Thế rồi chẳng biết từ lúc nào, chẳng những Ngần không thấy khó chịu khi thấy chồng giúp đỡ bạn bè mà trái tim chị còn đập xôn xao, tự hào khi nhìn ánh mắt cảm động đầy biết ơn của họ. Đất chẳng chịu trời thì trời đành chịu đất. Chẳng cải tạo được chồng, Ngần đành tự an ủi: Có lẽ ông ấy xởi lởi nên ông trời thương mà cho ông ấy lắm lộc.
– Đừng cố thay đổi anh, anh mãi vẫn thế thôi, em không chịu được thì li dị…
Đó là câu của Thịnh khi Ngần dằn vặt, cáu bẳn trách móc anh vì tội hoang phí, sĩ diện, tiêu tiền không biết tính toán. Ngần từng tự hào là đã cải tạo được chồng từ anh chàng hút thuốc như ống khói lò cao mà bây giờ một điếu thuốc cũng không hút, từ một người đàn ông ăn ở luộm thuộm, bẩn thỉu trở thành ngăn nắp gọn gàng, từ một chàng trai hết giờ là ngồi quán bây giờ đã biết về nhà giúp vợ đón con, cùng vợ chăm lo việc gia đình. Ngần hãnh diện tài dạy chồng của mình, nhưng Thịnh nói: “Chẳng ai dạy được ai đâu, chỉ có tình yêu dạy cho người ta điều phải làm để có hạnh phúc thôi. Anh yêu em thì tự anh thay đổi mình, chứ đừng có mơ…”. Ngần bĩu môi: Sĩ diện… Nhưng rồi Ngần nhận ra có một điều mà cô không thể cải tạo được chồng, đó là tính hoang, tiêu tiền không cần tính. Nhưng Thịnh cãi: Anh tiêu đúng chỗ, không hề hoang…
Thịnh thông minh, tài hoa, anh không buôn bán kinh doanh, chỉ kiếm tiền bằng chất xám, thuần túy khoa học, tuy không giàu nhưng mỗi năm anh cũng làm ra vài trăm triệu. Tính Thịnh xởi lởi, hay giúp người. Thấy cậu nhân viên mới không có máy tính cứ phải ra quán net để làm luận văn, Thịnh xách ngay cái máy tính của mình đến cho. Ngần cáu thì anh bảo: “Cái máy cũ ấy mà… anh đã định lên đời từ lâu rồi…”.
Cậu bạn vay anh 5 triệu đồng để thanh toán viện phí cho vợ, Thịnh chẳng ngần ngừ, cho luôn, bảo: “Không phải vay, coi như quà của tớ thăm vợ cậu”. Ngần mắng anh: “Sợ tiền đè chết người hay sao mà coi tiền như vỏ hến thế”, Thịnh cười: “Xởi lởi trời cho mà em…”.
Thịnh chẳng phải con trưởng, bố Thịnh cũng không phải trưởng họ, vậy mà khi làm nhà thờ họ mọi người tính ra phải tốn 150 triệu đồng, Thịnh nhận đóng 100 triệu đồng, cả họ mừng như bắt được vàng, còn Ngần tái mặt vì tức. Trận ấy Ngần sỉ vả Thịnh hợm tiền, coi khinh vợ, làm gì cũng tự ý… Thịnh bảo: “Họ nhà mình đều nghèo, bỏ ra vài triệu đâu có dễ… Anh nghĩ là em cũng đồng ý… Với lại mình có lòng thì tổ tiên sẽ cho lộc…”.
Mấy đứa cháu nhà Thịnh lên Hà Nội học mà mẹ chỉ cho 500 nghìn mỗi tháng, nói: “Cả gia tài đấy, bố mẹ chỉ có thể chu cấp được thế thôi, muốn đi học thì phải tự kiếm tiền mà học, không thì nghỉ học về quê đi cày…”. Thế là Thịnh lại lôi chúng về nhà cho ở, cho ăn miễn phí. Ngần điên lắm nhưng Thịnh bảo: “Chúng học có 5 năm chứ có ở với mình cả đời đâu mà tính toán. Giúp cháu mình chứ đâu phải người ngoài…”.
Đâu đã xong, nuôi chúng ăn học xong thì lại đến đoạn tìm việc cho chúng làm. Với những mối quan hệ và uy tín của Thịnh thì xin việc cho các cháu không khó nhưng Thịnh là người biết ơn nên xin việc cho các cháu xong anh cứ như người mắc nợ bạn bè, nhà họ có việc là anh lại lăn đến làm, hết lòng, hết tình, tốn công tốn của còn hơn cả đi đút lót xin việc khiến Ngần nhiều lần bực mình cáu bẳn… Thịnh lại bảo: “Mỗi người có một cách sống, mình có điều kiện mà không giúp người thân, bạn bè khi họ khó khăn thì anh áy náy lắm. Lúc nào anh cũng bị dằn vặt vì mình ích kỷ. Giúp được họ anh thấy lòng thanh thản. Em đừng cố thay đổi anh, vì giúp mọi người, anh thấy mình được nhiều hơn là mất…”.
Đất chẳng chịu trời thì trời đành chịu đất. Chẳng cải tạo được chồng, Ngần đành tự an ủi: “Có lẽ ông ấy xởi lởi nên ông trời thương mà cho ông ấy lắm lộc”. Thế rồi chẳng biết từ lúc nào, chẳng những Ngần không thấy khó chịu khi thấy chồng giúp đỡ bạn bè mà trái tim chị còn đập xôn xao, tự hào khi nhìn ánh mắt cảm động đầy biết ơn của họ. Ngần nghe trong gió thoảng lời thầm thì của sách: “Đừng nghĩ đến chuyện cải tạo bạn đời mà hãy nghĩ đến việc thay đổi mình để hai người xích lại gần nhau. Khi ấy sẽ thấy hạnh phúc”.