“Phải đảm đương cùng lúc vai trò của người cha và người mẹ thật khó, trong khi vẫn phải học cách làm bạn với con để giữa hai thế hệ không có sự lệch pha: người cha một mình nuôi con cần nỗ lực gấp 3 lần người cha bình thường”.
Lâm vào cảnh “gà trống nuôi con” là điều không ai muốn. Thế nhưng, vì hoàn cảnh bắt buộc, nhiều ông bố tưởng chừng như không kham nổi lại có thể đảm đương, chu toàn công việc chăm sóc, nuôi dưỡng con cái một cách thuần thục.
Nhọc nhằn
Đã gần 3 năm nay, anh Nguyễn Minh H – nhân viên của một công ty sản xuất thức ăn nuôi tôm ở Nha Trang (Khánh Hòa) một mình cáng đáng việc nhà, nuôi 2 cô con gái, 6 tuổi và 4 tuổi. Vợ anh mất sau một tai nạn giao thông, lúc đó đứa con gái út còn chưa cai sữa.
Ai cũng cám cảnh cho ba cha con anh. Nén đau thương, anh H cố gắng thu xếp để vừa đi làm kiếm tiền vừa nuôi con nhỏ. Ban ngày, 2 con đi nhà trẻ. Chiều, anh đón chúng về, vừa nấu ăn vừa dọn dẹp nhà cửa. Được cái, 2 cô con gái của anh rất ngoan.
Anh H kể: “3 năm nay, hầu như tôi không biết đến quán cà phê hay nhậu nhẹt với bạn bè. Ngày nào cũng vậy, hết giờ làm, tôi tranh thủ về với con. Chúng mất mẹ quá sớm nên tôi muốn bù đắp lại cho các con bằng tất cả tình thương của mình. Nhiều đêm, cô con gái út nằm mơ, bật khóc gọi mẹ, lòng tôi như xát muối…”.
Khổ nhất là khi các con “rủ” nhau cùng bị bệnh, anh cuống cuồng với hàng núi công việc và gần như thức trắng đêm bên các con. Bù lại, tuy vắng bóng người phụ nữ trong gia đình nhưng nhà anh lúc nào cũng tươm tất, gọn gàng. Tuy các con còn bé nhưng anh H luôn dạy cho con tính tự lập theo kiểu “tuổi nhỏ làm việc nhỏ, tùy theo sức của mình”.
“Lúc trước, khi cô ấy còn sống, tôi hầu như không phải đụng vào việc gì. Vậy mà bây giờ, tôi vừa là bố vừa là mẹ của các con, việc gì cũng làm được, nhiều khi tôi thấy ngạc nhiên về chính mình…” – anh H tâm sự.
Bạn bè thấy cảnh “gà trống nuôi con” của anh khá nhọc nhằn nên có ý vun vén cho anh “đi bước nữa” nhưng anh H chưa nghĩ đến. “Không phải là tôi khó tính nhưng thực ra, kiếm được người thực sự thương và lo lắng cho các con tôi không phải là điều đơn giản” – anh H chia sẻ.
Ông bố đảm
Cùng cảnh ngộ với anh H, anh Thành – nhân viên khách sạn C (TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) cũng là một ông bố cực kỳ giỏi giang, quán xuyến việc nhà cửa, con cái. Vợ chồng anh chia tay khi con gái anh vừa tròn 2 tuổi. Lúc đầu, vợ anh nuôi con. Sau đó, vợ anh lập gia đình với một Việt kiều Mỹ. Do ông này không muốn đưa con riêng của vợ sang bên đó nên vợ anh giao con gái lại cho anh. Anh đón con về nuôi lúc bé Thỏ được gần 5 tuổi.
Bao lâu nay quen với nếp sống độc thân, giờ có con nhỏ, anh gần như phải thay đổi toàn bộ thời khóa biểu của mình: Sáng tranh thủ dậy sớm đi chợ nấu ăn, sau đó đưa con đến trường rồi anh đi làm, chiều về hai bố con ăn cơm với nhau, tối đến anh kèm con học…
Thời gian đầu, mỗi lần bạn bè rủ đi “làm vài chai”, anh đưa cả con đi cùng. Cứ tưởng con còn nhỏ, không biết gì, các anh cứ bô bô nói chuyện tầm phào, ai ngờ con bé thuộc lòng những câu chuyện của người lớn. Thấy không ổn, anh Thành tự “tiết chế”, ít đi nhậu hơn, khi nào được nghỉ làm, anh cho con đi công viên hoặc đi nhà sách. Anh cũng chú ý hơn đến tâm lý của con gái và luôn suy nghĩ, lựa lời giải thích cho phù hợp với những thắc mắc của bé.
