Chọn quà cho “nhạc phụ, nhạc mẫu” tương lai được đánh giá là “khó hơn cả mua quà cho người yêu, khó hơn cả mua quà cho bố mẹ mình”. Để có được món quà tặng vừa hợp túi tiền, vừa làm hài lòng bố mẹ người yêu, các bạn trẻ đã bỏ nhiều thời gian, công sức nghiên cứu sở thích, nghề nghiệp, thói quen.. của các cụ.
Minh Tuấn (năm cuối ĐH Kiến trúc) biết bố của bạn gái làm nghề hàn cổng, cửa sắt. Ông là thợ lành nghề, rất khéo tay và sáng tạo. Có điều các mẫu thiết kế không nhiều. Thành ra, đôi khi ông lâm vào thế “bí”, nhà này lặp lại họa tiết của nhà kia. Biết được điều này, Tuấn đã lên một kế hoạch. Cậu lên mạng tìm vài mẫu thiết kế cổng sắt đơn giản nhưng mới lạ.
Đau đầu chọn quà cho nhạc phụ nhạc mẫu tương lai
Sau đó còn tự tay vẽ nhiều mẫu mới, kết hợp các họa tiết lại với nhau. Bạn bè cũng được huy động vào cuộc. Gần Tết, cậu mang khoe với cô bạn gái tập sách được in, đóng quyển cẩn thận với gần 100 mẫu thiết kế cổng, cửa sắt, khiến nàng cũng phải bất ngờ.
Tuấn cho biết: “Làm tập mẫu này không tốn nhiều tiền, chỉ cần đầu tư nhiều thời gian và thêm chút chất xám là được. Với nữa, đây cũng là một cơ hội tốt để thực hành. Làm xong tập sách mà thấy tay nghề lên cao hẳn. Bọn bạn cứ tấm tắc khen mình “khôn”. Mình thì tin chắc là bác ấy sẽ thích món quà này”.
Cái được nhất của Tuấn là đã khai thác được đúng sở trường của bản thân làm món quà có ý nghĩa cho phụ huynh.
Trường hợp của Trương Xuân Nam (ĐH Công nghiệp Hà Nội, quê Thái Bình) càng chứng tỏ rằng, ý tưởng luôn là quan trọng nhất, còn việc thực hiện, dù khó nhọc đến mấy cũng có thể làm được.
Lần đầu tiên ra mắt nhà bạn gái, cậu đã choáng ngợp với vườn cây cảnh của nhà nàng. Ông bố nàng là cán bộ huyện về hưu, sở thích duy nhất là chơi cây cảnh. Bộ sưu tập của ông đã lên đến 40 chậu cây đủ kiểu dáng, kích cỡ, màu sắc. Trong tuần trà đàm đạo, ông đã “vô tình để lộ” mong muốn là có một cây sung uốn cong cong dáng hình thiếu nữ, trồng trong chậu hình bầu dục.
Cậu chàng rất nhanh đã quyết định sẽ làm ông bất ngờ với một chậu sung như mong đợi. Rất may là Nam có ông anh trai làm bên ĐH Nông nghiệp. Sau một hồi nài nỉ, anh trai đã đồng ý giúp cậu làm một chậu y như mô tả, tất nhiên là ông anh chỉ làm nhiệm vụ tư vấn.
Gần một năm trời hai anh em uốn uốn, tỉa tỉa, cây sung đã có được cái dáng thiếu nữ như cha nàng mong đợi. Mới cách đây hai ngày, Nam vui mừng thông báo cho tôi là bác trai đã nhận món quà với một niềm vui sướng… hiếm thấy. Ông cứ vỗ vai Nam mà gật gù: “Mày có lòng đấy. Làm con rể bác được đấy”.
Nam hỉ hả: “Vất vả chút cũng đáng. Chưa bao giờ tớ làm một món quà nào công phu, hoành tráng như thế đâu đấy”.
Miền Bắc cuối năm lạnh cắt da cắt thịt, nhưng nhờ thế mà Kim Ngân (Hà Nội) làm được món quà ý nghĩa tặng cả gia đình người yêu. Sau khi thi học kỳ xong, Ngân dạo qua các chợ mua hơn chục cuộn len đủ màu sắc.
Nửa tháng miệt mài, Ngân trưng ra tất cả 4 cái khăn len mềm mại, với 4 kiểu đan khác nhau. Chiếc màu nâu nâu là của mẹ chàng, màu xám của bố và màu trắng đen của em trai. Cô em út thì đã có chiếc khăn hồng be bé xinh xắn.
Người yêu Ngân được dịp…mở mày mở mặt với làng xóm vì mẹ anh đi khoe khắp nơi là “con dâu tương lai khéo tay lắm, đúng là người Hà Nội”. Ngân chia sẻ: “Mình đan những cái khăn đó với một tình yêu thương như đang được chăm sóc cho những người thân của mình vậy. Cũng may mà xong kịp, chứ nếu không lại thành nàng Bân mất! Anh ấy đùa: em định đánh hội đồng cả nhà anh đấy à?!”.
