Thi đậu đại học nhưng vì hoàn cảnh, chị tôi đành từ bỏ giấc mơ giảng đường và đi làm công nhân may. Vốn xinh đẹp, đoan trang nên xung quanh chị có khá nhiều “vệ tinh”. Sau thời gian tìm hiểu, chị tôi nhận lời yêu anh, một chàng trai gốc thành thị.
Nghe chị kể lại, tôi biết cảm giác “choáng ngợp” của chị khi lần đầu tiên về “ra mắt” nhà chồng. Chị nói: “Chỉ những thứ đồ trang trí trong phòng khách nhà anh cũng đáng giá hơn cả mảnh đất và ngôi nhà ở dưới quê của mình”.
Ngày đám cưới của chị, hơn 10 chiếc xe hơi về rước dâu. Hàng xóm xúm xít hai bên đường, ai cũng khen chị tôi có phước lấy được chồng giàu.
Nhưng… “có trong chăn mới biết chăn có rận”. Suốt 5 năm làm dâu, chị tôi chỉ nhận được cay đắng tủi hờn và mẹ chồng năm lần bảy lượt nói về chuyện “không môn đăng hộ đối”.
Về nhà chồngtrong đám rước sang trọng, không phải cô dâu nào cũng được sung sướng.
Từ khi có con, cuộc sống của chị tôi càng tù túng hơn. Nhà chồng buôn bán vật liệu xây dựng nhưng chưa bao giờ chị được buôn bán, tiếp xúc người này người kia. Mẹ chồng cương quyết không cho chị đi làm. Bà cho rằng bổn phận dâu con là nội trợ và chăm sóc con cái cho tốt.
Những bữa cơm chị nấu luôn bị mẹ chồng chê ỏng chê eo dù ở nhà, chị luôn khen nấu ăn ngon. Ngày nào mẹ chồng cũng kiếm chuyện xúc xiểm chị, bữa thì “canh nhạt quá”, hôm lại “ngọt quá”.
Một buổi chiều, tôi thấy chị xách giỏ quần áo về nhà. Khi mẹ hỏi chuyện, chị tôi khóc tức tưởi. Chị nói từ ngày chị về nhà chồng, mẹ chồng cho ô-sin nghỉ việc hết. Trong nhà có hơn 10 người nhưng mọi việc sau bếp đều một tay chị lo.
Đưa bàn tay thô ráp, chai sạn cho mẹ xem, chị nức nở: “Mẹ chồng toàn bắt con giặt tay vì… giặt máy hư hết quần áo. Nhà đến 6 tầng, ngày nào con cũng phải lau từ sân thượng đến tầng trệt. Làm mệt nhưng mẹ chồng không hiểu, suốt ngày còn kiếm chuyến chì chiết, sỉ nhục”.
Mẹ khuyên chị nên thỏ thẻ với chồng chuyện ở riêng. Nhưng chồng chị vốn là người nhu nhược. Từ nhỏ đến lớn, anh đã quen nghe theo mọi sự sắp xếp của mẹ.
Chán ngán với cảnh cả ngày đầu tắt mặt tối chuyện bếp núc và muốn sau này có nghề ổn định, có thể tự lập và tự lo cho con, chị tôi mạnh dạn xin mẹ chồng đi học ôn để thi lại đại học.
Mẹ chồng chị phản đối quyết liệt. Bà thẳng thừng nói: “Quê kệch như cô thì học thế hay học nữa cũng chẳng làm được việc gì. Nghèo mà còn làm phách”. Những lời nói ấy như giọt nước tràn ly, chị tôi bế con về quê ngoại.
Vợ ở quê cả tháng không lên, anh rể tôi mớivề tìm. Anh hết lời thuyết phục nhưng chị tôi vẫn kiên quyết không về lại nhà chồng. Chị nói con người ta nhẫn nhịn chịu đựng có giới hạn. Cuối cùng, vì “nhớ vợ, thương con”, anh rể tôi xuống nước, đồng ý dọn ra ngoài ở.
Mẹ chồng nổi giận, không cho anh chị tiền mua nhà cửa. Bà còn “hăm” sẽ từ con trai nếu anh không ly hôn với chị. Chị tôi gởi con về cho ngoại, ngày tranh thủ đi làm thêm, tối lo học.
Tuy cuộc sống vật chất còn nhiều thiếu thốn nhưng chị vui vì đã chọn đường đi đúng. Sau này, nếu chí thú làm ăn, tôi tin anh chị sẽ có được căn nhà cho riêng mình.