Giang, nhân viên PR cho một ngân hàng tại Hà Nội, cho biết, nghe nhiều người cảnh báo rằng sự ràng buộc, nỗi lo cơm áo gạo tiền sẽ giết chết tình yêu. Vì thế, vốn là hai người có tư tưởng “thoáng” lại đều thu nhập cao, vợ chồng cô thỏa thuận sẽ tôn trọng “khoảng trời riêng” của nhau. Để làm được vậy, cả hai tự quản lý tiền của mình. Mỗi tháng, Long sẽ lo trả tiền thuê nhà, điện nước, Giang đảm trách chi phí ăn uống, còn lại, việc mua sắm cá nhân, ai thích gì sẽ tự tiêu tiền của mình. Ngay cả mỗi lần đi ăn ngoài, ai mời người đó sẽ trả.
“Ban đầu mình thấy đây đúng là giải pháp hay, vì chồng sẽ không có cơ hội phàn nàn khi thấy mình có một đống giày hay váy áo mới, vì mình mua bằng tiền tự làm ra… Chồng cũng thoải mái thích đầu tư chứng khoán chỗ nào thì tùy, vợ không kêu ca, được ăn lỗ chịu nên phải tự biết tính toán, điều chỉnh cho hợp lý”, Giang kể.
Thế nhưng, cô cho biết, mọi việc bắt đầu rối tung từ khi cô sinh con. Thêm một đứa trẻ, chi phí ăn uống, sinh hoạt hằng ngày tăng lên, cộng với tiền sữa, tiền bỉm, tiền thuốc… trong khi Long vẫn giữ nguyên mức “đóng góp” như trước. Khi Giang quá tải và yêu cầu chồng phải gánh đỡ vợ thì Long bật lại: “Tiền anh làm được đổ vào đầu tư hết rồi. Thôi, em cứ chi đi. Em lo hiện tại cho con. Anh sẽ lo tương lai, sau này con học hành mới tốn kém nhiều, chứ mấy khoản lặt vặt, đáng gì”.
“Mình thực sự thấy ức chế, không chỉ vì phải một mình cáng đáng nuôi con, mà bởi sự vô trách nhiệm của chồng. Không chỉ chuyện tiền bạc, trong sinh hoạt, cuộc sống anh ấy cũng vẫn quen thói tự do như trước, để mặc hai mẹ con mình tự xoay sở”, Giang than thở.
Cũng có tư tưởng thoáng và quan niệm “tình yêu như cánh diều, càng thả lỏng càng bay cao”, ngay từ hồi yêu nhau, Lan và Mạnh đã tuân thủ nguyên tắc: tuyệt đối tôn trọng tự do cá nhân của mỗi người.
Là trưởng phòng nhân sự tại một công ty săn đầu người có tiếng ở Hà Nội, Lan luôn khẳng định, cô không bao giờ phải phụ thuộc chồng về kinh tế, dù anh xã của cô – chủ một doanh nghiệp lữ hành nhỏ – làm ăn khá phát đạt. Hai người đều có thẻ ngân hàng riêng mà không ai biết mật khẩu của ai. Điện thoại, máy tính… của mỗi người cũng không bao giờ bị ‘nửa kia” kiểm tra.
Trong cuộc sống vợ chồng, cả hai thống nhất không can thiệp vào sở thích, công việc của người kia. Mạnh có thể tự do đi phượt với đám bạn cả tuần hay nhậu nhẹt tới khuya mà không bị vợ cằn nhằn hay giận dỗi gì. Ngược lại, Lan cũng biết tạo niềm vui cho mình. Khi vắng chồng, cô có thể tụ tập cùng bạn bè uống cà phê, xem phim, nghe nhạc, du lịch đâu đó… Bữa cơm hằng ngày cũng không nhất thiết phải có. Nếu thích, hai người có thể về nấu cơm, cùng ăn, còn không, cả hai đi ăn hàng, hoặc mỗi người đi với bạn của mình.
Đám bạn Mạnh nhiều người ghen tỵ khi thấy anh không bao giờ bị vợ gọi điện réo về giữa bữa nhậu hay nếu phải khảo sát tour hoặc đi chơi vài hôm cũng không phải báo cáo bà xã, thế nhưng dần dần, anh lại cảm thấy không vui vì điều này.
