Khi những hệ luỵ của việc tăng giá gas, giá điện, giá than, thực phẩm… từ hồi đầu tháng 3 vẫn còn thì việc xăng bất ngờ tăng giá khiến người dân thêm sốc. Các chuyên gia kinh tế dự báo, lạm phát trong quý 2 tiếp tục ở mức cao và cơ bản đời sống người dân sẽ trở nên khó khăn hơn.
Giá xăng chính thức tăng thêm 2000 đồng/lít từ đêm 29-3 như một đòn giáng thêm vào túi tiền của người dân, khi mà những hệ luỵ của việc tăng giá gas, giá điện, giá than, thực phẩm… từ hồi đầu tháng 3 vẫn còn, khiến người dân thêm sốc. Giá xăng tăng, được đánh giá sẽ tạo hiệu ứng cho một đợt bùng phát giá mới.
Giá chỉ có chiều hướng “thăng thiên”
Từ đầu tháng 3, khi một loạt những mặt hàng thiết yếu như điện, xăng dầu… tăng giá thì kéo theo đó các mặt hàng khác như thép, xi măng, giá than và hầu hết các mặt hàng thực phẩm cũng đều tăng giá. Thực tế cho thấy, cước vận chuyển của các phương tiện đã được điều chỉnh lên thêm 15-20%; giá thép đột nhiên tăng vọt lên 600.000 đồng/tấn; giá bán than cho điện điều chỉnh lên thêm 28- 47%. Gây sốc nhất có thể nói là giá xăng khi từ ngày 24-2, mặt hàng này có biên độ tăng “lịch sử” lên tới 2.900 đồng/lít và chưa đầy một tháng sau đã tăng tiếp 2.000 đồng/lít.
Hôm qua, 30-3, trao đổi với Đại Đoàn Kết, ông Lê Văn Hồ, một cán bộ nghỉ hưu tại thị trấn Vạn Hà, huyện Thiệu Hóa, Thanh Hóa rất bức xúc nói: Sức ép giá cả leo thang hiện nay, cơ bản người dân chúng tôi hiểu được và “đồng cam cộng khổ” , nhưng chúng tôi rất lo ngại và bất bình trước việc các cơ quan chức năng không kiểm soát được thực tế giá cả “té nước theo mưa”. Người bán hàng cứ mượn cớ này cớ nọ để thổi giá lên cao. Đó không chỉ làm thị trường giá cả thêm rối ren, thiếu minh bạch mà còn tạo ra những hệ lụy khó lường. “Với đồng lương hưu trí còm cõi của tôi, đã quá khó khăn và chắt bóp chi tiêu. Vậy còn những người lao động phổ thông, thu nhập phập phù, chẳng hiểu rồi họ sẽ sinh sống ra sao khi giá cả tăng thế này”.
Trong vòng một tháng trở lại đây, giá cả các mặt hàng thực phẩm tăng tính theo ngày khiến người dân chóng mặt. Từ nửa cuối tháng 2 đến nay, nhiều hãng sữa ngoại và sữa nội đã âm thầm tăng giá lên 10-15%. Lý do được đưa ra là bởi phí vận chuyển, nguyên liệu đầu vào tăng cao.
Tại Hà Nội, theo khảo sát, tại chợ Hôm, chợ Cầu Giấy, chợ Trương Định (Hà Nội)… giá các loại thịt lợn đều đã tăng từ 30-40%. Cụ thể: thịt nạc thăn, sườn giá tăng từ 90 nghìn đồng lên 110 nghìn đồng/kg, thịt ba chỉ tăng từ 80 nghìn đồng lên 90 nghìn đồng/kg…; thịt thăn bò giá 190 nghìn đồng/kg, tăng 30 nghìn đồng so với trước đó.
Còn tại TP. Hồ Chí Minh, tại các chợ đầu mối Bình Điền, Hóc Môn, giá thịt heo, thịt gà, thủy hải sản tăng mạnh so với tuần trước. Đơn cử, tại các chợ Gò Vấp, chợ Tân Định… giá thịt heo ba rọi đã ở mức 90.000 đồng/kg, thịt heo đùi có giá 80.000 đồng/kg, sườn non ở mức 120.000 đồng/kg. Trước đó một tuần, giá thịt heo ba rọi đứng ở mức 80.000 đồng/kg, thịt heo đùi có giá 70.000 -75.000 đồng/kg … Riêng, thịt gà làm sẵn chỉ trong vòng 2 tuần đã tăng giá 6.000 – 16.000 đồng/kg, cao hơn 9.000 – 20.000 đồng/kg so với giá bình ổn. Tại chợ đầu mối Bình Điền (quận 8), nhiều mặt hàng thủy hải sản biển cũng đã tăng giá như: cá thu tăng 15.000đ/kg, cá bạc má tăng 4.000 đồng/kg; tôm, mực, tăng 5.000 – 20.000 đồng/kg…
Những hệ lụy nhãn tiền
Ông Văn Đức Mười, Tổng giám đốc Công ty Vissan khẳng định, từ ngày 1-4, các mặt hàng thực phẩm bình ổn thị trường của Công ty sẽ tăng giá khoảng 15% so với giá hiện nay. Nếu tình hình giá nguyên liệu vẫn bất thường, Công ty sẽ điều chỉnh tăng giá đợt tiếp theo với mức tăng bình quân 10% vào giữa tháng 4. Đại diện công ty TNHH Ba Huân cũng cho biết, hết ngày 31-3 công ty sẽ điều chỉnh giá cho hợp với giá cả thị trường, cụ thể sẽ tăng giá lên 15% đối với mặt hàng trứng. Tuy nhiên, khi giá xăng lên mức 21.300 đồng/lít thì giá vận chuyển sẽ tăng theo là điều tất yếu cho nên đến lúc đó doanh nghiệp sẽ tùy cơ ứng biến.
Khi điện, giá xăng dầu tăng thì những nhà hoạch định chính sách vẫn cho rằng, việc tăng giá những mặt hàng đó sẽ ảnh hưởng không lớn đến đời sống người dân. Tuy nhiên, những gì thực tế đang diễn ra, và sự “tăng đúp” giá xăng dầu đang chứng minh một điều hoàn toàn ngược lại. Hệ luỵ của việc tăng giá điện, giá xăng kéo theo một loạt các mặt hàng tăng giá là điều đã xảy ra. Giờ đây, sự tăng giá xăng thêm một lần nữa với mức cao đang khiến dư luận lo ngại rằng, sớm muộn sẽ bùng phát một làn sóng tăng giá mới ở hầu hết các mặt hàng.
Các chuyên gia kinh tế dự báo, lạm phát trong quý 2 tiếp tục ở mức cao và cơ bản là đời sống người dân sẽ trở nên khó khăn hơn và e rằng an sinh xã hội khó được đảm bảo như kỳ vọng trước những nỗ lực của Chính phủ. Và mục tiêu kiềm chế lạm phát dưới 7% trong năm nay sẽ khó thực hiện.