Tình cũng buồn khi nghe điều tiếng trách móc của mấy ông anh Huyền. Khi thì “Nhà đã chật, gái lại chẳng theo chồng…”, khi thì “Thằng đàn ông nhục nhất là không có nhà…”.
Tủi nhục khi phải ở rể
Tình sinh ra trong một gia đình khá giả. Ngay từ thời xe máy, điện thoại còn hiếm, anh vào cấp 3 đã có ngay con xe máy đời mới bố mẹ mua cho. Bạn bè rất quý Tình bởi tính tình thật thà, vui vẻ, hòa đồng với mọi người. Nhưng rồi, một lần không may, vốn đầu tư vào bất động sản của nhà anh gặp vấn đề, bố mẹ phải bán toàn bộ tài sản để trả nốt đống nợ lớn phát sinh. Vậy là từ một cậu công tử muốn gì được nấy, giờ đây, cuộc sống đã thay đổi hoàn toàn. Bố mẹ anh chán nản, lũ lượt bỏ đi nước ngoài làm ăn.
Tình không đi bởi anh đang có mối tình dang dở với Huyền, một cô gái cá tính, học cùng trường Đại học. Họ đang tính đến kế hoạch kết hôn thì chuyện không may của gia đình anh xảy đến. Dù buồn lắm nhưng Huyền vẫn muốn kết hôn với Tình. Bản thân Tình rất có trách nhiệm và yêu Huyền thật lòng. Nhiều khi nghĩ lại thấy mình đang trắng tay, lấy nhau vào thì ăn bằng gì với đồng lương công chức quèn, và rồi sẽ sống ở đâu đây?
Nhưng Huyền vẫn gạt đi và nằng nặc đòi cưới. Với Huyền, vật chất chẳng quan trọng, quan trọng là tình cảm của anh dành cho cô nhiều, vậy thôi.
Nhà Huyền rộng, trung bình, nhưng lại đông anh em. Ngoài Huyền, còn có 3 anh trai nữa. Vậy là sau khi cưới, vợ chồng họ lại góp nhân khẩu vào đại gia đình này.
Tình rất biết điều, anh lại hiền, ban đầu anh cũng ngại nhưng Huyền cứ nguýt dài “Ở càng đông càng vui chứ sao anh.”
Nhưng rồi dần dần bao mâu thuẫn nảy sinh. Tình cũng buồn khi nghe điều tiếng trách móc của mấy ông anh Huyền. Khi thì “Nhà đã chật, gái lại chẳng theo chồng…”, khi thì “Thằng đàn ông nhục nhất là không có nhà…”. Tình buồn.
Bất lực với số vốn ít ỏi của hai vợ chồng cộng với công việc, thu nhập không cao, Tình buông xuôi, anh ngoài giờ đi làm, Tình lại chè chén với mấy ông bạn cũ đến đêm mới về. Huyền buồn vô cùng, cũng lờ mờ hiểu ra nguyên nhân. Cô cũng thương chồng nhiều lắm. Rồi một hôm, bắt gặp được những lời ra tiếng vào của gia đình các anh, cô làm ầm lên, to tiếng với họ. Tình càng chán nản hơn. Gia đình căng như dây đàn.
Trường hợp của Tình còn đỡ, Thịnh mới khổ vì cảnh làm rể nhà giàu. Thịnh xuất thân từ một làng quê nghèo khó tận miền Tây. Biết được con đường thoát nghèo, thoát tự ti mặc cảm, chỉ là học. Thịnh lao đầu vào học và may mắn đỗ vào trường Đại học danh giá của Hà Nội. Thịnh sợ lắm cảnh chân lấm tay bùn, bao đời bán mặt cho đất, bán lưng cho trời mà ông bà, cha mẹ anh đang sống. Nhớ lại mái nhà tranh xiêu vẹo, lụp xụp cùng một con trâu – gia tài của nhà, anh thấy sợ hãi. Đời mình sẽ gắn hoàn toàn với nơi đây ư?
Thịnh quyết tâm thoát nghèo và cũng tự nhủ, không chọn vợ quê. Lên thành phố, hành trang chỉ có 2 bộ quần áo cùng 200 nghìn, còn lại sẽ là tự thân vận động. Sự náo nhiệt, tấp nập của nơi phồn hoa đô hội này, khiến anh càng ao ước và củng cố quyết tâm bám trụ nơi xứ lạ quê người.
Anh học ngày, học đêm, vượt qua bao gian nan thiếu thốn của một sinh viên nghèo tỉnh lẻ, ngày tốt nghiệp Đại học cũng đến. Hăm hở cầm tấm bằng trong tay, anh lại bước vào cuộc đua tìm việc làm, nhất quyết không chịu về quê. Sau 1 năm vất vưởng, bám víu nơi mảnh đất phồng hoa, cuối cùng, Thịnh cũng tìm được công việc ưng ý.
Cũng nhận thức được vẻ đàn ông, cao ráo, thân hình rắn rỏi của mình. Anh cũng tự làm mới mình, ăn vận đẹp hơn. Và thời cơ đã mỉm cười khi con gái ông Chủ tịch lại xiêu lòng trước anh – chàng quê mùa chính gốc.
