Rối loạn mỡ máu là tình trạng bệnh lý tim mạch phổ biến, nhất là trong cuộc sống hiện đại ngày nay. Bên cạnh việc tuân thủ theo phác đồ điều trị của bác sĩ, người bệnh cũng nên lưu ý nhiều hơn đến chế độ ăn uống. Vậy rối loạn mỡ máu nên ăn gì và kiêng gì để bệnh mau khỏi?
Mục lục
Rối loạn mỡ máu là gì?
Rối loạn mỡ máu hay còn gọi là mỡ máu cao, máu nhiễm mỡ. Thực chất, đây là tình trạng biểu thị sự bất thường về nồng độ và tính chất của các thành phần mỡ máu, bao gồm: cholesterol, LDL – c (cholesterol xấu), HDL – c (cholesterol tốt), triglyceride (chất béo trung tính),…
Rối loạn mỡ máu nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn tới xơ vữa động mạch, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não, viêm tụy,… đi cùng với đó là các tình trạng tăng huyết áp, đái tháo đường, béo phù, gout,… thậm chí có những trường hợp bệnh chuyển nặng, diễn tiến xấu có thể dẫn tới tử vong.
Còn tùy thuộc vào mức độ máu nhiễm mỡ mà bác sĩ sẽ lựa chọn phác đồ điều trị phù hợp với từng bệnh nhân. Tuy nhiên, phần lớn sẽ được yêu cầu kết hợp việc dùng thuốc và thay đổi lối sống. Trong đó có bao gồm chế độ ăn uống lành mạnh, khoa học.
Rối loạn mỡ máu nên ăn gì?
Người bị rối loạn mỡ máu được khuyến cáo nên bổ sung đa dạng các nguồn dinh dưỡng, tuy nhiên cần cân đối thật khoa học và phù hợp với thể trạng riêng của mỗi người, không nên sa đà dẫn tới thừa cân, béo phì. Dưới đây là một số nhóm, loại thực phẩm mà người bị mỡ máu cao nên ăn:
1. Chất xơ và vitamin
Chất xơ có ý nghĩa quan trọng đối với việc điều hòa lượng mỡ máu, chúng sẽ hấp thụ một phần chất béo và cholesterol sau đó đưa chúng đi ra ngoài cơ thể theo đường bài tiết. Do đó, người bị rối loạn mỡ máu nên tăng cường bổ sung các loại thực phẩm chứa nhiều chất xơ và vitamin.
Chúng thường có trong:
- Rau xanh (đặc biệt là rau màu xanh đậm)
- Các loại đậu
- Trái cây: táo, cam, đu đủ, nho,…
- Nấm hương
- Hành tây
- Các loại ngũ cốc nguyên hạt
2. Axit béo chưa no có nhiều nối đôi
Một vài nghiên cứu đã chỉ ra rằng axit béo chưa nó có nhiều nối đôi (omega 3, omega 6) có nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe, đặc biệt là có khả năng làm giảm lượng cholesterol xấu, tăng cường cholesterol tốt, ngăn ngừa các bệnh lý tim mạch, điều chỉnh huyết áp.
Do đó, người bị bệnh rối loạn cần lưu ý bổ sung thêm axit béo chưa no có nhiều nối đôi vào trong chế độ dinh dưỡng cửa mình. Chúng thường có trong các loại cá béo (cá trích, cá hồi, cá thu), các loại hạt (óc chó, hạt điều, hạt vừng,…), các loại dầu thực vật (dầu oliu, dầu vừng).
3. Các loại thịt trắng
Thịt trắng được nghiên cứu là có hàm lượng cholesterol thấp hơn thịt đỏ. Do đó, bạn có thể bổ sung xen kẽ các món ăn từ thịt trắng thay cho thịt đỏ vào thực đơn hàng ngày.
