Giãn tĩnh mạch là một căn bệnh phổ biến ở nhiều người, đặc biệt là những người ngồi hoặc đứng lâu. Nhiều người tin rằng tập thể dục có thể chữa khỏi giãn tĩnh mạch. Tuy nhiên, liệu điều đó có đúng? Bài viết này sẽ giải đáp thắc mắc của bạn về việc tập thể dục có thể chữa khỏi giãn tĩnh mạch hay không.
Tập thể dục có thể chữa khỏi giãn tĩnh mạch không?
Suy giãn tĩnh mạch xảy ra do các van tĩnh mạch bị suy giảm chức năng khiến chúng không đóng kín hoặc đóng quá chậm. Tình trạng này khiến máu trong tĩnh mạch bị trọng lực đẩy ngược về bàn chân, không thể tuần hoàn trở về tim như bình thường. Khi lượng máu ứ đọng tại tĩnh mạch chân đủ lớn, người bệnh bắt đầu xuất hiện các triệu chứng như: sưng tấy, đau nhức, tê bì và tĩnh mạch giãn rộng, lồi lên khỏi bề mặt da.
Tĩnh mạch suy giãn và lồi lên khỏi bề mặt da bị biến đổi cấu trúc, không còn khả năng đàn hồi về kích thước ban đầu. Vì vậy, việc tập thể dục không làm chứng giãn tĩnh mạch biến mất. Tuy nhiên, người bệnh có thể cải thiện triệu chứng khó chịu và hạn chế giãn tĩnh mạch tiến triển nếu có chế độ tập luyện phù hợp.
Thực tế, tập các bài thể dục chân hoặc toàn thân nhẹ nhàng giúp tăng cường tuần hoàn máu, điều này có thể làm giảm áp lực lên hệ thống mạch máu và giúp van mạch máu hoạt động hiệu quả, đưa máu về tim tốt hơn. Bên cạnh đó, thể dục thường là một phần quan trọng của việc kiểm soát cân nặng – yếu tố nguy cơ dẫn tới sự hình thành của bệnh giãn tĩnh mạch chân hoặc làm nặng thêm triệu chứng của bệnh.
Hỏi đáp: Bệnh giãn tĩnh mạch chân có tự khỏi được không?
Các bài tập thể dục phù hợp với người bị giãn tĩnh mạch chân
Để đạt được những lợi ích này, người bệnh suy giãn tĩnh mạch cần lưu ý một số điều sau:
- Tránh các bài tập gây áp lực mạnh và đột ngột lên cơ thể, đặc biệt là vùng chân.
- Duy trì thói quen tập thể dục 30 phút mỗi ngày. Thời gian đầu, bạn nên chia làm 3 lần, mỗi lần 10 phút cho đến khi cơ thể quen dần.
Dưới đây là một số bài tập đơn giản và hiệu quả cho người giãn tĩnh mạch để bạn tham khảo:
Đi bộ
Đi bộ là bài tập đơn giản, an toàn và hiệu quả để kiểm soát các triệu chứng giãn tĩnh mạch. Theo đó, các động tác đi bộ làm tăng trương lực cơ bắp chân, làm thay đổi áp suất thuỷ tĩnh trong lòng tĩnh mạch và giúp các van tĩnh mạch “tạm thời” đóng kín. Quá trình này thúc đẩy tuần hoàn máu về tim tốt hơn, góp phần cải thiện triệu chứng: sưng tấy, phù nề, tê bì ở chân hiệu quả.
Bên cạnh đó, đi bộ đều đặn cũng giúp tăng cường sức mạnh cơ bắp, qua đó tăng cường khả năng chịu đựng của chân. Một số lưu ý giúp việc đi bộ đạt được hiệu quả tốt hơn gồm:
- Đi bộ tối thiểu 10 phút/ ngày, duy trì đều đặn 30 phút/ ngày.
- Nên đi bộ trên các bề mặt phẳng, không quá dốc và cứng như: sân cỏ, đường đất,…
- Có thể đeo vớ y khoa trong thời gian tập luyện nhằm hỗ trợ đưa máu về tim tốt hơn.
- Lựa chọn trang phục phù hợp, giày tập chuyên dụng để có buổi tập thoải mái.
- Ưu tiên không gian tập luyện ngoài trời, trong lành để có tinh thần tốt nhất.
Ngoài đi bộ, bạn cũng có thể lựa chọn một số môn thể thao khác như: bơi lội, đạp xe cũng cho hiệu quả tương tự. Trong quá trình tập luyện, nếu có bất kỳ khó chịu nào bạn cần dừng ngay và thông báo cho bác sĩ để được xử lý kịp thời.
Bài tập kéo giãn
Các động tác kéo giãn chân giúp thay đổi lực ép của các cơ bắp chân, từ đó cải thiện tuần hoàn máu tĩnh mạch. Ngoài ra, những động tác này giúp cải thiện sức mạnh cơ bắp, cải thiện cảm giác nhức mỏi chân hiệu quả. Một số bài tập phổ biến như:
Đạp xe trên không:
Người bệnh nằm trên sàn, sau đó nhấc chân và chuyển động chân theo vòng tròn giống như động tác đạp xe đạp. Động tác nâng cao chân này cũng giúp máu về tim tốt hơn.
Nhón gót:
Bạn đứng ở tư thế bình thường, sau đó nhón gót cao lên, dồn trọng tâm vào các ngón chân. Giữ nguyên tư thế trong khoảng 15 giây rồi trở về bình thường.
Nâng chân ra sau:
Bạn nằm sấp, bụng áp xuống sàn. Sau đó, từ từ nâng chân lên cao một góc 30 độ, kéo duỗi thẳng chân. Giữ nguyên khoảng 10 giây rồi trở về tư thế ban đầu.
Yoga
Các bài tập yoga nhẹ nhàng ở chân cũng giúp cải thiện tuần hoàn, giảm đau và giảm sưng tấy chân hiệu quả. Một số tư thế đơn giản, có thể thực hiện ngay tại nhà gồm:
Downward-facing dog:
Người bệnh bắt đầu với tư thế quỳ, hai tay chống xuống đất. Từ từ nâng hông lên cao để cơ thể tạo thành chữ “V” ngược, hai chân mở rộng bằng vai, giữ thẳng lưng. Duy trì khoảng 1- 3 phút.
Warrior 2:
Người bệnh đứng thẳng, chân và tay dang rộng. Từ từ hạ gối phải, hướng bàn chân phải ra ngoài. Sau đó, xoay đầu sang phải, mắt nhìn sang phải. Duy trì tư thế trong khoảng 3 – 5 phút rồi trở lại bình thường.
Bridge:
Người bệnh nằm ngửa trên sàn, đầu gối gập, úp bàn chân xuống sàn. Sau đó, ấn bàn chân và tay xuống sàn làm điểm tựa, nâng lưng lên khỏi mặt đất. Duy trì trong khoảng 10 giây đến 1 phút.
Tham khảo thêm: List bài tập yoga cho người bị giãn tĩnh mạch chân