Chuột rút chân vào ban đêm là tình trạng khá phổ biến mà rất nhiều người gặp phải, chúng có thể khiến bạn bị thức giấc vì những cơn đau buốt, co cứng đột ngột. Nếu xảy ra thường xuyên và kéo dài, chắc hẳn sức khỏe cũng như chất lượng cuộc sống của bạn sẽ bị ảnh hưởng. Vậy giải pháp cho vấn đề này như thế nào? Hãy cùng tìm hiểu tại bài viết sau nhé!
Mục lục
Nguyên nhân gây chuột rút chân vào ban đêm
Chuột rút là hiện tượng co thắt cơ bắp đột ngột gây đau, thường xay ra ở khu vực chân, đùi hoặc bàn chân. Tình trạng chuột rút chân vào ban đêm xảy ra khá phổ biến, đặc biệt là ở những người trên 50 tuổi, phụ nữ mang thai, hoặc người mắc một số bệnh lý như tiểu đường, cơ xương khớp, suy giãn tĩnh mạch…
Sau đây là một số nguyên nhân phổ biến gây chuột rút chân vào ban đêm:
Thiếu nước và khoáng chất
Khi thiếu nước, cơ thể sẽ mất điện giải khiến khả năng dẫn truyền thần kinh bị suy giảm, điều này làm cho cơ bắp co cứng và gây chuột rút. Ngoài ra, nếu cơ thể bạn thiếu các khoáng chất như canxi, magiê, kali và natri… thì ccơ bắp cũng không thể hoạt động bình thường và dễ bị co thắt. Tình trạng thiếu nước và khoáng chất có thể xảy ra do bạn không uống đủ nước mỗi ngày, bị đổ mồ hôi quá nhiều, dùng thuốc lợi tiểu hoặc có thai…
Tư thế ngủ không thoải mái
Nếu tư thế ngủ của bạn mà phần chân không được thoải mái, bị gò bó hoặc kéo căng quá mức sẽ khiến các cơ bắp bị kích thích và gây ra tình trạng chuột rút chân vào ban đêm. Tư thế ngủ đúng, hạn chế chuột rút là chân được duỗi ra tự nhiên hoặc gập nhẹ lại để giảm áp lực lên cơ bắp.
Vận động quá sức hoặc ít vận động
Vận động quá sức hay ít vận động đều là nguyên nhân gây nên tình trạng chuột rút ở chân. Bởi nếu bạn vận động quá sức cơ bắp sẽ bị căng cứng và mệt mỏi, dễ dẫn đến chuột rút. Còn ngược lại, nếu bạn ít vận động trong thời gian dài, cơ bắp sẽ bị teo nhỏ và yếu đi, cũng gây ra chuột rút. Vậy nên, bạn cần vận động, tập thể dục vừa phải và đều đặn để duy trì sức mạnh cơ bắp, hạn chế tình trạng chuột rút.
Mang thai
Phụ nữ mang thai là đối tượng dễ gặp tình trạng chuột rút chân vào ban đêm, đặc biệt vào những tháng cuối thai kỳ. Bởi vì lúc này trọng lượng cơ thể tăng gây áp lực nhiều lên các bắp chân cộng với việc tử cung mở rộng để tạo không gian phát triển cho em bé gây chèn ép lên tĩnh mạch khiến máu không thể về tim hoặc do chèn ép lên dây thần kinh từ tủy sống xuống chân gây tê mỏi chân, chuột rút…
Bị suy giãn tĩnh mạch chân
Suy giãn tĩnh mạch chân là tình trạng các van tĩnh mạch hoạt động không hiệu quả khiến máu bị ứ đọng lại trong lòng tĩnh mạch không trở được về tim gây nên nhiều triệu chứng khó chịu, trong đó có tê mỏi, nặng chân, chuột rút chân. Đối tượng dễ gặp phải tình trạng này là người làm các công việc hay phải đứng nhiều hoặc ngồi nhiều, phụ nữ lớn tuổi, người phải tiếp xúc liên tục với nhiệt độ cao…
☛ Tìm hiểu thêm: Suy giãn tĩnh mạch chân có tự khỏi được không?
Mắc các bệnh lý nội tiết, thần kinh và cơ xương khớp
Nếu bạn mắc một số bệnh lý như bệnh tiểu đường, bệnh Parkinson, bệnh thần kinh ngoại biên, bệnh gút, viêm khớp, thoái hóa khớp hoặc các tổn thương ở cột sống cũng có thể gây ra chứng chuột rút vào ban đêm. Những bệnh lý này thường gây ảnh hưởng đến chức năng của thần kinh và cơ bắp, làm cho chúng dễ bị co cứng và đau nhức.
☛ Đọc thêm: Hay bị chuột rút chân ban đêm là bệnh gì?
