Với ba câu chuyện về cách giáo dục con sử dụng đồng tiền được trích từ quyển “Cuốn sách của những người làm cha mẹ” (1937) của nhà giáo dục nổi tiếng thế giới A. Makarenko sau đây sẽ gợi mở cho các bậc phụ huynh nhiều điều về vấn đề này:
Gia đình thứ nhất: Gia đình Nikolai Babik
Theo vợ chồng họ:
Tiền bạc dư thừa là điều kiện sản sinh những thói hư, tật xấu. Trẻ có tiền trong túi ắt nảy sinh thói hư. Trẻ không có tiền trong túi sẽ có điều kiện nuôi những tâm hồn trong trắng. Theo họ, phải quản lý con cái thật chặt chẽ và nghiêm khắc.
Vì vậy:
Cha mẹ không cho phép con cái có tiền. Cha mẹ phải quản lý kinh tế gia đình hết sức chặt chẽ, chi tiết. Trẻ cần gì xin phép bố mẹ mới được mua. Cần bao nhiêu xin bấy nhiêu, không được phép dư thừa. Đồng thời trong gia đình Nikolai Babik đồng tiền như vật quý giá, mọi người đều không biết chỗ để kín đáo đó, trừ ông bố.
Kết quả:
Những đứa trẻ thật “tội nghiệp”. Chúng rụt rè, e lệ, không dám thể hiện mong muốn thật sự của mình.
Gia đình thứ 2: Gia đình Nikita Lycenko
Theo người vợ:
Đồng tiền rất tầm thường. Trẻ con không cần tính toán tiền nong thì nhân cách mới phát triển được. Chính suy nghĩ đó nên bà đã để trẻ tự do chi tiêu một cách thoải mái để trẻ không bận tâm đến tiền nong.
Vì vậy:
Cha mẹ và con cái cùng tự do chi tiêu. Ai cần tiền thì tiêu. Tiền của gia đình được vứt bừa bộn trong ngăn kéo mà không có sự quản lý của bố mẹ. Gia đình không có một tài khoản cố định và cũng không có kế hoạch chi tiêu cụ thể.
Kết quả:
Cả gia đình tự do chi tiêu để rồi số tiền hết trước khi lĩnh lương năm ngày. Ông bố phải vay tiền của bạn và bọn trẻ lại không hay biết điều này, chỉ lo cho những nhu cầu và lợi ích của chúng.
Gia đình thứ 3: Gia đình Ivan Prophievich Pigov
Theo gia đình này:
Đồng tiền là thành quả lao động, phải vất vả mới có. Chính vì vậy phải cất giữ cẩn thận, ngăn nắp. Cha mẹ cần quản lý cách chi tiêu nhưng không chi tiết. Đồng thời dạy trẻ có ý thức quản lý tiền tiêu của mình. Như vậy trẻ vừa biết sắp xếp cuộc sống, vừa biết lo lắng cho kinh tế gia đình.
Vì vậy:
Cha mẹ quản lý kinh tế một cách dân chủ, thoải mái, cung cấp một số vừa đủ cho con chi tiêu trong tuần. Trẻ có trách nhiệm với số tiền của mình và chi tiêu sao cho hợp lý. Nếu tiêu ít sẽ được dư thừa, còn nếu tiêu nhiều, thiếu thốn thì trẻ tự chịu, không được phép xin thêm.
Bố mẹ quản lý số tiền trong gia đình mà không cần giám sát con vì bố mẹ và con cái đã hiểu nhau. Đồng thời mọi khoản chi tiêu trong gia đình đều được công khai và cùng được bàn luận để đi đến thống nhất cuối cùng.
Kết quả:
Trẻ em trong gia đình nhà Pigov rất ngoan và vui vẻ, biết cách chi tiêu hợp lý, biết thể hiện mong muốn chính đáng của mình.