Suy giãn tĩnh mạch chân là một bệnh lý phổ biến gây nhiều phiền toái và bất tiện cho người bệnh. Rất nhiều người băn khoăn liệu suy giãn tĩnh mạch chân có thể tự khỏi được hay không? Có rất nhiều ý kiến trái chiều về vấn đề này. Trong bài viết dưới đây, chúng tôi sẽ đưa ra thông tin mà bạn có thể tham khảo.
Mục lục
Nguyên nhân gây suy giãn tĩnh mạch chân
Suy giãn tĩnh mạch chân (suy giãn tĩnh mạch chi dưới) là tình trạng hệ thống tĩnh mạch ngoại vi giãn nở và nổi lên trên bề mặt da. Tình trạng này gây suy giảm chức năng đưa máu trở về tim của hệ thống tĩnh mạch nằm ở vùng chân, dẫn tới hiện tượng máu ứ đọng lại gây ra biến đổi về huyết động và biến dạng tổ chức mô xung quanh.
Khi bị suy giãn tĩnh mạch chân, biểu hiện chúng ta dễ nhận thấy nhất là mạch máu nổi lên trên bề mặt da, giãn lớn, phình to. Đôi khi, chạm vào tĩnh mạch bị sưng có cảm giác đau, nhức, khó chịu.
Suy giãn tĩnh mạch chân là bệnh lý phổ biến, bệnh do nhiều nguyên nhân gây ra. Tuy nhiên, dưới đây là các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh:
- Thói quen sinh hoạt, làm việc: Những người thường xuyên phải đứng hay ngồi lâu, ít vận động, mang vác nặng… máu dồn xuống chân, tạo áp lực lên các tĩnh mạch chân, gây tổn thương van tĩnh mạch, ngăn máu lưu thông.
- Tuổi tác: Tuổi càng cao, cơ thể suy yếu kéo theo các bệnh, trong đó có bệnh suy giãn tĩnh mạch chân.
- Thừa cân béo phì: Chế độ ăn uống không hợp lý, thừa cân béo phì gây áp lực cho tĩnh mạch chi dưới cũng làm tăng nguy cơ tổn thương và rò rỉ các van.
- Phụ nữ mang thai: Khi mang thai lượng máu trong cơ thể phụ nữ tăng lên khiến tĩnh mạch chân gặp cản trở trong quá trình chuyển máu trở về tim. Tử cung bắt đầu mở rộng gây áp lực lên tĩnh mạch vùng xương chậu. cũng là nguyên nhân dẫn đến giãn tĩnh mạch.
- Bẩm sinh: Người bị giãn tĩnh mạch bẩm sinh do khiếm khuyết van bẩm sinh.
- Di truyền: Nếu người thân trong gia đình có tiền sử mắc suy giãn tĩnh mạch nông chi dưới thì bạn có nguy cơ cao mắc bệnh này.
Suy giãn tĩnh mạch chân có tự khỏi được không?
Bệnh suy giãn tĩnh mạch chân có nhiều mức độ, giai đoạn và bắt nguồn từ rất nhiều nguyên nhân khác nhau. Các yếu tố này sẽ quyết định đến thời gian mắc bệnh cũng như phương pháp điều trị bệnh. Bệnh suy giãn tĩnh mạch chân không thể tự khỏi.
Khi bị suy giãn tĩnh mạch chân tức là các van tĩnh mạch đã bị suy yếu và rò rỉ. Các van này sẽ không thể tự hồi phục. Bệnh không được can thiệp có thể tiến triển và cần có kế hoạch điều trị. Nếu không điều trị, bệnh có chuyển biến xấu gây đau chân, hình thành các vết loét không thể lành. Những biến chứng này thay đổi và phát triển theo thời gian và hầu như không thể tự khỏi. Lúc đó, người bệnh đau đớn, khó khăn trong việc đi lại và suy giảm sức khỏe tổng thể.
Các phương pháp điều trị suy giãn tĩnh mạch chân
Có nhiều phương pháp điều trị suy giãn tĩnh mạch chân như: điều trị nội khoa, phẫu thuật hoặc laser… giúp người bệnh thoát khỏi đau đớn và ngăn ngừa những biến chứng nguy hiểm của bệnh.
Điều trị nội khoa
- Thuốc tăng trương lực tĩnh mạch: Diosmin, Hesperidin, Rutosides, Troxerutin… giúp làm giảm áp lực lên tĩnh mạch và tăng sức bền cho tĩnh mạch bị suy yếu.
- Thuốc kháng sinh: beta-lactam, cephalosporin, tetracyclin, clindamycin,… được dùng trong trường hợp nhiễm khuẩn hoặc dự phòng nhiễm khuẩn nếu tổn thương sâu và lan rộng.
- Thuốc chống viêm: prednisolon, methylprednisolon, betamethasone, dexamethason,… giúp ức chế quá trình viêm, làm giảm các triệu chứng sưng đau, nóng rát,…
- Thuốc chống đông: nhóm Heparin, thuốc kháng vitamin K, thuốc chống kết tập tiểu cầu aspirin, clopidogrel, ticlopidin,… dùng trong điều trị và dự phòng huyết khối tĩnh mạch.