Nhóm bạn Mai, Minh, Phương ở Hòa Bình năm nay định lấy lòng bố mẹ chàng bằng những vò rượu cần nguyên chất. “Vừa rẻ, vừa ngon, bọn mình lại được khen là tâm lý nữa chứ. Năm ngoái tớ mang về biếu bác trai một vò, bác ấy gọi cả họ hàng đến uống và giới thiệu “con dâu” luôn” – Phương chia sẻ.
Món thịt trâu sấy của quê hương Lai Châu cũng được Hoàng Hữu Nam mua về làm quà cho bố mẹ người yêu dịp Tết. “Các cụ thích lắm nhưng đắt quá, tớ không mua được nhiều” – Nam tiếc rẻ.
Những tình huống dở khóc dở cười
Bạn bè dạo này cứ thấy Quang lượn lờ ở khu vực làng Cót (Hà Nội). Quang nhăn nhó: “Em đang khổ sở kiếm cho được …dàn siêu xe giấy vì mẹ Thanh muốn thế. Bác ấy là người mê tín, năm nào cũng đốt hết bao nhiêu tiền vàng mã. Thanh cứ “xúi” em mua cho được dàn xe đó thì mẹ sẽ “chấm” luôn. Em đành phải cố. Giá thì cũng không rẻ chút nào, mà tìm mãi vẫn chưa được cái nào ưng ý. Chắc em bỏ cuộc mất”.
Hoàng Hữu Nam cũng kể cho tôi nghe câu chuyện người bạn thân nhất của cậu đã mất mặt như thế nào trước mặt bố nàng. Biết ông cụ thích chơi chim cảnh, cậu ta đã mang từ nhà xuống cho ông một cặp họa mi đang tập hót. Đường xa, lên xe khách, cậu lấy miếng giẻ quấn thật kín cho… chim đỡ lạnh.
Khi đến cổng nhà, cậu mở ra thì thấy một con… đã chết. Không biết làm thế nào, cậu đành để nguyên hiện trạng và mang vào. Ông cụ tỏ ra thông cảm và “chiếu cố” nhận con chim còn lại. Thế nhưng sau đó có hơn 1 tuần thì nó cũng lăn ra chết vì nhớ bạn.
Thế là món quà ra mắt của cậu không thành công, làm cậu cứ áy náy mãi. Đúng là để chiều được lòng các bậc phụ huynh không phải là chuyện đơn giản!
“Quà tặng cốt ở tấm lòng”
Thực ra, đôi khi chúng ta quá mải mê tìm kiếm những thứ xa xôi, bỏ nhiều thời gian công sức cho việc chọn một món quà để làm hài lòng bố mẹ nàng (chàng) mà quên mất rằng, việc tặng quà cốt là ở tấm lòng người tặng, chứ không cần phải đắt đỏ, là của độc thì mới được. Nếu không “nằm lòng” điều này thì việc tặng quà có khi phản tác dụng.
Bác Chính (Thanh Hóa) vừa được cậu con rể tương lai mua tặng một cái màn hình phẳng LCD mới toe. Nhìn lũ trẻ con tròn mắt xem phim hoạt hình trên chiếc tivi mới nhưng bác lại không được vui lắm: “Nó đang đi học, cũng như con mình thì lấy đâu ra tiền mà mua quà đắt thế. Mình thiếu thì thiếu thật, cần thì cần thật nhưng nó làm thế tự nhiên thấy áy náy quá. Nó nói mãi tôi mới dám nhận, mà nhận rồi vẫn còn thấy băn khoăn”.
Theo bác thì có tặng, biếu gì hay không cũng không quan trọng. Cái chính là thật lòng. “Nó mua cho nhà mình hẳn cái tivi, mà tôi hỏi con tôi thì được biết nó chẳng mua gì cho bố mẹ nó cả. Thế thì chắc gì nó đã quan tâm đến nhà mình thật, chỉ làm thế lấy lòng thôi. Bố mẹ mình còn chưa quan tâm được thì làm sao quan tâm đến bố mẹ, gia đình nhà người khác được chứ?!”.
“Sống Tết, chết giỗ”. Tết là dịp để chúng ta thể hiện tình cảm đối với những người mình yêu thương, kính trọng. Tặng gì, biếu gì không quan trọng, quan trọng nhất vẫn là tấm lòng của người tặng. Hãy làm thế nào đó cho người được tặng thấy vui vẻ, thoải mái nhận món quà của mình. Món quà đó sẽ có ý nghĩa hơn khi nhờ nó mà tình cảm đôi bên được thắt chặt.