Biết lắng nghe là kỹ năng sống quan trọng, cần thiết cho sự giao tiếp, góp phần làm nên thành công của trẻ. Vì vậy, việc rèn luyện kỹ năng này cho trẻ càng sớm càng tốt, các bậc cha mẹ nên nhận thức được vấn đề và bắt đầu ngay từ hôm nay.
Đọc sách
Biến đọc sách thành hoạt động tương tác lý thú với trẻ. Khi đọc sách cùng con, bạn hãy đọc thật to và dừng lại một chút khi sang trang mới và hỏi con “Con đoán chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo?”. Yêu cầu trẻ giải thích câu trả lời của mình để kiểm chứng xem trẻ thực sự chăm chú nghe chuyện ở mức nào. Nếu trẻ lúng túng và có vẻ không nhớ nội dung thì bạn hãy kiên nhân tóm tắt lại hoặc đọc lại câu chuyện.
Điều đặc biệt, khi đọc sách cho trẻ nghe, bạn nên dành cho trẻ một khoảng thời gian tĩnh, gợi ý để trẻ dự đoán kết thúc của câu chuyện, trước khi phần kết được tiết lộ. Sau đó, thảo luận cùng trẻ kết thúc chuyện. Nếu kết thúc chuyện làm trẻ bất ngờ hoặc trẻ đã dự đoán chính xác thì hãy cùng trẻ điểm lại những mốc quan trọng trong chuyện.
Một “chiến lược” thú vị mà bạn rất nên áp dụng là kể lại cho trẻ nghe một câu chuyện cũ, dừng lại ở những chi tiết quan trọng và khuyến khích trẻ kể tiếp. Hoặc bạn có thể cố tình thay đổi một số tình tiết trong câu chuyện để xem trẻ có phát hiện ra không. Trẻ sẽ rất thích thú ngay khi phát hiện ra “sự ngốc nghếch” và lỗi của người lớn.
Chơi trò “kẻ nói, người nghe”
Trò chơi “kẻ nói, người nghe” giúp bạn rèn cho trẻ cả hai kỹ năng trò chuyện và lắng nghe. Yêu cầu hai hay hơn hai trẻ ngồi đối diện nhau, đưa ra một chủ đề rồi khuyến khích một trẻ đứng dậy nói, trẻ khác ngồi im lặng và lắng nghe. Cứ luôn phiên như vậy giúp trẻ rèn kỹ năng nói và nghe rất hiệu quả. Lưu ý là bạn cần đưa ra khoảng thời gian im lặng nhất định để trẻ suy nghĩ giữa mỗi lần nói. Và nếu trẻ có phá lên cười thì bạn – với vai trò người quản trò cũng không nên cáu gắt, miễn là tiếng cười của trẻ không làm gián đoạn trò chơi.
Chơi trò chơi “gieo vần, nối câu”
Trò chơi này không chỉ giúp trẻ mở rộng vốn từ vựng, cấu trúc câu, mà còn rèn kỹ năng lắng nghe hiệu quả. Rất đơn giản, bạn chỉ cần mào đầu bằng một từ hay cụm từ rồi gợi ý trẻ “gieo vần”. Vần điệu, câu từ của trẻ có thể ngô nghê, phi lý… nhưng như thế mới là trẻ con.
Trò chơi “theo nhịp”
Trò chơi “theo nhịp” là một trò khá vui nhộn và sôi động. Hãy vỗ tay theo một nhịp điệu đơn giản và yêu cầu trẻ lặp lại. Khi trẻ đã thành thục những động tác cơ bản, bạn hãy tiếp tục với những nhịp điệu dài hơn, rắc rối hơn, bạn thậm chí có thể vỗ vào đùi hay đầu để “thử thách” bé.