Nếu không có người chồng chu đáo, lo toan, tất nhiên, chị sẽ không bỏ sự nghiệp của mình nhưng liệu mái ấm nhà chị có thành “mái lạnh”? Vì chị biết, mình không có khả năng “giỏi việc nước, đảm việc nhà”.
Giống như bao bà vợ khác, Thương (Phúc Xá, Hà Nội) luôn phải gồng mình lên để việc nhà “thông”, việc cơ quan “chạy”. Trước khi lấy chồng, chị làm cán bộ truyền thông của một công ty quảng cáo nọ. Công việc tuy có bận rộn nhưng với chị vẫn là “chuyện nhỏ như con thỏ”.
Chị nhanh nhẹn, tháo vát, nên công việc cứ thế mà chạy bon bon. Bởi vậy, sau 2 năm ra trường, chị đã là phó phòng truyền thông. Trước khi lấy chồng, chị luôn khẳng định: “Mình có tuổi trẻ, sức khỏe, sự linh hoạt, kinh nghiệm, công việc sẽ vẫn ngon kể cả lúc lấy chồng”… Nhưng sau khi bước chân vào cuộc sống hôn nhân, Thương thấy vấn đề không đơn giản như mình vẫn nghĩ.
Nhất là khi gia đình chị đón thêm thành viên mới, mọi việc cứ rối tung rối mù. Nhiều khi chị ước mình có 50 tiếng một ngày. Ngày nào cũng vậy, cứ hết giờ làm việc, chị lại tất tả đi chợ, cơm nước, tắm cho con, cho con ăn, ru con ngủ, giặt giũ, là lượt quần áo cho chồng… Lên giường ngủ khi đã 11, 12 giờ đêm.
Để rồi sáng hôm sau, chị lại sấp ngửa chợ búa, chuẩn bị đồ ăn cho con cái, rồi vội vàng đến cơ quan khi đã sát giờ G trong trang phục nhàu nhĩ, mặt mũi lem nhem. Cố gắng như vậy nhưng nhiều hôm, con quấy khóc, chị cảm thấy mệt mỏi kinh khủng.
Nhiều chị em phụ nữ hiện nay đang phải gồng mình để cáng đáng sự nghiệp và công việc gia đình. Thật dễ thấy cảnh, mặc cho người vợ tất tả ngược xuôi, các ông chồng vẫn “vểnh râu” lên xem tivi hoặc đọc báo.
Nhưng gia đình chị Thương lại khác. Thấy vợ suốt ngày dọn dẹp, rửa chén, giặt đồ, lau nhà cửa, tắm rửa cho con, đêm hôm mới xong việc… anh Thành, chồng chị xót lắm. Anh cũng thường xuyên chia sẻ công việc với vợ.
Một ngày, công ty cử chị đi công tác 4 tháng tại nước ngoài. Dù biết nếu vợ đi, mình sẽ phải thay vợ làm mọi việc, nhưng anh Thành vẫn động viên chị đi. Đây vừa là cơ hội thăng tiến trong công việc, vừa là một sự “đổi gió”, chị cũng chấp nhận chuyến đi này.
Vắng vợ, anh Thành “đảm” ra trò. Chăm con nhỏ dại, buổi sáng anh đưa con sang nhà bà ngoại. Buổi chiều anh đón con về rồi cơm nước cho cả hai cha con. Vất vả trăm bề đối với một người đàn ông như anh. Sợ nhất những hôm trời mưa to, tắc đường. Tan sở từ 5 giờ chiều mà nhiều hôm 8 giờ tối hai cha con mới về được đến nhà. Con thì ngủ gật trên xe lúc nào không biết.
Anh chăm con khá tốt, thằng bé “trộm vía” ngày càng khỏe mạnh, cứng cáp thậm chí còn “ngon lành” hơn chị chăm. Sau 4 tháng công tác về, thông cảm công việc của vợ vất vả, anh vẫn giành hết những việc nặng nhọc trong gia đình từ giặt quần áo đến lau nhà… Chị chỉ có việc đi chợ, nấu ăn, bởi: “Anh nấu ăn không ngon bằng em”.
Tóm lại, anh Thành tạo hết mọi điều kiện cho chị làm việc tốt. Chẳng bao giờ chị nghe anh than vãn điều gì mà anh luôn bảo: “Công việc của em vất vả hơn anh nhiều”.
Bạn bè chị thường bảo, số chị sướng, tốt phước vì có được người chồng như anh. Họ còn cho rằng, trên thế gian này không mấy người được như chị. Chị không biết điều đó có đúng không, nhưng rõ ràng, nếu không có người chồng chu đáo, lo toan, tất nhiên, chị sẽ không bỏ sự nghiệp của mình nhưng liệu mái ấm nhà chị có thành “mái lạnh”? Vì chị biết, mình không có khả năng “giỏi việc nước, đảm việc nhà”.
luyến đã bình luận
hjhj thật hạnh phúc