Vừa bước vào cơ quan, chưa kịp chào hỏi ai thì cậu đồng nghiệp đã nháy mắt “Hôm qua bát đĩa nhà anh lại xô hả?”. Cả phòng cười phá lên, Mạnh hiểu ngay, lại là do cô vợ “bép xép” mà ra.
Tối qua Mạnh vừa cãi nhau một trận nảy lửa với vợ vì chuyện cô ấy ghen tuông vô cớ. Vợ Mạnh khóc thút thít suốt đêm, không cho anh vào phòng ngủ. Biết vợ nóng tính lại cả nghĩ, dù rất bực mình Mạnh đã xuống nước làm lành, an ủi vợ. Vậy mà cô ấy chẳng chịu cho qua, nằng nặc đòi ở một mình trong phòng. Sáng nay vừa tới cơ quan, đôi mắt thâm quầng còn chưa kịp “tố cáo” mọi người đã cười ngặt vì biết chuyện. Thế là mọi người đổ dồn sự chú ý về phía Mạnh, mỗi người hỏi một câu. Có anh còn tếu táo: “Thôi, chiều khôn hồn thì mua hoa về mà tặng vợ, tối nay may ra được nằm giường”. Mạnh ngượng chín cả mặt, thay vì muốn làm lành với vợ, Mạnh chỉ muốn bỏ luôn nhà mà đi vì bực bội.
Vợ chồng sống với nhau chẳng tránh được có lúc nặng nhẹ, lúc giận dỗi hay cãi vã, đó cũng là lẽ thường tình như bao nhiêu nhà khác. Nhưng khổ một nỗi ở nhà Mạnh, việc gì được coi là riêng tư nhất cũng chỉ sau một buổi tối là hàng xóm, bố mẹ hai bên nội ngoại thậm chí cả cơ quan ai ai cũng biết. Mỗi lần như thế Mạnh chẳng còn biết giấu mặt vào đâu. Các cụ mình thường bảo: “Đẹp đẽ khoe ra, xấu xa đậy lại”, đằng này vợ Mạnh cứ “hồn nhiên” mà kể lể hết với mọi người.
Riêng với hai bên gia đình, Mạnh liên tục được giáo huấn. Cứ sau mỗi lần cãi nhau, y như rằng tối đó mẹ vợ lại gọi được “tâm sự” cùng con rể. Chẳng hiểu sự tình qua lời vợ kể như thế nào mà bố mẹ cứ nhắc nhở: “Làm đàn ông cũng phải cho ra mặt đàn ông con ạ, đừng có động tí là quát tháo, mắng mỏ vợ con”.
Thực ra mọi chuyện cũng chẳng có gì, hai vợ chồng Mạnh tính tình khác biệt nên có đôi lúc xảy ra xích mích, gọi là cáu với nhau vài câu rồi việc đâu lại vào đó. Nhưng vợ Mạnh mang tất cả những điều đó mà kể với mọi người với một “mức độ” cao hơn. Có lần, tổ dân phố họp về vấn đề an ninh trật tự khu phố. Mạnh hào hứng đi họp, vừa ngồi bà trưởng khu phố ngay cạnh nhà đã kéo anh ra mà khuyên bảo: “Cháu nên nhường nhịn vợ một chút, đừng có thượng cẳng chân hạ cẳng tay nên mà làm khổ vợ, khổ con cháu ạ”. Bà nói cứ như thể Mạnh là gã chồng vũ phu.
Mạnh khuyên nhủ nhẹ nhàng cũng có, lấy cái quyền làm chồng ra mà yêu cầu vợ không được “vạch áo cho người xem lưng” cũng có nhưng chẳng có hiệu quả gì. Vợ Mạnh bào chữa: “Em nói như thế để mọi người phân giải xem ai đúng, ai sai. Mà có người ngoài biết, anh mới ngượng mà thay đổi, chứ em nói anh có chịu nghe đâu”. Cái triết lý cùn của vợ khiến Mạnh bực mình, không biết bao lần anh đã đóng sầm cửa phòng làm việc lại, tự nhốt mình trong đó để… phạt vợ.
Mạnh cảm thấy ngột ngạt và ức chế khi mọi động thái của hai vợ chồng đều bị người ngoài nhòm ngó, đếm xỉa. Nhiều hôm dắt xe ra khỏi cổng đi làm, thấy hai cô bạn hàng xóm nhìn rồi cứ tủm tỉm cười là Mạnh hiểu tại cuộc “tranh luận” tối qua giữa hai vợ chồng. Cuộc sống của hai vợ chồng nhiều khi muốn bình thản cũng khó. Ngay cả lúc hai vợ chồng vui vẻ rồi, gặp ai đó người ta chẳng ngần ngại mà trêu đùa: “Thế đã làm lành rồi đấy à, ghớm hôm nọ thấy chị ấy gọi điện khóc mếu mà tôi sợ quá”. Vậy là không có chuyện lại thành ra có chuyện.
Cả tuần nay Mạnh chẳng thèm ngó ngàng gì tới vợ. Về nhà Mạnh cũng không nói không rằng. Vợ Mạnh bắt đầu thấy e dè, lo sợ trước thái độ của chồng. Ngay ngày hôm sau, cơ quan Mạnh lại có chủ đề bàn tán. Họ kháo nhau về việc Mạnh “dám bỏ đói” vợ cả tuần nay. Mạnh giậm chân: “Đến nước này thì quá lắm rồi”, ngay cả cái việc chăn gối đó mà vợ Mạnh cũng mang ra kể lể, kêu than với người ngoài được thì đúng là hết cách.
Tối, Mạnh về nhà. Anh nhìn thẳng vào mặt vợ mà nói rằng: “Nếu em muốn vợ chồng mình có thể sống bình thường như bao người khác thì đừng bao giờ kéo cả xã hội vào cái gia đình này. Còn em vẫn muốn được chia sẻ, thì giờ em sẽ chỉ có một chuyện để kể với mọi người mà thôi. Đó là chuyện mỗi đứa mình một phòng. Vậy thôi…”.
Vợ Mạnh đứng nhìn theo anh bước vào căn phòng của con và đóng sầm cửa lại mà hốt hoảng. Cô chạy lại cầm chiếc điện thoại lên và bắt đầu thút thít với mẹ về những lời chồng vừa nói.