Ai cũng muốn mình được làm số một, nhưng nhân duyên vợ chồng thì không ai có thể biết trước, và không ai có thể dám chắc sẽ tránh duyên làm “tập hai” của chồng.Và rồi cái nhân duyên với người đàn ông đã từng có vợ ấy đã mang đến cho người phụ nữ biết bao nhiêu những nỗi khổ tâm trong lòng.
Hầu hết những người phụ nữ chấp nhận là “tập hai” của chồng luôn gặp phải những khó khăn nhất định. Bên cạnh tâm lí là người đến sau, những trách nhiệm nặng nề với quá khứ của chồng, có đôi khi họ còn phải chịu những ấm ức đến từ những người mà họ không thể nào ngờ tới.
Gia đình nhà vợ cũ luôn trì triết
Câu chuyện của chị Nhung (Từ Liêm – Hà Nội) mới nghe tưởng chừng như phi lý nhưng đó lại chính là sự thật mà chị đang phải trải qua. Vợ cả của anh Công mất do tai nạn giao thông, 3 năm sau chị Nhung và anh Công mới lập gia đình với nhau. Anh và người vợ đầu có với nhau một bé trai 5 tuổi. Vì chết vợ chứ không phải ly hôn nên anh Công vẫn duy trì mối quan hệ thân thiết với gia đình bố mẹ vợ, thậm chí thương người vợ cả xấu số thiệt phận nên anh vẫn coi mình như con cái trong gia đình bên vợ cả để thay vợ làm tròn bổn phận làm con đối với bố mẹ.
Như chị Nhung tâm sự, ngay từ khi xác định làm vợ hai anh Công chị đã chuẩn bị tâm lý từ trước. Được sự động viên của anh, chị coi như mình có tới hai bố mẹ chồng để chăm lo. Chính anh Công là người hiểu được sự khó khăn của vợ vì vậy mà yêu thương chị hết mực. Nhưng khổ một nỗi bố mẹ vợ cả của anh dường như không thể chấp nhận được sự thật con rể mà họ yêu quý giờ đây đã tìm được hạnh phúc mới nên không ít lần “hằm hè” với chị Nhung.
Lấy cớ sang thăm cháu ngoại, bố mẹ vợ cả của anh Công ghé tới nhà anh chị thường xuyên. Được chồng xác định tâm lý cho từ trước nên chị Nhung vẫn vui vẻ, niềm nở nói chuyện, coi ông bà như bố mẹ chồng thứ hai của mình. Nhưng cây muốn lặng mà gió chẳng ngừng, lần nào sang chơi, bố mẹ vợ cả của anh Công cũng trì triết: “Chúng tôi nói cho chị biết, thằng Công giờ là chồng chị thật nhưng vẫn là con rể của chúng tôi. Nó cũng vẫn đối xử với chúng tôi như bố mẹ. Ngày xưa nó yêu và chiều con gái chúng tôi lắm, chỉ tội con gái tôi đoản mệnh nên chị mới có cơ hội thôi. Giờ chị về, phải chăm lo cho thằng cu Tuấn tử tế, đừng có ỷ thế mẹ ghẻ mà bắt nạt, hành hạ con chồng”. Không những thế khi chị đang sấp ngửa mang thai đứa con đầu lòng, công việc nhà bề bộn, bố mẹ vợ cả của anh Công còn cạnh khóe: “Chị đừng nghĩ có con rồi thì gạt được thằng Tuấn nhà tôi ra khỏi bố nó nhé. Dù gì nó cũng là con cả, đích tôn của nhà thằng Công đấy. Sau này có phân chia tài sản, chúng tôi cũng không để cho nó chịu thiệt đâu”.
Chị Nhung ngậm ngùi tâm sự: “Người ta đi làm dâu, cực vì bố mẹ chồng đã đành đằng này mình lại khổ vì bố mẹ vợ của chồng. Khi xác định lấy anh ấy, một người chết vợ mình đã coi như cộng cả quá khứ của anh ấy vào cuộc sống của hai vợ chồng rồi. Mình chăm chút cho cu Tuấn tử tế hắn hoi, nhất là từ khi mình có bầu, có con mình càng thương nó mất mẹ đã khổ lắm rồi nên càng lo lắng cho cu Tuấn hơn. Bàn thờ của chị ấy mình cũng hương khói thường xuyên. Ấy vậy mà bố mẹ vợ của anh ấy cứ coi mình như kẻ độc ác, tàn nhẫn không bằng, suốt ngày hằm hè,trì trích. Cứ thế này không biết mình nhịn được đến bao giờ?”.