Ngày cưới của họ đã đến, khỏi phải nói chắc ai cũng hiểu họ phải vượt qua biết bao định kiến “môn đăng hộ đối” để đến với nhau. Nước chảy đá mòn, cuối cùng, những phản đối của gia đình vợ cũng dần đi qua, khi thấy anh ăn ở hiền lành, chăm chỉ làm lụng, không ăn chơi đua đòi.
Tiên – vợ anh, cô con gái độc nhất của gia đình danh gia vọng tộc đi lấy chồng, bố mẹ xót con và quyết định cho đôi vợ chồng trẻ này về nhà ở cũng bố mẹ cho vui. Cứ ngỡ bước được chân vào cánh cửa này, đời anh sẽ sung sướng, anh sẽ nhanh chóng kiếm tiền để phụ giúp bố mẹ và hứa hẹn một ngày không xa sẽ đưa bố mẹ lên Hà Nội ở.
Ngày vui ngắn chẳng tày gang, bao mâu thuẫn vợ, chồng, con rể, bố mẹ vợ, anh chị em vợ dần theo thời gian hiện ra. Tính tình vợ trẻ con, nhiều khi bố mẹ chồng không hài lòng điểm gì cũng vào hùa và coi thường chồng quê ra mặt.
Khi vợ có bầu, gia đình hai bên mừng khôn xiết, bố mẹ chồng lục đục tha nào gà qué, rau, trứng, gạo muối lên tẩm bổ con dâu. Trái với hình dung của ông bà già lam lũ, cả nhà vợ, cả cô con dâu quý hóa cũng tỏ thái độ miệt thị bố mẹ chồng. Bởi bố mẹ Thịnh quá nghèo. Tối chồng đi làm về, Tiên buông ra những lời lẽ rất coi thường gia đình anh “Anh về mà xem thế nào đi, họ coi nhà này là của họ chắc, bẩn hết cả nhà tôi. Họ đi đến đâu bẩn và hôi đến đó. Mà tôi cần gì mấy cái thứ vớ vẩn họ mang lên, đúng là chở củi về rừng. Anh thuê ngay cho họ chỗ nào ở tạm đi, ở trong nhà tôi không tiện.”
Vừa lòng nhà vợ, Thịnh lại khéo léo nói chuyện với bố mẹ ra ngoài ở.
Kể cả lúc mặn nồng, Thịnh cũng chua chát khi vợ cứ khinh khỉnh coi thường mình. Chê bai quần áo đồ dùng xấu xí của anh làm cô mất hứng.
Chẳng cần nói, bố mẹ Thịnh cũng biết thái độ nhà thông gia dành cho mình đang ở mức nào. Họ cũng nói khéo với con trai, ra về luôn sáng hôm sau. Chán ngán cô vợ lạnh lùng, Thịnh xin ly hôn.
Cần một người vợ cảm thông chia sẻ
Không chỉ có cảnh nàng dâu mệt mỏi vì nhà chồng mà có không ít cảnh chàng rể cũng đau đầu vì định kiến với gia đình nhà vợ. Đàn ông thường không tinh ý và không giỏi xoay sở trong các mối quan hệ gia đình bằng phụ nữ. Do đó, có anh con rể thậm chí còn không biết phải làm sao để lấy lòng gia đình nhà vợ nhất là những gia đình có đông anh em. Rồi khi có mâu thuẫn, quan hệ giữa hai bên căng bao nhiêu thì người vợ ở giữa khổ bấy nhiêu, bởi một bên là anh chị em nhà mình, còn một bên là chồng mình.
Những trường hợp sống chung mà có xung đột thì ra riêng bao giờ cũng là giải pháp hợp lý. Ở riêng sẽ tránh được những va chạm, nhà vợ cũng khó tìm thấy điểm yếu của con rể để mà không vừa ý. Đồng thời, người vợ ở giữa có thể tranh thủ nhiều cơ hội để tỉ tê với gia đình mình về những điểm mạnh mà chồng mình có, tạo điều kiện để vợ chồng gần gũi hơn với nhà vợ…
Trường hợp của Thịnh thì phức tạp hơn. Một số nàng dâu ở thành phố, có điều kiện, kèm theo tư tưởng phân biệt “quê – phố” có thể trở nên coi thường quê chồng. Một khi đàn ông bị vợ coi thường về gốc gác, gia cảnh, cha mẹ, anh em… thì dĩ nhiên, vợ đã chạm vào lòng tự trọng lớn của chàng. Nếu không khéo léo, hạnh phúc gia đình rất dễ tan vỡ. Dù ở rể đã trở thành chuyện bình thường, người con trai ở rể không còn mặc cảm hay tự ti nhưng ngượng ngùng lại khó tránh khỏi. Họ thường không thoải mái trong buổi đầu sống cùng gia đình vợ. Họ cũng lúng túng, lo lắng và cảm thấy áp lực như cô dâu mới cưới về nhà chồng. Vì vậy, người vợ trên hết cần thông cảm và khéo léo tinh tế với chồng.
hoài công anh đã bình luận
ai cũng có những phút xao lòng. chuyện chị kể thì chưa có gì là ghê ghớm, đó chỉ là cơn gió thoảng qua mà thôi. hãy tỉnh dậy đi chị khi mọi chuyện chưa đi quá xa. chị định chơi trò “để cho người ta trói rồi mới tự cởi à?”