Cứ tưởng lấy vợ xong, mình sẽ yên ổn mà phát triển sự nghiệp ai dè giờ mình đau hết cả đầu mỗi khi lết về nhà…
Sau 4 tháng anh Quang (Hà Đông, Hà Nội) lập gia đình, đồng nghiệp ai cũng phải giật mình vì sự xuống phong độ “không phanh” của anh.
Trước anh nhanh nhẹn là thế, sếp giao việc gì, anh cũng hoàn thành vượt chỉ tiêu và trước thời hạn. Thế mà, sau khi lấy vợ, anh đâm ì ạch, các hợp đồng với đối tác liên tục bị “hụt”. Nếu không có những cống hiến trước đây thì khả năng anh bị cho thôi việc là rất cao.
Rất lấy làm lạ với thần sắc cũng như hiệu quả công việc của “chiến tướng”, sếp mới ra rủ rỉ, hỏi han. Ban đầu anh giấu nhưng sau anh đành tâm sự thật: “Cứ tưởng lấy vợ xong, mình sẽ yên ổn mà phát triển sự nghiệp ai dè giờ mình đau hết cả đầu mỗi khi lết về nhà”.
Hóa ra anh Quang bị mẹ và vợ “hành”. Anh kể: “Vừa hí hoáy mở cửa là hết mẹ ra rồi vợ nhấm nháy gọi vào phòng vạch tội của nhau”.
Mẹ anh gốc gác là dân lao động, bà quý trọng tiền của nên ít nhiều tiết kiệm. Còn Bích – vợ anh đường đường là con nhà tiểu thư, “nhà mặt phố bố làm to”. Ngay từ bé, Bích đã quen được nuông chiều nên chị cũng bê nguyên nếp sinh hoạt cũ về nhà chồng.
Mẹ anh xót xa mỗi khi con dâu xả nước ầm ầm để tưới cây. Còn Bích nhăn nhó mỗi khi nhìn bữa cơm đạm bạc nhà chồng mỗi tối.
Mâu thuẫn lên đến đỉnh điểm khi vợ anh có bầu. Vì sợ chị mệt mỏi nên bố mẹ đẻ giục giã chị nghỉ việc dưỡng thai. Chị đồng ý nhưng không muốn nhà chồng biết nên chị ngày ngày về nhà mẹ đẻ, tối thì anh Quang đón về nhà chồng.
Một thời gian ngắn sau, sự việc bị bại lộ. Mấy lần, bố mẹ chồng đèo nhau đi mua đồ ngang qua nhà chị, họ thấy cô con dâu vừa ngồi ăn quà vặt vừa “chém gió” với hàng xóm.
Chứng kiến không dưới 4 lần khiến bà sinh nghi. Bà hỏi thẳng anh con trai thì anh cũng phải nói thật. Mẹ anh nổi giận rồi bóng gió: “Khổ thân con mình, đã gầy như xác ve lại còn đèo bòng thêm một con vợ lười”.
Câu nói này lọt đến tai Bích, chị làm ầm lên rằng: “Con chưa từng ngửa tay ra xin nhà ta một xu nhé”. Chưa hết, mẹ anh Quang còn đem chuyện đó nói qua nói lại với họ hàng. Tức khí, chị ôm đồ về nhà bố mẹ đẻ.
“Khuyên mãi nhưng vợ mình chẳng nghe. Cô ấy còn nói cho mình chọn: một là mẹ, hai là vợ. Mình chẳng còn biết phải làm thế nào nữa. Không khí gia đình căng như dây đàn. Con sắp sinh mà nhà bao chuyện mệt mỏi”, anh lắc đầu chia sẻ.
Anh Lương (Hòa Mã, Hà Nội) cũng nằm trong cảnh khó sống khi một bên là mẹ, một bên là vợ.
Trước, anh tự hào lắm khi vợ anh, là chị Thảo, rất hòa thuận và hiếu nghĩa với bố mẹ chồng. Thế nhưng cuộc chiến trong gia đình anh bắt đầu bùng nổ khi đứa bé con anh chị chào đời.
Lúc mới sinh, bé hay bị sụt sịt, chị lo ngay ngáy, chị thuê hẳn một bác sĩ ở bệnh viện quốc tế một tuần thăm khám 1 lần.
Chưa hết, chị không đồng ý cho ai đưa bé ra ngoài khi trời hơi lạnh, hơi nóng. Ông bà nội không hài lòng ra mặt với cách giữ con của chị.
Hai cụ nhắn anh con trai: “Con phải bảo vợ con chứ ai đời giữ con như thế bao giờ không? Giữ thế chẳng khác nào nhốt con trong tủ kính, bảo sao bé mới xanh xao thế kia. Chẳng có ai phải mời bác sĩ liên tục như các con cả. Đúng là rửng mỡ, thừa tiền”.
Chị biết bố mẹ chồng không đồng ý nhưng chị kệ. Với chị, sức khỏe của con quan trọng hơn mọi thứ.
Một lần, chị đi công tác xa vài ngày. Lúc gọi điện về, chị nghe tiếng con ho mấy hồi liền hỏi thì mẹ chồng. Bà bảo: “Trẻ con ho là chuyện bình thường, tự khắc khỏi, con không phải lo bò trắng răng”.
Chị không yên tâm gọi điện cho chồng bảo anh chú ý tới con và gọi điện ngay cho chị nếu có điều gì bất thường. Nhưng chẳng thấy cuộc gọi nào, chị tạm yên tâm.
2 ngày sau về, chị hoảng hốt thấy con nằm thở khò khè trong ánh mắt lo lắng của cả nhà. Đưa con đi khám chị mới biết con bị viêm phổi. Chị khóc nức nở nói với chồng: “Nếu để tự khỏi thì giờ con thế nào hả anh?”
Chị bực mình ôm con về nhà mẹ đẻ ở. Bố mẹ chồng thấy thái độ của con dâu cũng khó chịu ra mặt. Anh Lương đau đầu mỗi khi mẹ chồng than thở: “Con vợ mày hỗn lắm đấy”.
Còn vợ anh chẳng kém, suốt ngày ỉ ôi với anh: “Ông bà nhà anh đúng là vô trách nhiệm”.
luyến đã bình luận
cái này phải do mỗi người hiểu nhau 1 tý