Mẹ chồng chị là người nhẹ nhàng, không cáu gắt hay bắt bẻ con dâu bao giờ. Mỗi khi có ai đó hỏi về con dâu bà đều hồ hởi khen ngợi. Nhưng chính bởi thái độ đó của bà mới là áp lực đè nặng lên chị.
Khen con dâu để thoát việc
Chị Ly (Thanh Oai – Hà Nội) nhớ như in lần mới về làm dâu, nghe mẹ chồng ngồi nói chuyện với bà hàng xóm mà chị thấy như mở cờ trong bụng. Trong khi bà hàng xóm ca thán về nàng dâu thì mẹ chồng chị lại hết lời khen ngợi: “Thật phúc đức cho nhà tôi quá, con dâu nhà tôi dám chắc không phải cái đứa mất nết như thế. Tôi thấy nó ngoan hiền lắm, không ỷ lại hay nhờ vả bố mẹ chồng điều gì, mọi việc tự làm hết, cũng không cãi lời tôi bao giờ. Không tin chị cứ thỉnh thoảng qua chơi rồi sẽ thấy”. Nhưng rồi niềm vui ấy không được bao lâu vì sau này chị mới hiểu ra, khen con dâu là trước mặt người khác là “chiến thuật” của mẹ chồng chị để không phải “nhúng tay” vào bất cứ việc nhà gì. Và vì những câu khen đó mà chị phải quay như chong chóng.
Theo những gì mà mọi người thấy và ngay chính bản thân chị Ly tâm sự, mẹ chồng chị là người nhẹ nhàng, không cáu gắt hay bắt bẻ con dâu bao giờ. Mỗi khi có ai đó hỏi về con dâu bà đều hồ hởi khen ngợi. Nhưng chính bởi thái độ đó của bà mới là áp lực đè nặng lên chị Ly. Bởi lẽ bà đã “tinh tế” tạo ra trong mắt người thân và mọi người xung quanh hình ảnh một bà mẹ chồng tuyệt vời và một cô con dâu tần tảo, điển hình mẫu mực. Tất cả sẽ đổ dồn sự chú ý về phía chị. Nếu chị ăn ở không đúng, làm trái với những lời mà mẹ chồng ca ngợi thì ngay lập tức mọi người sẽ quy kết lỗi là ở chị.
Chị Ly phải tự mình làm tất cả mọi việc trong nhà mà không nhận được sự giúp đỡ nào từ phía mẹ chồng mặc dù bà rất rảnh rỗi. Khi công việc nhiều quá, chị vừa mới định nhờ mẹ phụ giúp nhưng chưa kịp nói thì đã nhận được lời “động viên”: “Con đúng là hiếu thảo hơn người không như con dâu bác Hoa đầu phố, lúc nào cũng ỷ lại, làm việc gì cũng nhờ mẹ chồng, thế khác nào coi mẹ chồng như ô sin. Thôi con gắng làm cho xong con nhé, mẹ lên phòng nghỉ chút”. Vậy là chị lạ chùn bước và tự lực làm một mình nếu không muốn bị coi là “ỷ lại, sai mẹ chồng như người ở”.
Chị Ly tan sở về cũng khá muộn, nhưng mặc dù mẹ chồng ở nhà chơi cả ngày, bà cũng vẫn để bếp núc lạnh tanh. Thấy chị về bà lại đon đả: “Mẹ định nấu cơm thay con, nhưng khổ nỗi mọi người trong nhà giờ nghiện những món con nấu mất rồi, mẹ sợ mình nấu mọi người không vừa miệng nữa. Tại con nấu ăn ngon quá ấy mà, thôi chịu khó vậy con nhé”. Lần khác, người thân ở dưới quê lên chơi, tổng số người cũng đến 2 mâm cơm không ít. Vậy mà khi hai chị họ muốn xuống giúp chị nấu cơm, mẹ chồng chị gạt phăng đi: “Hai cháu không phải xuống đâu, các cháu không biết đấy chứ, con dâu bác nổi tiếng tháo vát, đảm đang, nó nấu ù cái là xong, mình vào có khi còn làm bận tay bận chân nó hơn đấy. Bác nhiều lần cũng thế rồi nên bác hiểu”. Vậy là trong khi mọi người ngồi rôm rả trò chuyện, chị Ly tối mắt tối mũi với những món xào, nấu. Khi bữa cơm hoàn thành cũng là lúc chị mệt phờ, người thì nồng nàn mùi thức ăn không còn ăn được miếng nào nữa.
