Có con thì bố ra rìa!”- Đấy là lời cảnh báo không mấy thiện cảm của anh bạn đồng nghiệp hơn tuổi khi tôi khoe đã được làm bố với mấy người ở hành lang cơ quan. Dẫu vẫn nghĩ bụng: “Làm gì có chuyện ấy!” nhưng tôi cũng hơi lo lắng…
Có con, bố có ra rìa hay không, lúc ấy tôi chẳng nghĩ tới. Song ngay từ đêm đầu tiên có mặt đứa con trai đầu lòng, bà ngoại cháu đã gọi tôi ra ngoài buồng hai mẹ con cháu, “phổ biến”: “Cháu còn nhỏ, không được ngủ cùng bố mẹ. Anh phải nằm riêng để giữ sức khỏe cho cháu…” đoạn, bà cười: “Anh đã biết “Tuần trai, gái đẻ chưa?”. Tôi lắc đầu nói chưa ạ. Bà giải thích: “Các cụ bảo: “3 tháng 10 ngày mới hết tuần trai gái đẻ” – nghĩa là: Đúng một trăm ngày từ hôm vợ đẻ, phải kiêng, không thì có hại, sinh bệnh cho vợ đấy!”. Tôi “vâng ạ” và hiểu là phải nằm riêng từng ấy ngày. Chuyện ấy là cần thiết, khỏi phải lăn tăn.
Lâng lâng với niềm vui được làm bố, nhà chỉ có hai vợ chồng, bà nội, bà ngoại cháu đều ở xa, chỉ đến đỡ đần được ít ngày đầu rồi về, tôi đã không quản ngại gì việc chợ búa, bếp núc, cơm nước, giặt giũ quần áo cho vợ, tã lót cho con. Hai bà nội ngoại kỹ tính còn dặn dò không được cho vợ ăn tanh, ăn nhiều mỡ, ăn tái, rau sống, ăn tạp như lòng lợn, thịt chó để giữ sữa thơm cho con bú. Kể từ ngày có đứa con, chưa bao giờ tôi được vợ gọi: “Anh ơi!” nhiều như thế này. Con khóc, con tè, lấy thứ này, dọn thứ kia… pha sữa, rót nước, đổ bô, vào mà xem con cười… đều là: “Anh ơi!” tuốt tuồn tuột. Lúc thơ thới, cao hứng vẫn cảm thấy vui đời…
Tới ngày vợ sinh đứa con thứ hai, nhớ lại cái đận: “Trai nuôi vợ đẻ gầy mòn…”, tôi bỗng thầm oán anh bạn: “Một vợ, một nhân tình…” sao ngày ấy chỉ choang cho tôi 5 chữ: “Có con, bố ra rìa!…” mà không giảng giải cho tôi biết nghĩa đen, nghĩa bóng của lời cửa miệng nhân gian ấy. Được làm bố, thích lắm chứ! Nhưng người chồng có biết tại sao vợ nghén lại nôn khan cùng nỗi vất vả mang bụng to? Sơ xuất bước hụt chân, vấp ngã, bị quá rét, quá nóng, dầm mưa… đều có thể bị sảy thai.
Chồng có biết càng gần tới ngày sinh thì người phụ nữ không còn hứng gần gũi chồng. Từ khi sinh con, tình mẫu tử trực tiếp giao cảm, giao hòa, không ai chăm con bằng mẹ. Hẳn một sự giao thoa thần giao cách cảm, con ở nhà khóc, mẹ đi đường bị vấp. Thời gian mẹ dành cho con quá nhiều. Tâm trí lúc nào cũng là con. Vậy, có con thì bố bị ra rìa thật hay sao? Có ông bố đã ngán con vì con đã “đoạt” mất vợ mình.
Về phía người mẹ trẻ, chị em có biết: Khi nào người chồng của mình dám: “Làm trai rửa bát quét nhà. Đến khi vợ gọi, bẩm bà tôi đây!” không? Xin tiết lộ: Nhiều người chồng đã như vậy khi vợ đẻ. Có người tỏ ra đã thành thạo, có người còn vụng về. Có người vợ đẻ không biết làm gì, chưa biết làm bố khi đã có con. Đêm, con khóc thì nhăn.
Tuy nhiên, khi đứa con ra đời, người cha nào dù mới làm bố hay đã có đứa con thứ hai, thứ ba cũng lập tức phải nhận lấy một sự hụt hẫng về tình cảm ở phía người vợ của mình. Vì: Cần phải để cho đứa con được nhận sự nuôi dưỡng của mẹ nó, được nhận tình mẫu tử buổi sơ sinh. Nói vui là: Người cha phải nhường vợ cho con. Nói nửa đùa nửa thật, ở tình huống ấy là: “Bố ra rìa”. Coi là “ra rìa” kể từ những lúc phải ngủ riêng, đến việc riêng tư: Người cha không thể yêu vợ khi có mặt đứa con. Người mẹ không thể phân thân lúc: “Lợn kêu, con khóc, chồng đòi tòm tem…”.
Vào lúc vợ bận vì con, người cha nào nỡ giành mẹ nó về phía mình. Thế là dẫu nhìn thấy nhau mà là xa nhau đấy. Sự xa cách nào, là kiểu gì cũng mang lại cảm giác cô đơn cho người cha. Nếu bản thân yếu đuối, thả lỏng, thì người đàn ông khỏa lấp nỗi cô đơn bằng nhiều cách: Tìm bạn hẩu, uống rượu, đi xả hơi, tìm vui thú nơi người phụ nữ khác.
Không kể những lo toan trong việc nuôi, dạy đứa con mà hai vợ chồng không thể và không được đùn đẩy cho nhau, mỗi người đều có một “khoảng riêng” trong đời sống chính đáng của mình và không thể coi nhẹ bổn phận làm vợ, làm chồng. Điều gọi là “bổn phận” đặc thù ấy tên gọi là: Tình dục. Nói rõ ra là: Sự đáp ứng trong đời sống tình dục.
Tình yêu có trước, tình dục từ tình yêu ấy mà có thì tình dục là bạn đồng hành của tình yêu. Đã là vợ chồng thì không thể không yêu nhau, không thể không đáp ứng, chia sẻ và hưởng thụ tình dục cùng nhau như một niềm vui, nhu cầu sống. Dù là trong cữ kiêng “Tuần trai, gái đẻ”, ngày “bẩn mình”, đang khi “lửa tắt”… người vợ vẫn có thể yêu chồng bằng nhiều cách, nhiều vẻ mà không phải viện tới tình dục. Vì yêu thương nhau, luôn nghĩ đến nhau, vì nhau thì khi đứa con ra đời, không có ai ra rìa hết cả.
Trong cuộc sống, mọi niềm vui, nỗi khổ – chiến thắng và thất bại đều từ người vợ, người chồng – từ tình yêu mà ra.