Tại Trung Quốc, đặc biệt là miền bắc, đi cà kheo là một màn trình diễn truyền thống phổ biến trong dịp Tết Âm lịch. Theo tư liệu, người Trung Quốc từ xa xưa sử dụng cà kheo để hái quả. Việc sử dụng cà kheo sau này dần trở thành một điệu nhảy dân gian.
Việc trình diễn bằng cà kheo đòi hỏi kỹ năng cao độ.
Ngoài đi cà kheo, múa sư tử cũng là một điệu múa phổ biến vào dịp Tết ở Trung Quốc. Sư tử được cho là chúa tể muôn loài, và là biểu tượng của sự may mắn tại Trung Quốc. Điệu múa sư tử có lịch sử khoảng 2.000 năm. Các tài liệu cho biết từ thời nhà Đường (618-907), các nghệ sĩ trình diễn múa sư tử cho gia đình quý tộc. Trong ảnh, các nghệ sĩ múa sư tử dưới đèn lồng tại Chùa Địa Đàn ở Bắc Kinh vào ngày 2/2/2011.
Trong dịp Tết Seollal, người Hàn Quốc cũng có nhiều trò chơi dân gian dành cho người lớn và trẻ em. Trong ảnh, một bé trai mặc hanbok tung các thanh gỗ trong trò chơi Yunnori. Cách thanh gỗ rơi sẽ quyết định bước đi của các quân cờ trên bàn.
Jegichagi, một trò chơi dân gian ngoài trời của Hàn Quốc tương tự trò đá cầu ở Việt Nam. Dù được nhiều người biết đến, trò chơi này không còn phổ biến như trước. Năm 2000, Hiệp hội Jegichagi Hàn Quốc được thành lập nhằm đề ra các luật mới, giúp trò chơi truyền thống phù hợp với thế hệ ngày nay. Hội đồng Giáo dục Hàn Quốc còn đề nghị trò chơi là môn bắt buộc trong các khóa thể dục tại trường, chủ yếu dành cho học sinh lớp ba hoặc bốn.
Trò chơi neolttwigi cũng giống trò bập bênh, ngoại trừ việc người chơi đứng ở hai đầu tấm ván và nhảy, tạo sức bật cho người đối diện. Khi chơi trò này, một số người còn thực hiện các động tác lộn người, đá chân trên không trung. Trò chơi này có thể do các phụ nữ quý tộc Hàn Quốc sáng tạo nên nhằm giúp họ nhìn qua những bức tường quanh nhà, bởi phụ nữ truyền thống thời xưa hiếm khi được phép ra khỏi nhà, ngoại trừ vào ban đêm.
Tại Nhật Bản, trò thả diều takoage khá phổ biến vào dịp năm mới. Những chiếc diều có hình dáng, cách trang trí khác nhau tùy từng địa phương.
Trong dịp năm mới, người Nhật còn chơi bài karuta. Quân bài có các bức hình hoặc các dòng chữ Nhật. Khi chơi một người chơi sẽ đọc to một lá bài và những người khác tranh nhau để giành lấy quân bài tương ứng. Người nào giành được nhiều lá bài nhất sẽ thắng. Ở thể loại chơi bài Uta karuta, qua các cuộc thi, người chơi càng biết thêm nhiều về các câu thơ, thành ngữ.
Trong dịp Tết Tsagaan Sar, người Mông Cổ thường hát mỗi khi được chủ nhà mời rượu. Bên cạnh đó, họ còn đua ngựa, tung xúc xắc làm bằng xương mắt cá của thú vật. Đua ngựa là môn thể thao phổ biến thứ nhì nước này, sau môn vật truyền thống. “Một người Mông Cổ không có ngựa cũng giống một con chim không có cánh”, theo một câu nói cổ của người Mông Cổ.
Các trò chơi dân gian dịp Tết của người Việt cũng hết sức phong phú, chủ yếu gắn liền với cuộc sống thôn quê. Có thể kể đến các trò kéo co, chọi gà, cờ tướng, cờ người, đấu vật, bịt mắt bắt dê. Trong ảnh, một cặp chơi bắt chạch trong chum tại làng Đường Yên, xã Xuân Nộn, huyện Đông Anh, Hà Nội. Đây là một trò chơi mang đậm tính phồn thực khi hai người phải vừa ôm nhau vừa bắt cá.
Xã Hiền Quan, huyện Tam Nông (Phú Thọ) hàng năm tổ chức trò cướp phết, thu hút hàng nghìn người tới xem. Phết là một loại quả được làm bằng gốc tre có sơn son màu đỏ, tượng trưng cho mặt trời. Tại lễ hội, người dân quan niệm giành được một hoặc nhiều hơn trong số ba quả phết và ba quả chúi sẽ càng nhiều may mắn trong cả năm, vì vậy thanh niên trai tráng đua nhau tranh cướp.