Cải thiện chuột rút chân vào ban đêm như thế nào
Tùy thuộc vào nguyên nhân gây chuột rút chân vào ban đêm mà chúng ta có những cách khắc phục khác nhau, phù hợp cho mỗi trường hợp. Chẳng hạn như:
Bổ sung nước và khoáng chất
Nếu nguyên nhân gây chuột rút chân là do cơ thể thiếu nước và khoáng chất thì cách cải thiện là bạn nên uống đủ nước trong ngày, khoảng 2-3 lít mỗi ngày. Ngoài ra, bạn cũng nên bổ sung các khoáng chất như canxi, magiê, kali và natri bằng cách ăn các thực phẩm giàu khoáng chất như sữa, rau xanh, chuối, khoai lang, dưa hấu hoặc uống các loại nước giải khát có chứa điện giải.
Điều chỉnh tư thế ngủ phù hợp
Nếu chuột rút chân về đêm xay ra do tư thế ngủ chưa đúng thì bạn cần điều chỉnh lại, nên để chân ở tư thế thoải mái khi ngủ, không để chân bị gò bó hoặc kéo căng quá mức. Có thể dùng gối để nâng cao hoặc gập nhẹ chân khi ngủ giúp giảm áp lực lên cơ. Ngoài ra, bạn cũng nên nới lỏng chăn và ga trải giường để chân không bị nén chặt.
Vận động vừa sức và đều đặn
Để hạn chế gặp phải tình trạng chuột rút chân về đêm, bạn nên vận động thường xuyên bằng các bài thể dục phù hợp với sức khỏe. Mỗi ngày nên dành ra ít nhất 30 phút để tập thể dục vừa nâng cao sức khỏe chung, vừa tăng cường sức mạnh của cơ bắp. Bạn có thể chọn các môn thể dục nhẹ nhàng như đi bộ, đạp xe, bơi lội hoặc yoga. Lưu ý là nên khởi động trước khi tập thể dục và làm giãn cơ sau khi tập thể dục để giảm căng thẳng cho cơ bắp.
Điều trị các bệnh lý gốc
Nếu nguyên nhân gây chuột rút chân là do mắc cách bệnh lý thì điều cần thiết nhất để cải thiện là điều trị các bệnh lý gốc. Nếu bạn bị các bệnh lý như nội tiết, thần kinh hoặc cơ xương khớp… thì cần phải đi thăm khám và điều trị theo chỉ định của bác sĩ. Ngoài ra, bạn cũng cần tuân thủ các chỉ dẫn về chế độ ăn uống, dùng thuốc và vận động để kiểm soát bệnh lý và giảm biến chứng.
Còn với bệnh lý suy giãn tĩnh mạch chân, nếu ở giai đoạn nhẹ, bạn có thể cải thiện bằng cách dùng thuốc, vật lý trị liệu hoặc sử dụng gối chống giãn tĩnh mạch, vớ y khoa… còn nặng hơn thì cần can thiệp ngoại khoa với các kỹ thuật cắt tĩnh mạch, xơ hóa nội tĩnh mạch, laser tĩnh mạch… Cùng với đó bạn cần kết hợp với các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn biến chứng như tập thể dục thường xuyên, giữ cân nặng hợp lý, chọn quần áo, giày dép vừa vặn, tránh xa thuốc lá và đồ uống có cồn…
☛ Có thể bạn quan tâm: Bệnh suy giãn tĩnh mạch có nên đi bộ không?
Massage chân
Massage chân là một cách hiệu quả giúp cải thiện chuột rút. Massage làm giãn các cơ bắp, kích thích tuần hoàn máu từ đó giảm tê mỏi, đau nhức. Bạn có thể bắt đầu bằng việc xoa nhẹ chân từ mắt cá chân lên đến đầu gối, sử dụng hai tay để tạo áp lực vừa phải. Lặp lại khoảng 10 lần cho mỗi chân. Thực hiện đều đặn mỗi ngày sẽ thấy tình trạng chuột rút chân cải thiện đáng kể.
Chườm nóng
Chườm nóng làm các cơ giãn ra, từ đó giảm tình trạng đau và co thắt cơ do chuột rút. Bạn có thể dùng túi chườm nóng để chườm lên vùng bị chuột rút. Nếu không có túi chườm, bạn có thể thay thế bằng một chai nước ấm. Chườm khoảng 10-15 phút sẽ giúp giãn cơ, tăng cường tuần hoàn máu hiệu quả. Ngoài chườm nóng, bạn cũng nên xoa bóp, kéo căng và tập giãn cơ ở vùng bị chuột rút để giảm đau và căng cứng cơ.
Kết luận
Trên đây là những thông tin về nguyên nhân cũng như một số giải pháp hiệu quả cho bệnh chuột rút chân về đêm. Hi vọng với những gì chúng tôi chia sẻ, các bạn đã có thêm phần nào kiến thức giúp chăm sóc sức khỏe bản thân tốt hơn. Nếu các bạn có bất cứ câu hỏi nào, hãy để lại thông tin dưới phần bình luận, chuyên gia của chúng tôi luôn sẵn sàng để giải đáp.