Gia đình nhà chồng và chồng so sánh với vợ cũ
Cũng mang trong mình nỗi ấm ức khi làm vợ hai của chồng nhưng nỗi ấm ức đó còn tệ hại hơn khi nó đến với chị Thoa (Gia Lâm – Hà Nội) từ chính chồng và bố mẹ chồng. Khổ một nỗi chị chẳng thể san sẻ tâm sự với ai vì ngày trước chị bất chấp lời khuyên can của mọi người để lấy anh bằng được.
Anh Thắng, chồng chị Thoa đã từng ly dị vợ do cuộc sống hôn nhân không mang lại hạnh phúc. Khi lấy anh, chị chẳng phải loại người “ế chỏng, ế chơ”, ngược lại còn rất nhiều anh đàng hoàng, tử tế theo đuổi. Nhưng như chị nói, có lẽ là “cái duyên, cái số nó vồ lấy nhau”, cuối cùng chị lại quyết định lấy anh Thắng làm chồng. Tất nhiên gia đình chị Thoa một mực phản đối. Nhưng chị ra sức thuyết phục. Trong cách nghĩ của chị, anh Thắng và vợ cũ chưa có con với nhau, nên mối sự ràng buộc giữa họ không có. Gia đình anh cũng khấm khá, bề thế nên nói là làm vợ hai thôi chứ cũng không đến nỗi khổ như những người khác. Nào ngờ khi về sống chị mới thấy có những nỗi khổ vô hình khác.
Chị Thoa nhớ như in lần đầu tiên trong bữa cơm, chồng vừa ăn vừa nhận xét: “Món cá kho tộ này của em chưa đạt rồi. Ngày xưa, Hương nấu món này ngon tuyệt bố mẹ nhỉ!”. Chị Thoa nghe chồng nói mà máu trong người chị sôi lên, những tưởng bố mẹ chồng thấy con mình vô ý phải khéo léo nhắc nhở ai dè còn vào hùa tán thưởng: “Ừ, công nhận cái Hương nó thế thôi chứ nấu ăn ngon tuyệt, con là không bằng được cái Hương về khoản nấu nướng rồi”. Kể từ đó trong nhà việc to, việc nhỏ gì cả chồng và bố mẹ chồng đều đem chị ra so sánh với cô vợ cũ của anh. Thậm chí họ hàng nhà anh đến chơi, bố mẹ chồng còn ngồi cân đong đo đếm xem chị hơn kém vợ cũ của anh ở điều gì: “Chỉ được cái ngoan, không hay cãi lời thôi chứ nhiều cái không bằng cô cũ”.
“Lúc đầu mình suy nghĩ đơn giản, chồng và vợ cũ chưa có con nên không có ràng buộc vì vậy cũng sẽ dễ sống hơn. Nào ngờ khi về sống thấy chồng và bố mẹ chồng mang mình ra so sánh như vậy mình ức chế không chịu nổi. Mình có cảm giác không phải là vợ mà như đang tuyển ô sin với những tiêu chuẩn được đặt ra vậy. Nhiều lúc mình chỉ muốn nói thẳng ra: ‘Nếu thấy cô ta tốt thì còn bỏ nhau làm gì, cô ta mà đã tốt thì chẳng đến nỗi bỏ nhau, mà giờ thích thì anh cũng có thể đón cô ta về. Em là em chứ không phải là bản sao khác của vợ cũ anh” – chị Thoa hậm hực.
Câu chuyện về cuộc đời của những người phụ nữ chấp nhận cảnh làm vợ hai của chồng phần lớn đều có chung một đặc điểm là phải chịu khá nhiều thiệt thòi, áp lực. Không chỉ là những điều tiếng từ bên ngoài, những trách nhiệm với gia đình chồng, con riêng của chồng mà đôi khi còn bị ám ảnh bởi cái bóng của người đi trước. Để thực sự giữ gìn được cuộc sống hôn nhân, lúc này vai trò làm chồng của người đàn ông trong gia đình là vô cùng quan trọng. Những người chồng cần hiểu, yêu thương và thông cảm với những khó khăn mà vợ mình gặp phải để giúp đỡ cô ấy. Không những vậy, cần có đủ tinh tế để không làm tổn thương trái tim người phụ nữ đã an phận là người đến sau.