Chỉ có 1 chậu nước để rửa 2 chậu bát, vịt thịt xong quăng thẳng lên vỉa hè, ốc luộc bám đầy bùn đất, lẩu ăn trên vỉa hè ngay cạnh bến xe buýt… Những hàng ăn vỉa hè ít quan tâm đến an toàn vệ sinh thực phẩm như vậy khá phổ biến ở Hà Nội và người tiêu dùng phải tự “đề kháng” thôi!
Sau lần tổ chức sinh nhật tại quán vỉa hè đầu đường Lê Đức Thọ (Hà Nội), Đức Thành, sinh viên Đại học Kiến trúc cho biết sẽ không dám ngồi ở quán vỉa hè nữa. 10 người gọi 5 bát ốc luộc nhưng cả nhóm không ăn hết 2 bát vì trong ốc có lẫn bùn đen. “Dù chủ quán đã dùng sả, gừng, lá chanh để át đi mùi khó chịu của bùn, nhưng gỡ ruột ốc ra, vẫn thấy có nhớt và bùn bám đen, chẳng ai dám ăn”, Thành kể lại.
Điểm chung của phần lớn những điểm kinh doanh ăn uống lề đường tại Hà Nội là thiếu nước. Anh Tùng, nhà ở đường Nguyễn Khang (Hà Nội) từng dẫn bạn bè sang ăn ở quán vịt nướng cuối đường Láng kể lại, anh chứng kiến cả một chậu bát đĩa to mà chỉ có 2 chậu nước để rửa. Lần khác, đi ăn tại quán này, chỉ có 1 chậu nước để rửa 2 chậu bát.
Anh Tùng kể, khi khách thắc mắc, chủ quán giải thích, kinh doanh vỉa hè phải tiết kiệm nước. Nước rửa rau xong sẽ dùng rửa bát, còn nước rửa bát xong được dùng để cọ nồi, nhưng vẫn đảm bảo vệ sinh. “Tôi không hiểu với 1 chậu nước để rửa 2 chậu bát thì vệ sinh ở đâu ra”, khách hàng này cho biết.
“Thật ra, món ăn chế biến rất ngon, giá cũng không đắt, 140.000 đồng một con vịt nướng, 80.000 – 100.000 đồng một đĩa áp chảo hay rang muối, nhưng nhìn cách vệ sinh dụng cụ ăn uống, đun nấu, tính ai sạch sẽ, chắc nuốt không trôi”, anh Tùng cho biết.
Chị Hồng, nhà ở khu tập thể Mai Dịch cũng kể, trong một lần mua quà vặt cho con, chị phát hiện trong nem có lẫn nhiều lông lợn cứng. “Bình thường, nem chua rán tôi mua hàng gần nhà, cũng thỉnh thoảng có chiếc lông. Nhưng lần này, thấy nhiều chi chít, không hiểu họ mua nem ở đâu”, chị nói. Vì thế mà, dù giá bán ở đây chỉ 2.500 – 3.000 đồng một chiếc, rẻ hơn những chỗ khác khoảng 500-1.000 đồng, nhưng chị cũng không dám mua vào lần sau.
Tại khu vực Hồ Tây, Hàn Thuyên, Kim Mã, Xã Đàn… hàng loạt quán lẩu được bày bán ngay vỉa hè. Từng ăn ở quán lẩu trên đường Kim Mã, anh Nguyễn Mạnh Tiền vẫn ngán bởi luôn phải “hưởng kèm” khói xe, bụi. Anh Tiền kể lại, quán nằm gần bến xe bus nên rất nhiều khách mở nồi gặp đúng lúc xe xả khói đen sì ngang qua, những hôm mưa còn bắn cả bùn bẩn vào nồi. “Đổ đi thì phí mà ăn thì mất vệ sinh nên lắm phen cả nhóm dở khóc dở cười”, anh Tiền chia sẻ.
Lần khác, ăn lẩu ở Hàn Thuyên, anh Tiền và cả nhóm bạn phải bỏ về khi thấy nhân viên phục vụ quét dọn bụi vệ sinh làm bụi tung mù mịt vào đồ ăn của khách. Theo giải thích của nhân viên, vì khách ra vào liên tục, nên sau mỗi lượt chị phải quét dọn cho sạch sẽ để đón lượt tiếp theo. “Khi chúng tôi thắc mắc sao không chuẩn bị thùng đựng rác để khách ăn xong thì bỏ vào, chủ cửa hàng lý giải, ngay cả khi có thùng đựng và giấy ăn, nhiều người vẫn tiện tay vứt ra nền”, thực khách này nói.
Trao đổi với chúng tôi, một lãnh đạo Cục an toàn vệ sinh thực phẩm cho hay, khách hàng nên là người tiêu dùng thông minh vì việc mua bán, sử dụng dịch vụ là thỏa thuận. Trong trường hợp nhìn tận mắt thấy các quán ăn bẩn, “thượng đế” nên tránh xa và trực tiếp phản ánh với chủ cửa hàng. “Như vậy, cửa hàng buôn bán thiếu vệ sinh sẽ bị tẩy chay, họ buộc phải thay đổi nếu muốn tiếp tục kinh doanh”, lãnh đạo này cho biết.
Hàng năm, vào những dịp cao điểm như Tết âm lịch, tháng hành động (tháng 4-5) và Tết trung thu, Cục an toàn vệ sinh thực phẩm vẫn phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra việc kinh doanh hàng quán, đặc biệt ở vỉa hè. “Một số trường hợp vi phạm đã bị xử phạt đến hàng chục triệu đồng, thậm chí bị đình chỉ kinh doanh tùy theo mức độ”, vị lãnh đạo này nói.