Bố mẹ nên cố gắng hứa ít, làm nhiều, để con vừa tin tưởng bố mẹ, vừa hiểu được giá trị lời nói của người lớn. Bố mẹ tôn trọng bé, giữ lời hứa với bé cũng chính là tôn trọng bản thân mình và cũng chính là việc dạy con giữ lời hứa với người khác.
Có cần giữ lời hứa với con?
Đi làm về, chị My (Mai Động – Hà Nội) mua cho bé Tôm, con trai chị, một bộ đất sét nặn như đã hứa từ tuần trước. Bé vui lắm, gọi bạn Vừng ở nhà bên cạnh sang chơi cùng. Tôm hào hứng khoe với bạn:
– Mẹ tớ mua cho tớ đất nặn rồi đây này. Mẹ hứa mua cho tớ từ hôm kia cơ nhé. Tớ với cậu nặn con voi như cô giáo dạy ở lớp nhé.
Chị Lan thấy bé Vừng có vẻ ỉu xìu nhìn hộp đất sét, liền nhắc con:
– Tôm phải cho Vừng chơi với nhé, không được bắt nạt bạn đâu. Hai bạn chơi với nhau mà sao bạn Vừng buồn thế?
Ai ngờ, Vừng rơm rớm nước mắt:
– Con chán mẹ con lắm. Mẹ chẳng nhớ lời hứa với con gì cả. Đã nhiều lần mẹ hứa nhưng mẹ có làm gì đâu. Con ghét mẹ. Con thích làm con của cô hơn.
Chị Lan đành an ủi bé:
– Con phải thông cảm cho mẹ con chứ! Mẹ con đi làm việc cả ngày, bận rộn lắm.
Bé Vừng liền giãy nảy lên:
– Mẹ con hứa bao nhiêu lần rồi. Mẹ hứa nếu con được phiếu bé ngoan, cuối tuần mẹ sẽ dẫn con lên Vincom chơi ở Vườn cổ tích. Đến chủ nhật, mẹ lại bảo bận. Mẹ hứa mua cho con một đôi găng tay mới. Thế mà mẹ cũng chẳng mua. Mẹ còn hứa cho con xuống nhà ông bà ngoại chơi, nhưng con đã được đi đâu. Huhu..hu…
Hôm sau, chị Lan kể lại câu chuyện với mẹ bé Vừng, ai ngờ mẹ bé “phán” một câu tỉnh rụi:
– Kệ, con nít mà. Hơn nữa nó là con mình thì cần gì phải đúng lời hứa, quan trọng là giữ lời hứa với người lớn kia.
Giữ lời hứa với bé cũng là tôn trọng bản thân mình
Thực tế, nhiều bố mẹ đã “vô tư” hứa với con nhiều điều và “vô tư” quên lời hứa của mình. Có thể họ nghĩ rằng trẻ con không nhớ gì tới lời hứa của người lớn. Hoặc họ nghĩ rằng mình có thất hứa với con cũng chẳng quan trọng gì. Đó là một suy nghĩ hoàn toàn sai lầm.
Lời hứa với trẻ con đôi khi còn quan trọng hơn lời hứa với người lớn. Trẻ em giao tiếp không chỉ bằng lý trí mà bằng cảm tính. Bố mẹ hứa với con mà không làm thì dù có 101 lý do hợp lý trẻ vẫn không tin. Với trẻ, điều quan trọng không chỉ là giữ lời hứa, mà còn là sự quan tâm đến trẻ hay cách thể hiện lời hứa!
Vì vậy, bố mẹ chỉ nên hứa những gì mình có thể làm và suy nghĩ kỹ càng trước khi hứa. Nếu bố mẹ chưa chắc chắn về lời hứa của mình, có thể nói với bé là: “Cứ đợi đến hôm ấy đã con nhé. Mẹ cũng chưa biết mẹ có bận không”.
Nếu có lỡ quên lời hứa, bố mẹ nên xin lỗi bé với lý do chính đáng và không quên “đền” cho bé bằng một sự quan tâm khác.
Ví dụ: mẹ hứa chiều nay dẫn bé đi chơi. Nhưng vì một lý do nào đó, mẹ không thực hiện được. Việc đầu tiên về nhà, mẹ hãy ôm hôn bé thật thắm thiết và xin lỗi vì mẹ đã quên lời hứa với bé. Mẹ có thể dẫn bé đi mua bimbim hay ăn kem thay vì mẹ đã không thể dẫn bé đi chơi. Chắc chắn, bé sẽ rất vui vẻ mà quên đi chuyện lỡ hẹn kia.
Bố mẹ không nên có thái độ coi thường việc giữ lời hứa với bé. Điều đó chứng tỏ bố mẹ thiếu sự quan tâm đến bé. Đôi khi nó có tác động trở lại, làm bé dần dần sẽ không tin tưởng bố mẹ.
Bố mẹ nên cố gắng hứa ít, làm nhiều, để con vừa tin tưởng bố mẹ, vừa hiểu được giá trị lời nói của người lớn. Bố mẹ tôn trọng bé, giữ lời hứa với bé cũng chính là tôn trọng bản thân mình.
Bố mẹ giữ lời hứa với con cũng chính là việc dạy con giữ lời hứa với người khác.