“Mọi người nhìn vào ai cũng bảo mình tốt số khi mẹ chồng yêu quý, khen ngợi hết lời. Nhưng nào ai có hiểu, sau lời khen ấy mình mệt như thế nào. Chẳng thà như người khác, khó tính nhưng khi con cái bận còn đỡ đần việc nọ việc kia chứ đằng này cái gì cũng tống cho mình hết. Nhiều lúc cực quá, muốn than thở với ai cũng không được. Nhất là với chồng, khi mình muốn chia sẻ anh ấy lại khăng khăng ‘Em đúng là đòi hỏi, em xem có ai được mẹ chồng khen lấy khen để như em chưa mà còn kêu ca’. Khổ thế đấy” – Chị Ly bức xúc chia sẻ.
Khốn đốn vì mẹ chồng khen “nhân hậu, tốt bụng”
Cùng chung một cảnh ngộ như chị Ly, vấn đề mà chị Thương (Hai Bà Trưng – Hà Nội) gặp phải liên quan đến kinh tế. Chị Thương kể lại: “Mình vốn tính thương người, gặp ai khó khăn là giúp đỡ hết mình. Lần đó, đi cùng mẹ chồng thấy có bà già ăn xin, mình không ngần ngại cho bà ấy 20 nghìn. Câu chuyện chỉ có thế, nào ngờ nó lại là cái lí do để mình phải gánh những trách nhiệm sau này”.
Sau việc đó, mẹ chồng chị Thương lúc nào cũng ngọt ngào, cũng khen con dâu tốt bụng, thảo lòng. Bởi thế, ngày tết, cả nhà chuẩn bị về quê gặp họ hàng, mẹ chị thường nói ráo: “Con không biết đấy chứ, mẹ vẫn điện thoại nói chuyện với mọi người ở quê liên tục. Chẳng giấu gì con, mẹ khen con sống nhân hậu, đến người dưng còn cho tiền nên các bác, các chú ai cũng quý lắm. Tiện có ngày Tết về, con cũng chuẩn bị ít quà, tiền mừng tuổi để mừng cho mọi người. Không chu đáo người ta lại nghĩ mẹ khen con là khoác lác”. Vậy là để “chu toàn” cho mỗi chuyến về quê ấy chị tốn không ít tiền để biếu người nọ, mừng tuổi người kia. Mà kinh tế của hai vợ chồng chị phần lớn là do chị kiếm được, chứ lương chồng ba cọc ba đồng chỉ đủ nuôi thân.
Theo những lời chị Thương kể, mẹ chồng chị mặc định khen chị tốt để buộc chị phải làm những việc có lợi cho người thân bên gia đình chồng. Ngày em chồng xuất giá, chị tính bàn với chồng cho em một chút tiền gọi là của hồi môn. Muốn cho con gái được hơn, mẹ chồng chị lại niềm nở: “Với mẹ và em Hải, con không khác nào con gái, chị gái cả. Hôm tới trong đám cưới em, mọi người sẽ chứng kiến con trao quà cho em. Trước giờ ai cũng biết con nhân hậu, chu toàn, thảo tính, con liệu thu xếp quà cho hợp lý không đến lúc đó người ta lại bảo nhà mình toàn bịa đặt khen con dâu thì phí tiếng tốt của con đi con ạ”.
“Mẹ chồng mình lúc nào cũng mang cái tiếng ‘ai cũng biết con tốt’ ra khiến mình khó lòng thoái thác được việc gì. Không phải mình ham hố khen ngợi gì, nhưng mẹ cứ ngọt nhạt như vậy mình có muốn từ chối cũng không biết phải làm thế nào. Từ chối thế nào cũng bị nói là ‘tưởng thế nào, người dưng nước lã còn thương được mà với người nhà lại tính toán từng đồng’. Mà chu toàn hết mọi việc thật không phải là việc đơn giản nhất là chồng mình lại làm được ít. Thật sự khốn đốn vì mẹ chồng khen ngợi” – chị Thương chia sẻ.
Vậy đấy, đôi khi những bà mẹ chồng tỏ ra rất “tinh tế” trong việc làm cho con dâu phải nghe lời. Những người mẹ chồng như thế đã tạo ra một vỏ bọc tốt trong mắt mọi người. Với những trường hợp như thế, nếu cô con dâu ức quá mà làm ngược lại hay cãi lại ngay lập tức sẽ bị mọi người xung quanh quy cho tội bất hiếu, hỗn hào không biết điều. Tuy nhiên nếu cứ lẳng lặng tuân theo những nàng dâu sẽ gặp không ít phiền toái. Điều nên làm là hãy thẳng thắn nhưng nhẹ nhàng bày tỏ những khó khăn của mình gặp phải với mẹ chồng. Không nên nói bằng thái độ bực tức, nóng giận để mất điểm trong mắt mọi người. Hãy áp dụng đúng “chiêu” mẹ chồng đã sử dụng, nghĩa là cũng ngọt ngào và khen ngợi mẹ chồng mỗi khi cần bà giúp đỡ việc gì đó.