Điều trị bằng tiêm xơ
Tiêm xơ là một trong những phương pháp điều trị suy giãn tĩnh mạch phổ biến hiện nay. Để thực hiện phương pháp tiêm xơ, bác sĩ sẽ tiêm một chất gây xơ vào trong tĩnh mạch nông. Chất này giúp làm tổn thương nội mạc và thành phần lân cận của lớp trung mạc và hình thành huyết khối làm tắc lòng tĩnh mạch bị suy. Phương pháp này giúp người bệnh giảm đau vfa hạn chế sự phát triển của bệnh.
Dùng vớ y khoa
Vớ y khoa hay còn được gọi là vớ nén giúp tạo tạo áp lực lên chi dưới giúp các tĩnh mạch không bị giãn nở thêm qua đó cải thiện tình trạng giãn tĩnh mạch, giúp tĩnh mạch động tốt hơn. Ngoài ra, dùng vớ y khoa giúp quá trình lưu thông máu được thuận lợi, ngăn cản hình thành cục máu đông, hạn chế tình trạng đau mỏi, sưng phù chân.
Tuy nhiên, trước khi dùng vớ y khoa, người bệnh nên thăm khám và tham khảo ý kiến bác sĩ để dùng vớ đúng size để mang lại hiệu quả điều trị cao nhất.
Phẫu thuật bằng Laser
Phương pháp laser điều trị suy giãn tĩnh mạch chân thường được sử dụng đối với người bệnh độ 2 trở lên. Để thực hiện phương pháp này, bác sĩ sẽ dùng nhiệt từ ánh sáng laser để làm teo tĩnh mạch bị giãn. Bác sĩ luồn một que đốt laser vào trong lòng tĩnh mạch. Tia laser được tạo ra sẽ đốt vào vị trí cần can thiệp rồi được kéo dần ra khỏi đó, khiến 2 bên thành tĩnh mạch dần dính liền với nhau và không cho máu chảy qua nữa.
Phẫu thuật suy tĩnh mạch
Phẫu thuật suy tĩnh mạch là phương pháp cuối cùng bác sĩ sẽ đưa ra, với những trường hợp suy giãn tĩnh mạch biến chứng quá nặng nề mà không thể chữa trị bằng phương pháp khác, bác sĩ mới quyết định phẫu thuật.
Người bệnh suy giãn tĩnh mạch chân nên làm gì để nhanh khỏi?
Để quá trình điều trị bệnh nhanh chóng và mau khỏi hơn, người bệnh cần tuân thủ thực hiện phương pháp điều trị theo đúng chỉ dẫn khác của bác sĩ.
Ngoài ra, khi bị suy giãn tĩnh mạch chân, người bệnh cần chú ý một số lưu ý quan trọng sau để việc điều trị bệnh hiệu quả hơn:
Thói quen vận động hợp lý:
- Người bệnh nên có thói quen vận động hợp lý bằng cách thường xuyên tập luyện thể thao, đi bộ mỗi ngày hoặc đạp xe, bơi lội giúp tăng cường bơm máu của cơ chi dưới, tránh tích tụ máu ở chân gây ra chứng giãn tĩnh mạch.
- Tập luyện các bài tập tăng cường bắp chân, gấp duỗi cổ chân, xoay tròn khớp cổ chân nhẹ nhàng. Tránh các bài tập có cường độ mạnh như chạy có thể gây ra sự khó chịu cho người bị suy giãn tĩnh mạch.
Thói quen sinh hoạt hợp lý:
- Nên có thói quen làm việc và sinh hoạt hợp lý, tránh ngồi hoặc đứng qua lâu. Nếu có thể, khi ngồi thường xuyên cử động gấp duỗi chân giúp máu lưu thông.
- Tránh bắt chéo chân ở đầu gối khi ngồi. Bắt chéo chân ở đầu gối làm chèn ép tĩnh mạch và ngăn máu lưu thông.
- Kê chân cao khi ngồi nếu công việc thường xuyên ngồi.
Chế độ ăn uống khoa học:
- Ăn uống đầy đủ vitamin: cam, quýt, ngũ cốc, cá béo, tôm, cua… giúp cơ thể khỏe mạnh, phòng ngừa bệnh tật
- Nên bổ sung đầy đủ nước mỗi ngày, tránh bia, rượu, thuốc lá
- Tránh ăn nhiều muối, đường.
Xem thêm: Bệnh suy giãn tĩnh mạch nên ăn gì? kiêng gì?
Lựa chọn trang phục:
Nên mặc quần áo rộng rãi, thoáng mát, tránh mặc quần áo ôm sát người, đi giày cao gót, giày dép quá chật sẽ khiến mạch máu khó lưu thông.
Thăm khám bác sĩ:
Nên tái khám theo lịch bác sĩ đưa ra để bác sĩ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp. Ngoài ra, nếu chưa mắc bệnh, bạn cũng nên có thói quen khám sức khỏe tổng quát ít nhất là 6 tháng/ lần nhằm phát hiện sớm các bệnh lý để có biện pháp can thiệp kịp thời, tránh biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.
Bệnh suy giãn tĩnh mạch chân nếu được điều trị kịp thời, đúng cách sẽ cho bạn kết quả tốt hơn. Người bệnh không nên để đến khi bệnh trở nặng, xuất hiện các biến chứng mới đi khám. Khi có bất kỳ triệu chứng nào, bạn hãy đến các cơ sở y tế uy tín để được thăm khám, điều trị bệnh sớm nhằm tránh những biến chứng của bệnh xảy ra nhé.