“Nghe có vẻ hơi ngược đời, vì ai cũng nghĩ đàn ông thích tự do, ghét ràng buộc. Nhưng quả thật, nhiều khi mình mong được vợ… ghen nếu lỡ về khuya, thèm có được một nếp sinh hoạt chung đầm ấm, khi tối đến về nhà ăn cơm với vợ con… Còn như giờ, có khi hăm hở về thì biết vợ đã hẹn bạn đi chơi, chỉ còn mỗi cô con gái ở với bác giúp việc”, anh Mạnh chia sẻ.
Anh cho biết, trong quan hệ tình dục, vợ anh cũng rất thoải mái. “Cô ấy bảo, đàn ông các anh ra ngoài thể nào chả ‘abc’. Em không cấm, nhưng về nhà cứ chịu khó dùng bao cao su cho an toàn’, khiến mình tự ái vô cùng. Cô ấy ‘thoáng’ với chồng thế, có khi cũng tự ‘thoáng’ với chính mình rồi cũng nên. Thế này thì còn gì là gia đình”, anh nói.
Gần đây, anh định nói chuyện với vợ về việc cả hai cần thay đổi trước khi quá xa nhau nhưng phát hiện chị đã có bồ. Họ đang chuẩn bị ly hôn.
Theo bà Trần Thị Hồng Hà, Trung tâm tư vấn tình yêu – hôn nhân – gia đình thuộc Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, sự tự do thái quá dễ khiến mối quan hệ vợ chồng trở nên lỏng lẻo, thiếu gắn bó.
Nhà tâm lý cho biết, một số căp bạn trẻ cho rằng, khi họ để cho nhau tự do, cả về tài chính lẫn sinh hoạt thì sẽ không có lý do gì để gây gổ, cãi vã nữa, và đó là điều kiện tốt để gìn giữ tình yêu. Thế nhưng, thực tế, khi ấy, giữa họ đã tồn tại một vấn đề lớn: Đó là thiếu sự tin tưởng, chia sẻ, và tinh thần trách nhiệm với nhau – những gốc rễ để gây dựng hạnh phúc gia đình. Bởi vậy, nếu gặp khó khăn gì, cả hai sẽ rất khó trụ vững khi không cùng chung lưng đấu cật, đặc biệt sau khi sinh con.
“Người ta gọi cưới là lập gia đình, tức là phải xây dựng nề nếp sinh hoạt chung, khi hai người về một mối để cùng chia ngọt sẻ bùi, xây đắp tương lai với những mục tiêu chung như lo cho con cái, gia đình hai bên… nên không thể có sự ‘riêng tư’ hoàn toàn giữa vợ chồng được”, bà Hà chia sẻ.
Với một góc nhìn khác, nhà tâm lý Bảo Nguyễn, Văn phòng tham vấn tâm lý Hoàng Nhân (Nguyễn Phúc Lai, Hà Nội) cho rằng, thực tế, nguyên nhân sự đổ vỡ, nạn nứt trong gia đình không phải vì “nguyên tắc tự do”.
Theo ông, sự tự do đúng mực trong hôn nhân có ý nghĩa tích cực. Điều đó thể hiện sự tôn trọng vợ chồng dành cho nhau và giúp hai người mãi giữ được sự mới mẻ. Thế nhưng, bản chất của hôn nhân đã là một sự ràng buộc, nên không thể có tự do hoàn toàn. Nếu hôn nhân không ràng buộc, không trách nhiệm thì người ta không cần, và không nên kết hôn.
“Vấn đề là, khi đặt ra nguyên tắc tôn trọng tự do cá nhân, bản thân người trong cuộc lại không hiểu rõ nó, không biết được cái được, cái mất khi thực hiện theo và nhất là không làm đúng được những gì đã đề ra. Điều đáng nói nhất là, nhiều người lại viện vào đó vì mục đích cá nhân, như không muốn có trách nhiệm với gia đình, để tiếp tục tận hưởng tự do như còn sống độc thân, nên càng dễ khiến hôn nhân gặp nạn”, nhà tâm lý chia sẻ.