con bệnh cả tuần lễ, dì lo lắng thuốc thang, chăm sóc hết lòng như người mẹ ruột, thế nhưng khi hết bệnh rồi, chẳng hiểu sao con luôn nghĩ đó chỉ là đạo đức bề ngoài, bởi “mấy đời bánh đúc có xương…’’.
Sau đó, con biết dì luôn tìm cách gần gũi chị em con, làm tất cả mọi việc để lấy lòng, song lúc nào con cũng cảm thấy giữa con với dì có một khoảng cách xa vời. Thằng Tuấn tỏ ra mến dì, nhưng con đã “nhồi nhét’’ cho nó hiểu rõ thế nào là “mẹ ghẻ’’ và luôn nghiêm khắc với nó nên nó sợ con mà chẳng gần dì.
Con biết ba luôn chịu áp lực nặng nề, song ba cũng chẳng tìm được cách nào hữu hiệu để cắt đứt sợi dây chia rẽ vô tình ấy, bởi ba biết tính con bướng bỉnh, cứng đầu, luôn đem hình ảnh mẹ ra lung lạc ý chí ba để làm bình phong che chắn khuyết điểm của mình.
Vì lẽ đó mà ba đã gửi hai con cho bà ngoại với lý do “gần trường có điều kiện học hành hơn’’. Trái lại, ngoại rất bênh dì, luôn tìm mọi cách bào chữa, che chở trong khi con chẳng ưa dì chút nào.
Chỉ đến một ngày gần cuối năm học lớp 12, đi học về tới sân, con nghe được câu chuyện giữa dì và ngoại thủ thỉ với nhau dưới bếp. Ngoại hỏi: “Sao con chẳng có thai, có nghén gì vậy?’’.
Ngập ngừng một chặp rồi giọng dì nghẹn ngào: “Con nói thật với má, con đã triệt sản ngay sau khi về với anh ấy’’. Ngoại bất ngờ: “Sao con lại làm thế?’’. Dì thanh minh: “Tâm niệm của con là muốn dành hết tình thương cho hai đứa con chồng, bởi con rất sợ xảy ra chuyện con riêng, con chung rất bất lợi…’’.
Ngoại thở dài: “Nhưng cái Lương nó ngang ngạnh quá, má cũng rất buồn’’. Tiếng dì: “Không sao đâu má, thời gian có lẽ sẽ làm con nó hiểu mà’’. Nghe đến đó, mặt con bỗng tối sầm, lương tâm con bỗng thức tỉnh. Thì ra, mấy năm qua mình quá hẹp hòi, ích kỷ mà không nhận ra tình thương vô bờ của người mẹ kế, con muốn chạy vào ôm lấy dì mà tạ lỗi, nhưng chưa dám…
Vài bữa sau, con bất ngờ xin cho chị em trở về ở với ba, với dì, nguyên do là từ câu chuyện nghe lén ấy, con đã thay đổi cách đối xử với dì. Lần đầu tiên con và em con kêu dì tiếng “mẹ’’, dì đã bật khóc nức nở như chưa bao giờ được khóc, có lẽ đó là phút giây hạnh phúc nhất trong suốt 3 năm làm “dì ghẻ’’! Kể từ ngày đó, gia đình ta ấm êm, hạnh phúc như ngày mẹ ruột con còn sống, ba vui, dì vui, chị em con vui, cả nhà luôn rộn ràng tiếng cười, tiếng nói cho dù cuộc sống đôi khi cũng thiếu thốn, chật vật.
Dì và ba nuôi chị em con ăn học nên người, chưa trả được chút công lao gì thì con đã lấy chồng xa. Em con cũng vậy, xong đại học, nhà trường giữ lại làm giảng viên, mỗi năm chị em chỉ về thăm được vài lần ngắn ngủi, khi ấy con mới hiểu ra là tuổi già của ba rất cần có dì.
Những lời chân thật tự đáy lòng, con gởi riêng cho dì qua bài viết ngắn này cũng là lời tạ tội với người mẹ kế, hãy tha thứ cho con. Chị em con cám ơn dì rất nhiều bởi dì đã hy sinh cả cuộc đời, kể cả thiên chức làm mẹ vì gia đình con và nhất là nhờ tình thương bao la của dì mà con đã xoá bỏ được định kiến trong xã hội xưa và nay rằng “Mấy đời dì ghẻ lại thương con chồng’’.