Khác hẳn với những mối duyên tình sau này như với Hoàng Cúc, Mộng Cầm hay Mai Đình, tình yêu thầm lặng đối với Trà khiến Tử bất lực, không nói lên nỗi lòng nhớ thương da diết.
Ngoài những trang viết về các bóng hồng nhan bước qua hồn “thơ điên” Hàn Mạc Tử, ông Tín còn dành một khoảng lớn để nói về một sự thật ít ai biết về “Người con gái đầu tiên trong cuộc đời Mặc Tử”. Người con gái Huế mà ông Tín nhắc đến có cái tên rất mộc mạc: Trà.
Theo ông Tín giải thích, nàng tên Trà vì sinh ở Trà Kiệu (huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) tên nhà trường gọi là Thu Yến, con gái út ông cậu họ, anh của mẹ thi sĩ Hàn Mặc Tử, nhà ở phường Đúc (TP. Huế).
Hơn 70 trôi qua, câu chuyện tình với cô gái tên Trà của Hàn Mạc Tử vẫn ẩn chứa nhiều điều bí mật.
Ngay lần đầu tới nhà cậu họ chơi, được “diện kiến” cô tiểu thư xinh đẹp, dịu dàng đã khiến Hàn Mặc Tử ngất ngây men tình. Thi sĩ suốt ngày thơ thẩn, nhớ nhung cô chị họ, nhưng không dám thổ lộ ra bên ngoài.
Nhưng trở ngại lớn nhất cho mối tình duyên “thuở ban đầu ấy” chính là việc Hàn Mặc Tử phải gọi Trà bằng chị, theo đúng quy tắc cư xử trong gia đình. Ông Tín viết:
“Lần đầu gặp chị Trà, anh Trí hơi nghễnh ngãng, lại bị con đò Gia Hội che lấp cái khôn đi, nên không để ý đến ai cả. Mấy lần có dịp chuyện trò, một người chị, tên Phu cho biết là bà con, nhưng chị Phu vốn thích “se tơ kết tóc” cho nhiều lứa đôi nên chị thêm rằng:
“Bà con cũng như với nhà dì Thị vậy”(ý nói có thể kết hôn được, không trở ngại tình bà con). Anh Trí thì không thông thạo lễ nghĩa bà con, phải xưng hô thế nào cho đúng. Cho nên mỗi lần gặp chị Trà thì ấp a ấp úng không biết nên gọi bằng chị hay nói thế nào cho phải cách vì chị còn nhỏ tuổi.
Mà chị Trà tự xét còn nhỏ tuổi nên gọi anh bằng anh một cách tự nhiên thân tình. Thế thì, anh đắn đo, có nên gọi chị bằng em không? Khó cho anh quá!”. Vì sự ràng buộc đó mà sự giao thiệp giữa Tử và Trà vì thế cũng mất tự nhiên, trở thành nhạt lẽo.
Dù thấy Hàn Mặc Tử e thẹn, ngại ngùng mỗi lần tiếp xúc nhưng Trà vẫn một mực dịu hiền không tỏ vẻ gì khó chịu.
Trong một lần gặp nhau ở nhà nàng, Trà đã chủ động tự nhiên đến bắt chuyện. Cô nói với Tử rằng đã từng gặp chàng bên tòa báo Đức Mẹ và nhận ra ngay từ lần đầu gặp gỡ.
Việc này khiến Hàn Mặc Tử hơi hoảng vì cái tính rụt rè mắc cỡ nên chàng không nhớ ra, vả lại ở chỗ đông người, chàng không dám nhìn ai kỹ, nhất là người đẹp. Một điều trùng hợp kỳ lạ trong mối duyên tình đầu của chàng thi sĩ đa tài là nàng Trà cũng rất thích văn và cũng đã từng viết báo.
Các tác phẩm của nàng thường viết về thiếu nhi, đạo binh Đức Mẹ… Sau này khi biết chàng thơ phú tài hoa, xuất chúng được giới học giả thời đó đánh giá là “thần đồng” trong làng văn nên nàng xấu hổ không dám nhắc tên với chàng.
Mãi về sau, trong một lần tình cờ gặp người bạn nói cho biết nên Tử mới biết có cô là trưởng đoàn thiếu nhi, thường ký tên T.Y trên mặt báo. Nàng chỉ được ba mẹ cho học xong bậc tiểu học, không cho học thêm, vì đơn giản, nàng là con gái đẹp, ngoan hiền tử tế nên rất nhiều nơi đã dạm ướm, mà tiếp xúc nhiều bạn bè ở trường, có thể bị mang tiếng cho gia đình đạo đức.
