Cách thức đan khăn bằng loom khá mới mẻ ở Việt Nam nhưng lại dễ tiếp cận so với cách đan kim truyền thống. Khi mới làm quen với loom, bạn tưởng như khó hiểu, nhưng thực ra các thao tác đan loom khá dễ dàng, lặp đi lặp lại một cách đơn giản mà trẻ em cũng có thể làm theo được, không hạn chế cho người thuận tay trái và nhất là rất nhanh hoàn thành một sản phẩm đan.
Bạn cần chuẩn bị những nguyên vật liệu sau đây:
- Len, sợi cỡ to, bạn có thể dùng len nhỏ chập hai hoặc nhiều sợi
- Loom dài (gọi là dài nhưng thực ra nó có hình một vòng elip hẹp) và dùi chữ L được bán đồng bộ với loom.
- Nếu bạn không tiện mua bộ loom, bạn có thể tự chế bằng cách dùng một thanh gỗ mỏng có khoét khe dài ở giữa thanh, đủ để bạn luồn được tấm khăn qua. Vòng quanh khe bạn đóng đinh cách đều nhau thay cho các mũ loom. Bạn có thể dùng kim móc len thay cho dùi chữ L.
- Kéo và kim khâu len
Thực hiện:
Trước tiên, bạn buộc cố định đầu sợi vào núm loom nằm ngoài vòng tròn mũ loom. Sau đó vòng sợi quấn tròn quanh mũ loom đầu tiên theo chiều kim đồng hồ. Kéo sợi lên mũ loom thứ hai nằm ở hàng trên và quấn len theo ngược chiều kim đồng hồ quanh mũ loom đó. Tiếp tục kéo len xuống chéo mũ loom thứ 3 và quấn len như ở mũ loom thứ nhất. Kéo len lên mũ loom thứ 4 và quấn như ở mũ loom thứ 2. Cứ quấn len vắt hình số 8 như thế tới hết số mũ loom đủ ứng với độ rộng của khăn len bạn cần đan thì dừng lại.
Bạn vừa thực hiện quấn được một hàng len từ trái sang phải, giờ bạn sẽ tiếp tục quấn hàng len thứ hai từ phải qua trái. Cách thức quấn len tương tự hàng 1 nhưng theo chiều quấn ngược lại. Quấn tới mũ loom ban đầu thì dừng. Cứ hai hàng len quấn bạn lại dừng tay quấn và dùng chữ L để thực hiện đan liên tiếp hai hàng.
Bạn đan loom bằng dùi chữ L như sau: Đan từ phải sang trái. Dùng dùi chữ L móc vào mũi len ở dưới của mũ loom ngoài cùng bên phải, nhấc nó trùm lên mũi ln nằm ngay phía trên nó. Tại các mũi loom liên tiếp đó, bạn cứ móc mũi len dưới chùm lên trên mũi len trên như vậy cho tới hết hàng loom.
Đây là hình ảnh sau khi bạn đan được 1 hàng len bằng loom. Hàng đã đan chỉ còn 1 mũi len trên mỗi mũ loom. Hàng chưa đan vẫn còn 2 mũi len. Bạn thực hiện đan trên hàng mũ loom còn lại theo cách thức tương tự. Sau khi đan xong 2 hàng bạn lại thực hiện quấn len hai hàng như bước 1 và 2. Sau đó lại thực hiện đan như bước 3 và 4. Phần len đã đan sẽ lọt dài dần ở khe giữa của loom. Đan tới độ dài khăn vừa ý thì bạn chiết.
Bạn thực hiện chiết len trên loom như sau: Dùng dùi nhấc lần lượt 2 mũi len ở hai mũ loom thẳng hàng dọc. Dùng tay nhấc hoặc tự lựa bằng dùi sao cho mũi len trước trùm lên trên mũi len sau. Trên dùi chỉ còn 1 mũi len, bạn lại nhấc mũi len ở mũ loom tiếp theo và chiết tương tự. Mũi tiếp theo cần chiết không phải là mũi nằm ở mũ loom bên cạnh mà là ở trên nó thẳng theo hàng dọc. Cứ như vậy bạn chiết khăn từ phải sang trái cho tới khi trở về mũi đầu tiên của loom thì gặp đầu sợi len ở đó, bạn cắt len và luồn qua mũi cuối cùng để tạo thắt nút len cho khăn.Nếu làm khăn dài thì bạn tết thêm tua rua len ở hai đầu khăn. Hai mặt khăn đều đẹp như nhau, mũi len to và nổi rõ hoa văn đều đặn. Nếu làm khăn ống thì bạn dùng kim khâu len, xỏ len đồng mầu, khâu vắt đơn giản để nối hai mép đầu cuối khăn là hoàn thành chiếc khăn ống đan loom thật ấm áp và đẹp mắt!
Cách thức đan khăn bằng loom khá mới mẻ ở Việt Nam nhưng lại dễ tiếp cận so với cách đan kim truyền thống. Khi mới làm quen với loom, bạn tưởng như khó hiểu, nhưng thực ra các thao tác đan loom khá dễ dàng, lặp đi lặp lại một cách đơn giản mà trẻ em cũng có thể làm theo được, không hạn chế cho người thuận tay trái và nhất là rất nhanh hoàn thành một sản phẩm đan. Đan loom cũng cần sợi len to nên các mũi đan tạo hình rất rõ nét, giúp cho chiếc khăn đan loom không chỉ ấm áp mà còn khá ấn tượng!
Bạn sẽ tập đan loom để nhanh chóng có chiếc khăn len dầy dặn và đẹp mắt quàng ngày trở gió chứ? Chúc bạn thành công nhé!