4. Nước
Nước đóng vai trò thiết yếu trong cơ thể sống, đặc biệt là quá trình bài tiết, bởi nước giúp thải bỏ các chất độc hại ra khỏi cơ thể. Do đó, người bị rối loạn mỡ máu nên chú ý bổ sung nước đầy đủ cho cơ thể mỗi ngày.
Bên cạnh nước lọc, bạn có thể điều chỉnh bổ sung thêm một số loại nước uống giúp hạ mỡ máu an toàn, hiệu quả.
Bệnh mỡ máu cao nên kiêng ăn gì?
Bên cạnh nhóm thực phẩm nên ăn, người bệnh rối loạn mỡ máu cũng nên hạn chế tiêu thụ các loại thực phẩm liệt kê dưới đây:
1. Thực phẩm có hàm lượng cholesterol cao
Cholesterol không hoàn toàn xấu, việc bạn nạp cholesterol hàng ngày cũng không hề gây hại cho sức khỏe nếu như hàm lượng nạp vào không quá cao.
Đặc biệt, có một vài nhóm thực phẩm có chứa hàm lượng cholesterol cao không tốt cho sức khỏe và người có bệnh lý tim mạch nên hạn chế tiêu thụ, đó là: não, nội tạng động vật, đồ ăn nhiều dầu mỡ, đồ ăn chiên rán lại nhiều lần, nước uống có ga,…
2. Chất béo no
Chất béo no (chất béo bão hòa) không chỉ làm tăng hàm lượng cholesterol mà còn làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch. Do đó, cần hạn chế sử dụng các thực phẩm chứa chất béo no như: mỡ, bơ, da động vật, sữa, bánh quy,… trong khẩu phần ăn của người mắc rối loạn mỡ máu.
3. Hạn chế ăn tối muộn
Khoảng thời gian ban đêm thường là lúc cơ thể chúng ta nghỉ ngơi, thư giãn, ít tiêu hao năng lượng. Việc ăn tối quán muộn có thể khiến cơ thể không kịp tiêu hóa năng lượng nạp vào, lượng cholesterol dư thừa sẽ tích tụ trong mô mỡ và thành mạch. Duy trì thói quen xấu này có thể dẫn đến tình trạng xơ vữa động mạch. Do vậy, bạn nên sắp xếp thời gian hợp lý để có thể ăn uống đúng giờ, kết hợp tập thể dục điều độ để dinh dưỡng được nạp vào hợp lý.
4. Đồ uống có cồn
Đối với một người có sức khỏe bình thường hay bệnh nhân bị mỡ máu cao cũng cần hạn chế tiêu thụ rượu bia. Đây được coi là một trong những nguyên nhân làm tăng chỉ số mỡ máu triglyceride.
5. Đường
Tiêu thụ quá nhiều đường có thể khiến bạn đối mặt với nhiều tình trạng sức khỏe như tiểu đường, béo phì và cả rối loạn mỡ máu.
6. Thuốc lá
Hút thuốc lá không chỉ làm ảnh hưởng đến phổi, nó còn khiến cho lòng động mạch bị eo hẹp, cản trở việc máu lưu thông, tăng nguy cơ đối mặt với các tình trạng biến cố tim mạch.
7. Muối
Tiêu thụ quá nhiều muối không chỉ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tăng huyết áp mà còn gây ra tình trạng mỡ máu cao. Các chuyên gia y tế khuyến cáo nên tiêu thụ dưới 6g muối/ngày. Bạn nên ưu tiên sử dụng các loại thực phẩm tươi thay cho thực phẩm đóng hộp, giảm thiểu các món ăn muối chua để lâu ngày.
☛ Có thể bạn muốn biết: 7 loại bệnh có thể do rối loạn mỡ máu gây ra!
Rối loạn mỡ máu có thể xảy ra với bất kỳ ai, bất kỳ giới tính hay độ tuổi nào. Do đó, để chủ động ngăn ngừa và bảo vệ sức khỏe của mình, bạn nên giữ thói quen sống lành mạnh bao gồm ăn uống và tập thể dục điều độ kết hợp thăm khám sức khỏe định kỳ.