Từ đó, nàng ở nhà đi học nữ công, thỉnh thoảng đến giúp việc xếp báo, gửi báo cho tòa soạn báo Đức Mẹ. Những cuộc gặp mặt chóng vánh của đôi tình nhân “tình trong như đã, mặt ngoài còn e” vẫn cứ diễn ra.
Và lần nào cũng vậy, Trà vồn vã hỏi han, trò chuyện thì Tử lại thẹn đỏ ửng mặt, nói không nên lời. Có lần, Tử đang mải mê làm việc tại tòa soạn báo thì bất ngờ gặp ánh mắt nhìn trìu mến của cô gái trẻ đang nhìn mình từ ngoài cửa.
Thấy Tử e thẹn, Trà mạnh dạn bước vào phòng hỏi Hàn Mặc Tử: “Đang viết gì, có thể cho Trà xem được không?”. Tử nói đang viết viết bài cho báo rồi đưa bản thảo cho Trà xem.
Khi Trà bước đến đưa tay nhận thì Tử lúng túng đến mức đưa một tờ giấy trắng cho cô gái. Tử vội xếp lại bàn giấy rồi bước vội ra cửa để “chạy trốn” cảm giác ngại ngùng, e ấp của con tim mới lớn.
Khác hẳn với những mối duyên tình sau này như với Hoàng Cúc, Mộng Cầm hay Mai Đình, tình yêu thầm lặng đối với Trà khiến Tử bất lực, không nói lên nỗi lòng nhớ thương da diết.
Chàng chưa từng làm nổi một câu thơ để tặng nàng những ngày đầu tiên, cộng với tính nhút nhát không dám tìm cách nào để tỏ tình. Chính vì vậy, lời tỏ tình mãi mãi là bỏ ngỏ. Tình yêu âm thầm thổn thức kéo dài cho đến tháng chạp năm ấy.
Ôm mối tình câm lặng đó, Tử “lao” vào công việc đến quên đi nỗi nhớ thương Trà. Nhưng khi đêm xuống, đối mặt với 4 bức tường cao, Tử lại âu sầu, nhớ nhung hình ảnh của cô gái Huế duyên dáng, xinh xắn.
Dù rằng tình đã mặn nồng, nhưng Tử vẫn không dám đến gặp Trà để thổ lộ. Một ngày nọ, người chị tên Phu đột ngột vào thăm nhà chàng ở Huế. Thay vì chạy đến hỏi thăm tình hình của người tình trong mộng thì Hàn Mặc Tử vẫn “nén lòng” nằm chờ đợi.
Chàng hy vọng, chị Phu sẽ mang đến một tin tức về nàng Trà hay ít nhất là một lời gửi gắm của nàng qua người chị đến chàng. Mới gặp lại người nhà, bà chị vồn vã chưa kịp hỏi han gì thì đã oang oang với mẹ chàng phía sau nhà:
“O ơi, con tiếc quá, phải chi thằng Trí mà ưng con Trà thì hay biết mấy. Con nó thật đẹp, thùy mị dễ thương quá. Con đã để bụng cho thằng Trí rồi… Rứa mà… ”. Phía trong buồng của mình, Hàn Mặc Tử vẫn nằm yên lặng lắng tai nghe tin tức của nàng Trà.
Mẹ chàng vặn hỏi: “Mà chừ thì ra răng rồi?”. Bà chị vội nói: “Bác Chí (chị gọi bố nàng Trà bằng bác) nhờ con về mời o ra đám cưới con Trà”. Nghe được những lời ấy, Mặc Tử như ngã khuỵu, trái tim tan vỡ, trong đầu không còn nghĩ được gì.
Rồi bà chị quay sang bản mặt như “đông đá” của chàng: “Con Trà em biết rồi đó, hắn sắp lấy chồng, chao! Chị tiếc quá, phải chi em nói một tiếng thì dễ quá”.
Bà chị họ lại quay sang nói nhỏ với em trai chàng (ông Tín): “Con Trà có vẻ thương thằng Trí. Nó hỏi thăm luôn, nhưng từ nay không có dịp đến chơi thường xuyên rồi”.
Chàng cười nhạt sau chiếc răng khểnh, rồi lặng lẽ đi vào phòng. Suốt 3 ngày đêm liền, Tử giam mình trong căn buồng kín, tự mình “gặm nhấm” nỗi đau của mối tình đầu tan vỡ.
“Tôi thấy anh trai buồn bã, không nói, không rằng vào phòng đóng cửa ngồi suy tư một mình. Nhiều người trong gia đình đến động viên, hỏi lý do nhưng anh vẫn không nói, chỉ muốn yên tĩnh một mình. Tôi cảm nhận được nỗi đau đang giày xé một con tim khô héo vì đợi chờ để rồi tuyệt vọng” ông Tín viết.
