Người xưa từng nói “chị em dâu như bầu nước lã” nên phải sống kiểu “xa thương gần thường” thậm chí là chẳng bình thường khi chị em dâu ở cạnh nhau. Những va chạm trong cuộc sống sẽ dẫn đến việc tranh chấp, ghen tị, đố kị lẫn nhau từ đó sinh ra việc chị em dâu luôn tiếng bấc tiếng chì và luôn tìm cách nói xấu nhau, không còn tôn trọng nữa… gây sóng gió, mất đoàn kết trong gia đình.
Bác dâu tôi về chợ, miệng oang oang chửi đổng: “Sao trên đời lại có cái ngữ ăn không nói có, ngậm máu phun người, chỉ nhăm nhăm nhòm ngó chuyện nhà người khác để mà gièm pha. Trong nhà chuyện là con kiến, ra ngõ chuyện bằng con voi. Không ưa nhau thì chừa mặt nhau ra. Hay ho gì cái ngữ ngồi lê đôi mách. Nhà mình còn chưa định gì, ấy thế mà chuyện thằng Hùng cưới vợ, có nhà trên thị xã đã khắp làng trên xóm dưới, bay ra cả ngoài chợ rồi kia kìa…”.
Tiếng bác trai tôi quát ầm ầm: “Cái mồm bà cứ toang toác ra như vậy, bảo sao chuyện nó không con kiến thành con voi”. Bác dâu tôi vặc lại: “Cũng tại ông nhu mì, cả nể. Chả anh chả em thì chớ. Giặc giã bao giờ chả từ trong nhà mà ra”. Cứ thế, câu qua, câu lại, hai bác tôi thành to tiếng, cãi vã. Rồi có tiếng quăng ném đồ vật. Chắc chắn là bác trai tôi vớ được vật gì đó, tiện tay đập vỡ cho hả. Tính bác tôi xưa nay là thế – hiền nhưng cục. Mẹ tôi nằm trong buồng, bật quạt phả vào mặt vù vù, vẻ mặt thản nhiên, tểnh tênh trước sự xung đột của hai vợ chồng bác cả.
Nhà tôi ở sát nhà bác cả, kế nhà tôi là nhà chú út. Vợ chồng chú út làm nhân viên bưu điện, sớm đi tối về nên ít va chạm với mẹ tôi và nhà bác cả. Còn lại bác dâu trưởng và mẹ tôi ở nhà làm ruộng, ra đụng vào chạm, tính ai cũng muốn hơn người nên từ bao năm nay họ chẳng ưa gì nhau. Cùng lắm, ngày giỗ tết, bắt buộc thì phải ngồi cùng mâm, chứ cả bác dâu lẫn mẹ tôi, hở chuyện gì ra là đem nói xấu nhau khắp xóm.
Chỉ nghe giọng điệu của bác dâu, tôi biết ngay là bác đang nói chuyện gì. Chả là tuần trước, anh Hùng, con bác tôi đang làm nghề sửa chữa điện tử trên phố thị đưa người yêu về ra mắt. Ở bên này nhà, nhìn trộm qua hàng rào, mẹ tôi bĩu môi: “Con này trán dô, chân ngắn, mông bè, chân đi quấn như rắn trườn. Loại con gái ấy, sau này không đầu mày cuối mắt thì cũng ngữ chốn chúa lộn chồng”. Mẹ tôi nói cốt cho sướng cái miệng thôi, chứ trông thấy bóng bố tôi từ trong nhà đi ra, tức thì im bặt.
Tối đó, bác trưởng mời bố tôi và chú út sang uống nước. Đêm bố tôi về, mẹ tôi ngon ngọt: “Hai bác gọi mình sang bàn chuyện cưới xin của thằng Hùng à?”. Chắc tưởng mẹ tôi đã biết ít nhiều nên bố tôi kể tuồn tuột cho mẹ tôi nghe. Thấy bảo, tháng sau hai bác định cưới vợ cho anh Hùng. Chị ấy làm lễ tân ở một nhà khách trên thị xã.
