Rối loạn chuyển hóa mỡ hay máu nhiễm mỡ được nhắc đến ngày càng nhiều hơn bởi số lượng người mắc bệnh này đang tăng lên, nó trở thành vấn đề sức khỏe đáng lo ngại.
Viện Dinh dưỡng Quốc gia vừa công bố kết quả nghiên cứu về rối loạn mỡ máu ở những người trưởng thành có độ tuổi từ 25-74 có tỷ lệ tăng cao chiếm 26%. Riêng khu vực 2 thành phố lớn Hà Nội, TP.HCM tỷ lệ này lên đến hơn 40% ở lứa tuổi trên.
Rối loạn chuyển hóa mỡ hay máu nhiễm mỡ được nhắc đến ngày càng nhiều hơn bởi số lượng người mắc bệnh này đang tăng lên, nó trở thành vấn đề sức khỏe đáng lo ngại. Rối loạn chuyển hóa mỡ, tức là ở những người này có lượng mỡ trong máu tăng cao hơn 5,2 mmol/lít, nhất là các loại mỡ có hại cho cơ thể như cholesterol trọng lượng phân tử thấp, dẫn đến tình trạng viêm và xơ vữa thành động mạch là nguyên nhân gây thuyên tắc và vỡ của mạch máu.
Quá trình dẫn đến rối loạn mỡ máu?
Sau khi chúng ta ăn chất béo (mỡ), triglycerid và cholesterol được hấp thu vào tế bào ruột dưới dạng acid béo và cholesterol tự do. Trong cơ thể, các cholesterol cũng được tổng hợp ở tại các tế bào gan (chuyển hóa lipid nội sinh). Do không tan được trong nước và để tuần hoàn được trong huyết tương, các lipid phải được kết hợp với các protein dưới dạng phức hợp phân tử lớn gọi là lipoprotein. Có 6 loại lipoprotein khác nhau về tỷ trọng, nhưng có 2 loại được chú trọng nhất là lipoprotein tỷ trọng thấp (LDL-C) – một loại cholesterol có hại và lipoprotein tỷ trọng cao (HDL-C) – cholesterol có lợi.
Thừa cân, béo phì, uống nhiều rượu, bia, ăn nhiều thức ăn giàu chất béo sẽ làm tăng lượng triglycerid trong máu. Có khoảng 10% các trường hợp bị rối loạn chuyển hóa lipid máu thứ phát vì các nguyên nhân như: đái tháo đường, hội chứng thận hư, tăng urê máu, suy tuyến giáp, bệnh gan, nghiện rượu, uống thuốc tránh thai, một số thuốc tim mạch như thuốc ức chế bêta giao cảm, nhóm thuốc lợi tiểu thiazid.
Sự nguy hiểm của rối loạn mỡ máu
Nồng độ cholesterol trong máu cao là nguyên nhân chính của quá trình xơ vữa thành động mạch và dần dần làm hẹp các động mạch cung cấp máu cho tim và các cơ quan khác của cơ thể. Khi động mạch vành bị hẹp sẽ làm giảm dòng máu tới nuôi cơ tim gây ra cơn đau thắt ngực, thậm chí có thể gây nhồi máu cơ tim. Đa số lượng cholesterol toàn phần trong máu tạo ra LDL-C là loại cholesterol có hại. Chỉ có một số lượng ít cholesterol tạo ra HDL-C là loại cholesterol có lợi, có tác dụng bảo vệ chống lại bệnh xơ vữa động mạch. Nguy cơ bị bệnh động mạch vành và các bệnh lý tim mạch khác tăng cao hơn nếu bệnh nhân có các yếu tố nguy cơ khác đi kèm theo như hút thuốc lá, tăng huyết áp, tiểu đường, thói quen ít vận động, lối sống tĩnh tại và thừa cân, béo phì.
Làm thế nào để phát hiện được sớm rối loạn chuyển hóa mỡ máu?
Việc phát hiện bệnh sớm khá khó khăn vì ở giai đoạn đầu bệnh nhân gần như không có triệu chứng gì rõ ràng.
Những người trên 25 tuổi cần đi kiểm tra rối loạn mỡ máu 1 năm/lần để phát hiện sớm và có biện pháp điều chỉnh kịp thời. Trước khi đi xét nghiệm cần nhịn đói ít nhất 6 giờ đồng hồ. Với những người trong nhóm có nguy cơ cao như béo phì, ít vận động, đái tháo đường, hút thuốc lá,… những người trên 40 tuổi cần kiểm tra khoẻ thường xuyên ít nhất là 6 tháng/1 lần.
Điều lưu ý là những bệnh nhân khi đã mắc rối loạn mỡ trong máu không thay đổi nhanh chóng trong vài giờ hoặc vài ngày, kể cả khi bắt đầu sử dụng chế độ kiêng khem hoặc dùng thuốc. Do đó, không cần nôn nóng đi thử máu nhiều lần liên tiếp chỉ cách nhau vài ngày. Thời gian kiểm tra xét nghiệm lại hiệu quả nhất cũng tùy thuộc theo sự chỉ dẫn của thầy thuốc khám chữa bệnh.