Mãi những ngày sau, khi con tim cất lên những tiếng nấc khẽ về một sự tan vỡ lặng lẽ, chàng bắt đầu viết những dòng tâm sự cho nàng, với những câu thơ xa xót, đó chính là bài thơ “Buồn Thu”, một trong những bài thơ buồn nhất trong “Lệ Thanh thi tập” của thi sĩ Hàn Mạc Tử.
“Ấp úng không nói ra được nửa lời/Tình thu bi thiết lắm thu ơi/Vội vàng cánh nhạn bay đi trớt/Hiu hắt hơi may thoáng lại rồi…”.
Mối tình câm với nàng thầm lặng đến và thầm lặng đi, để lại trong lòng Hàn Mặc Tử một hối hận riêng tư lâu dài mà mỗi lần đọc bài “Buồn Thu”, vẫn còn xót thương cái ấp a, ấp úng của tuổi 19, 20 khờ khạo rụt rè đã làm cho cuộc đời phải ngỡ ngàng, trước trớ trêu của định mệnh.
Năm đó, Hàn Mặc tử còn ở tuổi đôi mươi. Nỗi buồn tuy không sâu sắc như những lần sau này nhưng với những tình cảm trong sáng chưa cọ xát với khổ đau, cũng đủ để làm nên một “Buồn Thu” rưng rưng và hay nhất trong “Lệ Thanh Thi Tập”.
Theo lời kể của ông Tín, vào khoảng 5 năm sau (năm 1936), Hàn Mạc Tử ra Huế tìm gặp bà chị họ tên Phu nhờ chị trao tặng cho nàng Trà một tập thơ “Gái quê” do mình viết.
Nhưng có lẽ khi đó nàng cũng đã yên phận gia đình từ lâu nên chỉ có gửi đi mà không có hồi âm lại. Và cũng chẳng có hồi âm nào nữa từ cô gái thuở ban đầu bên dòng Hương Giang ấy cho đến cuối cuộc đời chàng…
Trong những ngày cuối đời ở túp lều tranh ngoài thành Quy Nhơn, Mặc Tử còn đón tiếp hai nữ nhân nữa lặng lẽ bước qua cuộc đời yêu. Nhưng tất cả chỉ thoáng qua hư ảo, bởi hồn người thi sĩ đã không còn “tỉnh táo” để nhận ra lẽ yêu thương ở đời.
Theo một số tài liệu mà nhà thơ Quách Tấn công bố thì, sau khi Mai Đình ra đi, Ngọc Sương (chị ruột của Bích Khê, là dì ruột của Mộng Cầm) và Thương Thương (em ruột của Trần Tái Phùng – bạn của Hàn Mạc Tử ở Huế) “xuất hiện” trong giờ phút tuyệt vọng của người bị tình phụ.
Họ chỉ hiển hiện qua những bức ảnh mà Mạc Tử đã từng nhìn thấy còn chưa một lần tao ngộ. Cho nên, nhưng cuộc tình “ảo” này chỉ thoáng qua trong giờ phút cuối đời của thi sĩ “điên”.
Năm 1940, căn bệnh phong của Hàn Mạc Tử đã đi vào giai đoạn cuối, dẫm nát hình hài nhà thơ vắn số với những dị tật “kinh hoàng” trên khuôn mặt trẻ. Theo hồi ký của ông Nguyễn Văn Xê (một người đồng bệnh và sống ở trại phong Quy Hòa) thì Tử vào nhà thương Nam ở Quy Hòa mùa thu tháng 9/1940 khi bệnh đã quá nặng.
Bệnh nhân Nguyễn Trọng Trí lưu lại điều trị ở nhà thương Quy Hòa vỏn vẹn có 51 ngày và được bác sĩ chẩn đoán “bệnh cùi nhiều vi trùng” và trong bệnh án ghi thêm “nhưng chết không phải vì hủi mà vì bệnh kiết lị trực trùng”.
Trước khi từ giã cõi đời ngắn ngủi, nhiều bất hạnh, Hàn Mặc Tử chỉ để lại gồm: một bộ bà ba trắng cũ, một bộ veston cũ, một đôi giày bata sắp hư, một gối nhỏ, một cuốn sách dày 200 trang và 1 bài văn tiếng Pháp viết bằng bút chì.
Tuyệt nhiên Trí không có một xu nào từ khi vào cho đến chết. Hơn 70 năm trôi qua, Hàn Mặc Tử đã yên nghỉ trên đỉnh cao Gành Ráng (gần TP. Quy Nhơn), bên những dãy núi điệp trùng và biển Đông xanh ngắt.
Những cuộc tình ngọt ngào nhưng cũng đầy nước mắt, cay đắng của chàng thi sĩ “điên” tài ba vẫn ẩn chứa nhiều bí mật mà đến tận bây giờ hậu thế vẫn chưa có câu trả lời.