Cưới xong, ông bà ngoại sẽ cho hai người một cái nhà cấp bốn ở khu tập thể làm chỗ an cư. Bố tôi phấn khởi: “Thôi cũng mừng vì thằng Hùng lấy được con nhà tử tế. Ông bà bên nhà gái cũng là cán bộ Nhà nước về hưu, điều kiện gia đình khá giả. Nhà bên mình thì quê mùa, không có điều kiện, gia đình người ta lại có 2 cô con gái nên có điều kiện bù đắp, chăm lo cho các con. Con bé trông cũng bình thường, không thuộc hàng xinh xắn nhưng có ăn, có học. Chỉ cần chúng nó yêu thương nhau, thế là tốt rồi”.
Chuyện chỉ có vậy, ấy thế mà một đồn mười, mười đồn trăm. Chỉ hai ngày sau, tin anh Hùng tôi sắp cưới, được nhà vợ cho hẳn một căn nhà đã lan khắp làng trên xóm dưới. Chuyện từ tai người nọ truyền sang tai người kia, qua mỗi người lại được thêu dệt, thêm bớt đôi phần. Thậm chí, vợ sắp cưới của anh Hùng làm lễ tân ở nhà khách thì mọi người biến thành tiếp tân ở nhà nghỉ. Trong khi, bác trưởng, bố tôi và chú út mới chỉ họp bàn kế hoạch dự tính ngày ăn hỏi, ngày cưới của anh Hùng thì cả làng đồn ầm là tháng sau anh Hùng lấy vợ…
Sau tiếng đổ vỡ, tôi nghe rõ tiếng bác dâu tôi khóc nức nở. Bác vừa nấc, vừa chì chiết bác trai: “Ông có bao giờ tin tôi đâu. Rõ ràng, chuyện thằng Hùng ông đã nói với ai trong họ hàng ngoài hai chú. Thế mà hôm nay tôi đi chợ, gặp con mẹ Thà (người đàn bà nổi tiếng đưa chuyện trong làng tôi), nó mát mẻ tôi, rằng sắp có con dâu làm nhà hàng, lại có nhà trên thị xã, đời được lên hương rồi. Người ta còn hỏi bỗ vào mặt tôi: Vợ thằng Hùng có mang rồi nên phải cưới gấp à? Ông bảo sao tôi không điên tiết lên cơ chứ? Bác trai tôi gằn giọng: “Thím ấy đã hay đưa chuyện thì bà phải sống sao cho quảng đại chứ. Đằng này, bà lại cứ làm to chuyện thêm. Trong nhà không đóng cửa bảo được nhau thì sao thiên hạ họ chẳng được thể mà đồn thổi. Bà cũng nhìn lại mình xem. Lần trước, con Hồng (là tên tôi) bị tai nạn, thằng bạn cùng lớp nó phải đưa đón cho đi nhờ xe đi học. Chuyện thế thôi mà bà chả đi phao tin khắp xóm là con Hồng nứt mắt ra đã có người yêu là gì. Bà xem lại mình đi”.
Nhà tôi và nhà bác cả, vách liền vách, cửa liền cửa, chuyện gì của nhà nọ mà nhà bên kia chẳng nghe tiếng. Tôi giận mẹ nhưng không nỡ to tiếng với bà. Những người đàn bà nông dân làng tôi, kể cả là chị em dâu, khi họ không muốn ai hơn mình thì thường sinh ra lắm chuyện. Tôi nhẹ nhàng bảo mẹ: “Anh Hùng là cháu mẹ, là anh con. Con coi bác cả cũng như bố mẹ, mẹ làm vậy để trả đũa bác dâu, anh em con sao nhìn mặt mà yêu thương nhau được”. Mẹ tôi rơm rớm nước mắt: “Mẹ đâu muốn thế. Nhưng tại ngày xưa, lúc mẹ mới về làm dâu, bác ấy đặt điều cho mẹ đủ thứ. Mẹ hận. Mẹ không nguôi…”.
Giờ thì tôi cũng đã hiểu, tại sao, từng nhiều lần, bố mẹ tôi bàn nhau muốn bán đất để mua chỗ khác xây nhà.