“Bé bắt đầu đến tuổi khám phá cơ thể nên thường có những câu hỏi vừa ngây ngô vừa cắc cớ. Chẳng hạn có lần bé hỏi tôi tại sao trong lớp các bạn nam khi “đi tè” lại đứng, còn các bạn gái lại ngồi? Tại sao phụ nữ cho con bú được còn đàn ông thì không? Tôi giải thích cho cháu hiểu vì cơ thể của đàn ông và đàn bà được tạo hóa tạo ra hoàn toàn khác nhau. Khó nhất là những câu hỏi của cháu về mẹ. Cháu thường hỏi tại sao mẹ không nuôi con, có phải vì mẹ không còn thương con nữa? Tại sao không thấy mẹ về chơi với con?… Nghe con hỏi, tôi cảm thấy đau lòng và thấy có lỗi với con?…” – anh Thành kể. Chưa kể, nhiều lúc bé còn đòi… có em để chơi, anh Thành chưa biết giải thích thế nào thì bé nói luôn: “Ba cưới vợ rồi đẻ em bé đi!”. Thế nhưng, cứ thấy ba đưa cô nào về nhà chơi là y như rằng có “chiến tranh lạnh” xảy ra vì bé Thỏ dỗi hờn đủ kiểu, sợ ba… bỏ rơi mình.
Nỗi khổ cảnh “gà trống nuôi con”
Với các ông bố nuôi con trai, mọi việc có vẻ đơn giản hơn. Từ khi vợ chồng ly hôn, anh T.L (đường Trần Bình Trọng, Nha Trang) sống với con trai, khi đó bé Toàn đã 10 tuổi. Hai cha con, thích thì nấu cơm, không thì ăn cơm bụi. Những chuyện thầm kín của đàn ông cũng được hai cha con thoải mái trao đổi. Bây giờ Toàn đã thành cậu học trò cấp III, cao lớn, chững chạc.
Anh L tâm sự: “Mình lúc nào cũng tưởng con còn nhỏ cho đến khi tình cờ phát hiện trong cặp con có thư tỏ tình của bạn gái thì mới… giật mình. Chưa nghe cu cậu tâm sự nhưng mình cứ “răn đe”, phải lo học để đậu vào đại học, lúc đó rồi mới nói chuyện yêu đương. Khổ nỗi, bây giờ các cô các cậu cũng bày ra đủ trò nên quản con không phải dễ”. Chưa kể, như nhiều bạn cùng lứa, con trai anh L cũng mê chơi điện tử. Vì thế, anh phải theo sát con để uốn nắn kịp thời.
“Vừa làm bố vừa làm mẹ thật khó, với con cái ở tuổi dậy thì, đôi khi còn phải học cách làm bạn với con để giữa hai cha con không có khoảng cách” – anh L kết luận. Trong khi đó, các ông bố có con gái đang trong lứa tuổi teen gặp nhiều khó khăn hơn. Nhiều ông bố cho biết, khi con gái có dấu hiệu đầu tiên trở thành “người lớn”, họ cảm thấy lúng túng thật sự, không biết phải chỉ bảo cho con như thế nào.
Theo các chuyên gia tâm lý, những đứa con sống trong cảnh gia đình thiếu mẹ như thế thường chịu nhiều ảnh hưởng từ người cha, chúng rất mạnh mẽ, bản lĩnh, biết cách vượt qua khó khăn nhưng lại hơi có phần “thô ráp”. Vì thế, các ông bố “gà trống nuôi con” ngoài việc bổ sung thiên chức của người mẹ trong việc chăm sóc con cái còn cần phải có sự tinh tế để có thể hiểu con hơn. Mặt khác, các ông bố nên sắp xếp thời gian cho khoa học để dung hòa giữa công việc và gia đình, đôi khi cũng cần dành cho mình “khoảng trời riêng” cần thiết để không bị áp lực bởi gánh nặng gia đình.
Những đứa con sống trong cảnh gia đình thiếu mẹ như thế thường chịu nhiều ảnh hưởng từ người cha, chúng rất mạnh mẽ, bản lĩnh, biết cách vượt qua khó khăn nhưng lại hơi có phần “thô ráp”. Vì thế, các ông bố “gà trống nuôi con” ngoài việc bổ sung thiên chức của người mẹ trong việc chăm sóc con cái còn cần phải có sự tinh tế để có thể hiểu con hơn. Mặt khác, các ông bố nên sắp xếp thời gian cho khoa học để dung hòa giữa công việc và gia đình.